Quán quân Olympia là thủ khoa Đại học
Trận chung kết chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2009 là lần đầu tiên và duy nhất tính đến thời điểm này có sự góp mặt của 5 nhà leo núi. Nhà vô địch năm đó là Hồ Ngọc Hân (sinh năm 1991), đại diện THPT chuyên Quốc học Huế, Thừa Thiên - Huế. Đây cũng là thí sinh đầu tiên của Huế giành được danh hiệu này.
Bên cạnh đó, anh còn gây ấn tượng với thành tích Thủ khoa khối B trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM. Dù vậy, Hồ Ngọc Hân không học đại học trong nước mà lên đường du học tại ĐH Kỹ thuật Swinburne (Úc) sau khi nhận học bổng 35.000 USD. Sau khi tốt nghiệp, chàng trai 9x tiếp tục học lên Tiến sĩ, chuyên ngành chỉnh sửa gene tại ĐH Wollongong (Úc).
Năm 2019, Hồ Ngọc Hân đến Anh làm việc tại Viện Francis Crick - một viện nghiên cứu vi sinh hàng đầu thế giới. Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2009 tiếp tục nghiên cứu về cơ chế sửa đổi của DNA, làm việc với những nhà khoa học nổi tiếng trong lĩnh vực di truyền, biến đổi gen. Có những ngày Hồ Ngọc Hân vùi đầu vào công việc ở phòng thí nghiệm 15 tiếng/ngày, nhờ đó anh đạt được một số thành tựu nhất định trong thời gian ở Anh.
Hành trình “đi để trở về”
Sau 3 năm ở Anh, Hồ Ngọc Hân quyết định về nước vào năm 2022 và công tác tại Viện Công nghệ sinh học (ĐH Huế), phụ trách phòng thí nghiệm sinh học phân tử. Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2009 cho biết ý nghĩ quay về Việt Nam được anh nung nấu trước khi sang Anh làm việc.
Hồ Ngọc Hân bày tỏ quan điểm ở nước ngoài hay Việt Nam, mọi người đều có thể cống hiến bằng nhiều cách khác nhau, đặc biệt là trong khoa học. Tiến sĩ trẻ lựa chọn trở về vì thích sống ở việt Nam, để đóng góp, phụng sự quê hương, mảnh đất mà anh “mắc nợ ân tình” rất nhiều đồng thời mong muốn sống gần gia đình. Hồ Ngọc Hân bộc bạch, anh cảm thấy không nơi nào “sướng bằng Huế”, nơi anh tìm lại nhiều niềm vui cuộc sống và góp một phần sức nhỏ để xây dựng quê hương.
Nói về quyết định về Việt Nam dù đang có sự nghiệp rộng mở tại nước ngoài, nhà vô địch Olympia cho biết: “Với tôi đó không phải là sự đánh đổi. Khi tôi quyết định về Việt Nam, lúc đó thầy của tôi là một vị giáo sư ở viện cũng mong muốn giữ tôi ở lại. Kể cả khi tôi đã về Việt Nam vẫn có ba công ty gửi lời mời với thu nhập rất cao. Tuy nhiên tôi đều từ chối và kiên định với ý nghĩ đã đến lúc đi về nhà”.
Khi mới về nước, Hồ Ngọc Hân đã thử một công việc khác nhưng sau 3 tháng, anh lại quay lại với nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm. Điểm khác biệt là lần này anh chọn nghiên cứu trên thực vật, đặc biệt là những loại thực vật đang được trồng nhiều ở Việt Nam. Tại Đại học Huế, Tiến sĩ trẻ đóng vai trò kết nối, mở rộng mối quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, khơi dậy tinh thần ham học và đam mê nghiên cứu khoa học cho các bạn sinh viên.
Quán quân Olympia đã và đang cùng đồng nghiệp thực hiện một chương trình góp phần thúc đẩy các mô hình giáo dục trải nghiệm cho học sinh các cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Bên cạnh đó, Hồ Ngọc Hân còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào do Đoàn thanh niên, Công đoàn cơ sở Viện và Đại học Huế phát động, các hoạt động Tình nguyện và thiện nguyện vì cộng đồng.
Hồ Ngọc Hân cho biết từ khi về Việt Nam, nhiều bạn bè nhận xét anh đã cười nhiều hơn, trở lại với biệt danh “nụ cười thiên thần” được đặt từ cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2009. Vậy nên nhà vô địch Olympia năm thứ 9 cảm thấy quyết định về nước không thể gọi là đánh đổi vì anh được nhiều hơn mất với lựa chọn này.
Kim Linh (Tổng hợp)