1 năm thê thảm của “ông lớn” dệt may: Từ 4.000 công nhân còn vỏn vẹn 35 người, doanh thu cốt lõi 0 đồng, Chủ tịch nhận 0 đồng thù lao

Tri Túc |

Từng là doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may ở Tp.HCM với doanh thu mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ, song sự cố với “gã khổng lồ” Amazon cùng khó khăn chung của ngành đã khiến Garmex Sài Gòn vào tình cảnh bĩ cực.

CTCP Garmex Sài Gòn (GMC) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 4/2023. Ghi nhận, doanh thu thuần Công ty chỉ còn 134 triệu đồng do không có đơn hàng, trong khi cùng kỳ năm 2022 vẫn ghi nhận gần 17 tỷ đồng. Nguồn thu quý này chủ yếu đến từ doanh thu dịch vụ. Mặc dù đã tiết giảm chi phí, song doanh nghiệp tiếp tục báo lỗ gần 8 tỷ đồng trong quý cuối năm qua.

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu của Garmex chỉ đạt vỏn vẹn 8,6 tỷ đồng, giảm 35 lần so với cùng kỳ. Lỗ sau thuế gần 52 tỷ đồng. Nhờ trích lập dự phòng trợ cấp mất việc hơn 20 tỷ đồng trong năm 2022, khoản lỗ của Công ty trong năm 2023 cải thiện gần 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Garmex chịu tác động dây chuyền từ sự việc Gilimex bị Amazon Robotics LLC đột ngột cắt sản lượng trong khi đã đầu tư về cơ sở vật chất, hàng tồn kho,... Gilimex hiện là khách hàng chính của Garmex Sài Gòn.

Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, tình hình kinh doanh không thuận lợi, nếu duy trì sản xuất tại các nhà máy may thì công ty sẽ lỗ rất nhiều. Do đó Công ty đã tổ chức lại bộ máy, cắt giảm lao động, tạm ngưng sản xuất để giảm thiểu thiệt hại.

Doanh nghiệp đã cân đối lại nhân sự, thu hẹp hoạt động, thực hiện tiết giảm chi phí, đồng thời rà soát tài sản, tìm kiếm cơ hội khai thác hợp lý các mặt bằng hiện có hoặc thanh lý tài sản không cần dùng. Ngoài ra, công ty cũng đa dạng hóa ngành nghề để tránh rủi ro.

1 năm thê thảm của “ông lớn” dệt may: Từ 4.000 công nhân còn vỏn vẹn 35 người, doanh thu cốt lõi 0 đồng, Chủ tịch nhận 0 đồng thù lao- Ảnh 1.

Sau 1 năm "thê thảm", Chủ tịch HĐQT Nguyễn Việt Cường của Garmex Sài Gòn không nhận lương thưởng. Các thành viên HĐQT nhận trung bình 60 triệu đồng/người, còn Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính Nguyễn Minh Hằng được nhận lương thưởng gần 950 triệu đồng.

Hiện tại, Garmex Sài Gòn chưa tuyển lại lao động cho ngành kinh doanh truyền thống. Công ty có đầu tư khôi phục lại ngành may hay không còn tùy thuộc vào tình hình thị trường.

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản Công ty còn hơn 410 tỷ đồng, giảm gần 22% so với đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho chiếm gần 95 tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền mặt của Garmex chỉ còn vỏn vẹn 29 triệu đồng, tiền gửi ngân hàng ngắn hạn hơn 26 tỷ đồng. Nợ phải trả ở mức gần 27 tỷ đồng.

Garmex Sài Gòn là doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc có tiếng tại Tp.HCM, thành lập vào năm 1976. Công ty này có 5 nhà máy gồm An Nhơn, An Phú, Bình Tiên (Tp.HCM), Tân Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) và Quảng Nam với tổng diện tích hơn 10 ha, gồm 70 dây chuyền sản xuất.

Đến năm 2004, công ty chính thức cổ phần hóa, trong đó có 10% là vốn cổ đông Nhà Nước. Công ty niêm yết trên HoSE với mã chứng khoán GMC vào ngày 22/12/2006.

Trong suốt quá trình hoạt động, Garmex Sài Gòn đã nhận được nhiều cúp, bằng khen, huân chương và giải thưởng. Đặc biệt, vào năm 2013, cách đây đúng một thập kỷ, GMC vinh dự nhận Huân chương lao động hạng 3 do những thành tích đạt được trong hoạt động sản xuất kinh doanh và chăm lo đời sống của Người lao động. Trong năm, Garmex Sài Gòn cũng được tạp chí Fobes Việt Nam bình chọn là 1 trong 50 Doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam có hoạt động tốt nhất.

3 năm liền từ 2018-2020, GMC đoạt giải TOP 5 doanh nghiệp quản trị công ty tốt nhất nhóm vốn hóa nhỏ và vừa.

Từng là doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may ở Tp.HCM với doanh thu mỗi năm lên tới hàng nghìn tỷ, song sự cố với “gã khổng lồ” Amazon cùng khó khăn chung của ngành đã khiến Garmex vào cơn bĩ cực: cắt giảm gần hết nhân sự, chỉ còn vỏn vẹn 35 người, tức cắt giảm 1.947 lao động so với đầu năm. Tính chung cả hai năm gần nhất, doanh nghiệp này đã cắt giảm tổng cộng khoảng 3.775 người.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại