Bất chấp muôn vàn khó khăn, đoàn thể thao tị nạn ROT "không nơi chốn, không cờ, không quốc ca" sẽ có cơ hội cùng tranh tài với 10.500 VĐV từ hơn 200 quốc gia trên thế giới tại Olympic 2016.
10 VĐV đặc biệt này đã từng có quê hương nhưng họ phải cắn răng dứt áo rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn bởi chiến tranh, loạn lạc. Năm 2016 được xem như là năm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng về người tị nạn trên toàn cầu. Theo Cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR), thế giới có 65,3 triệu người không có chốn dung thân.
10 người là 10 cảnh đời, 10 số phận khác nhau. Người chạy trốn thoát khỏi chiến tranh, người buộc phải tìm đến vùng đất mới do làng mạc bị phá hủy, người trốn thoát sau những cuộc giam cầm, người may mắn thoát khỏi cảnh bị bắt đi lính, tham gia vào những đạo quân vô nghĩa. Tất cả đều phải chịu cảnh ly tán gia đình từ khi còn nhỏ.
Nỗ lực của IOC là một sự kiện hết sức thú vị của Olympic 2016 bởi mục tiêu của Olympic xuyên suốt từ ngày đầu đến giờ luôn đề cao tinh thần thể thao cao thượng, trung thực, phi chính trị, phi tôn giáo.
Một thế giới không có biên giới là tinh thần mà Olympic hướng đến. Một đoàn VĐV không đại diện cho một quốc gia cụ thể nào cả mang dáng dấp của tinh thần ấy.
Khi tuyển chọn 10 VĐV từ 43 ứng cử viên, IOC nhấn mạnh: "Không một ai có đặc quyền nào hết. Các thành viên trong đội tuyển ROT đều phải nỗ lực để đạt tiêu chuẩn cần thiết nếu muốn tranh tài ở Olympic".
Không có đặc quyền nghĩa là 10 VĐV này đã phải rất cố gắng, vượt qua những trở ngại khó khăn để được lọt vào "mắt xanh" của các nhà tuyển trạch IOC.
Ở 10 con người này, tinh thần không bao giờ bỏ cuộc, ngay cả khi cận kề giữa sự sống chết khiến tất cả phải lay động trái tim.
Rami Anis chạy trốn khỏi những vụ ném bom và bắt cóc
Rami Anis (25 tuổi)
Xuất thân: Syria
Môn thi đấu: Bơi bướm 100m
Rami Anis bắt đầu tập bơi từ 14 tuổi ở Aleppo (Syria) theo người anh của mình là VĐV bơi chuyên nghiệp. "Bơi là cuộc sống của tôi, còn bể bơi là nhà", Rami Anis thổ lộ. Ở Syria, bom nổ và bắt cóc xảy ra như cơm bữa. Gia đình của Rami Anis để anh bay tới Istabul sống cùng với người anh của mình.
"Những gì tôi mang theo chỉ là 2 áo khoác, 2 áo T-shirt và 2 chiếc quần gói gọn trong 1 túi nhỏ. Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng tôi sẽ ở Thổ Nhĩ Kỳ vài tháng rồi quay trở lại quê hương", anh nhớ lại.
Rami Anis luyện tập chăm chỉ nhưng không thể tranh tài bởi vì anh chẳng thuộc về nơi nào cả
Thế rồi, từ vài tháng đến vài năm, chàng trai 25 tuổi đã cải thiện được kĩ thuật bơi rất nhiều tại CLB thể thao Galatasaray, nhưng anh không thể tham gia thi đấu ở các giải do không có quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ.
"Giống như người học và học chăm chỉ nhưng không thể được tham dự bất kỳ cuộc thi nào hết, cảm giác như thế nào thì chắc bạn biết rồi đấy", Rami Anis tâm sự. Được gọi vào đội tuyển ROT khiến anh không khác gì một kẻ chết đuối vớ được phao. "Với những gì tôi đã luyện tập và trải qua, tôi có thể giành được kết quả tốt nhất. Thật tuyệt vời vì tôi được là một phần của sự kiện Olympic 2016".
Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia chứa nhiều người tị nạn nhất thế giới: hơn 2,5 triệu người (Theo UNHCR)
Yolande Mabika chẳng nhớ gì hết ngoài chi tiết cô bỏ chạy một mình
Yolande Mabika (28 tuổi)
Xuất thân: CHDC Congo
Môn thi đấu: Judo hạng trung
Yolande Mabika phải rời xa bố mẹ từ nhỏ sau cuộc chiến tranh diễn ra ở CHDC Congo. Cô chỉ nhớ cô đã chạy đi một mình và được một chiếc trực thăng "vớt" cô bay tới thủ đô Kinshasa (CHDC Congo). Ở đây có trung tâm bảo vệ trẻ em vô gia cư.
"Judo không cho tôi tiền nhưng cho tôi một trái tim mạnh mẽ", cô chia sẻ. "Tôi bị ly tán khỏi gia đình thân yêu của mình và đã khóc rất nhiều. Tôi đến với Judo để có một cuộc sống tốt đẹp hơn".
Yolande Mabika: "Judo không cho tôi tiền nhưng cho tôi trái tim mạnh mẽ"
Năm 2013, Yolande Mabika đã từng tới Rio để tranh tài tại giải VĐTG Judo. Khi ấy, cô bị HLV tịch thu hộ chiếu và chỉ cho ăn uống hạn chế như mọi giải đấu khác diễn ra ở nước ngoài.
Yolande phải chịu cảnh ngược đãi đến mức khó tin. Cô bị nhốt sau khi thua ở một giải đấu, Yolande tìm cách thoát khỏi khách sạn và lao ra đường tìm kiếm sự giúp đỡ.
Mỗi khi thất bại tại một giải đấu, Yolande Mabika bị nhốt và bỏ đói
Hiện tại Yolande Mabika đang tị nạn ở Brazil và luyện tập trong một trung tâm huấn luyện judo do Flavio Canto - VĐV Brazil từng giành HCĐ Olympic thành lập.
"Tôi là một phần của đội tuyển ROT và tôi sẽ giành huy chương. Đây là cơ hội đổi đời và tôi sẽ nắm lấy nó. Hi vọng gia đình sẽ nhìn thấy tôi và chúng tôi lại có thể đoàn tụ với nhau".
"Thế giới" đối với Paulo Amotun Lokoro chỉ là mảnh đất nhỏ nơi anh từng sinh sống
Paulo Amotun Lokoro (24 tuổi)
Xuất thân: Nam Sudan
Môn thi đấu: Chạy 1500m
Vài năm trước đây, Paulo Amotun Lokoro là đứa trẻ chăn gia súc cho gia đình tại một trang trại nhỏ ở Nam Sudan. Thế giới trong con mắt của Paulo Amotun gói gọn trong mảnh đất nhỏ nơi gia đình anh sinh sống, giữa những cuộc chiến tranh nổ ra liên miên.
Chiến tranh buộc Paulo phải tìm sang nước láng giềng Kenya tị nạn. Paulo thể hiện năng khiếu của mình ở trường học và bắt đầu tập luyện gần Nairobi (Kenya) dưới sự hướng dẫn của Tegla Loroupe, cựu VĐV chạy đường dài Kenya từng giữ KLTG chạy marathon của nữ.
Paulo Amotun Lokoro làm quen với việc chạy mà không có giày
"Trước khi tới đây, tôi thậm chí chẳng có đôi giày nào. Và rồi chúng tôi lao vào tập và tập. Đến bây giờ, chúng tôi đã biết để trở thành những VĐV hàng đầu cần phải làm những gì. Tôi rất vui đại diện cho những người tị nạn tham gia Olympic. Tôi sẽ được gặp nhiều người. Mọi người sẽ thấy tôi trên TV, trên Facebook. Nếu tôi thi đấu tốt, tôi có thể giúp đỡ gia đình và người thân".
Yusra Mardini: "Sau nỗi đau, sau bão tố rồi sẽ là những ngày bình yên"
Yusra Mardini (18 tuổi)
Xuất thân: Syria
Môn thi đấu: Bơi tự do 200m
Lênh đênh trên đại dương mênh mông, ngâm mình trong nước biển hàng tiếng đồng hồ giữa đêm tối. Đấy là cảnh bạn có thể xem hơn một lần ở các bộ phim thường có tính phóng đại, nhưng đó là những gì mà Yusra Mardini đã trải qua. Thậm chí, cuộc sinh tồn của cô có thể dựng thành một bộ phim và lấy nước mắt của khán giả.
Mới 3 tuổi, Yusra đã làm bạn với nước cùng cha cô vốn là một HLV bơi. Năm 2012, cô gái 14 tuổi này từng thi đấu tại giải vô địch bơi thế giới FINA dưới màu cờ Syria.
Những gì mà Yusra Mardini trải qua có thể dựng thành phim
Khi còn ở Syria, Yusra Mardina quá quen với cảnh vừa học, vừa chạy để thoát khỏi các cuộc nổ súng. Sự việc xảy ra nhiều đến mức khiến Yusra Mardini và các bạn dần trở nên "vô cảm" với từ chiến tranh và chẳng buồn nói nhiều về nó nữa.
Cũng trong năm 2012, nhà của Yusra bị phá hủy hoàn toàn sau một cuộc bắn phá tàn khốc ở Daraya khiến 400 người thiệt mạng. Hai người bạn trong đội bơi của cô cũng trở thành nạn nhân xấu số. Và rồi đến một ngày, trung tâm bơi lội nơi cô luyện tập cũng không thể đứng vững trước làn bom đạn.
Tháng 8/2015, Yusra cùng chị bay từ Damascus tới Beirut, rồi đến Istanbul, kết nối với một nhóm chuyên đưa người vượt biên. Sau 4 ngày chui lủi chờ đợi trong rừng, chị em Yusra cùng với 16 người nữa lên một chiếc xuồng nhỏ vốn dành cho...6 người. 7 giờ tối, thủy triều dâng cao, con xuồng tròng trành giữa những con sóng lớn hướng ra đại dương. Sau 20 phút, động cơ chết máy. 20 con người nhưng chỉ có chị em Yusra và 2 thanh niên khác biết bơi.
Yusra Mardini với trái tim nhân hậu đã cứu sống hơn 10 người trên biển trong cuộc đào thoát khỏi Syria sang châu Âu
Bốn người cùng nhảy xuống biển để đẩy xuồng đi. "Mọi người cầu nguyện. Chúng tôi gào thét kêu cứu cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ: 'Hãy giúp đỡ chúng tôi. Ở đây có trẻ em. Chúng tôi sắp chết đuối rồi!'. Và rồi, họ đáp lại: 'Hãy quay đầu và trở lại nơi xuất phát'.", Yusra kể lại.
Sau 3 tiếng rưỡi, hai thanh niên kiệt sức và đầu hàng. Chỉ còn chị em Yusra ra sức vùng vẫy giữa đại dương mênh mông. Thân nhiệt xuống thấp, nước biển mặn khiến mắt và da Yusra bỏng rát.
"Lúc ấy, tôi nghĩ: 'Sao cơ? mình là VĐV bơi lội mà. Rốt cuộc, mình sẽ chết dưới nước như thế này sao?'.". Và rồi Yusra tiếp tục giữ được tinh thần lạc quan, không hẳn chỉ bởi vì mạng sống và lòng kiêu hãnh của một VĐV bơi lội như cô, mà vì những con người yếu ớt đang ở trên chiếc xuồng kia. "Đứa bé nhìn tôi và tỏ ra sợ hãi", Yusra đã có thể buông tay và tự cứu lấy mình nhưng trái tim giàu lòng nhân ái của cô đã không cho phép cô làm thế.
Câu chuyện của cô khiến cả thế giới phải lay động và thức tỉnh về số phận của những người nhập cư.
Kình ngư 18 tuổi đã có HCV từ người hâm mộ khi Olympic còn chưa khởi tranh
Sau khi cập bến đảo Lesbos (Hy Lạp), Yusra di chuyển lên phía Bắc cùng với nhóm người tị nạn. Tháng 9/2015, Yusra đến Đức và bắt đầu tập luyện tại CLB thể thao Wasserfreunde Spandau 04, một trong những CLB lâu đời nhất Berlin, nơi có bể bơi được xây dựng để phục vụ Olympic 1936.
Ở tuổi 18, Yusra đang rất háo hức được tranh tài tại Olympic với các ngôi sao bơi lội hàng đầu thế giới ở nội dung bơi tự do 200 m. Dù giải đấu chưa diễn ra song Yusra chắc chắn đã nhận được chiếc "huy chương vàng" từ tất cả mọi người. Tên cô chắc chắn được hô vang tại lễ khai mạc Olympic 2016 cũng như trong những ngày diễn ra cuộc thi môn bơi.
"Tôi muốn chứng tỏ với mọi người rằng, sau nỗi đau, sau cơn bão rồi sẽ là những ngày bình yên. Tôi hi vọng sẽ gây cảm hứng cho mọi người làm điều gì đó tốt đẹp trong cuộc đời này", Yusra tuyên bố.
(Còn tiếp)
Đội tuyển "phi biên giới" ROT nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của 15 HLV và kĩ thuật viên.
10 VĐV tị nạn được chọn lọc từ 43 ƯCV đủ tiêu chuẩn.
Để trả chi phí luyện tập, IOC thành lập một quĩ hỗ trợ trị giá 2 triệu USD.