1 mình 1 chiến tuyến, TT Trump không ngại lôi các "đối thủ sừng sỏ" khắp 3 châu vào cuộc chiến

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Cho tới nay, TT Trump khá thành công với sách lược gây áp lực tối đa, doạ thật lực để buộc các đối tác kinh tế thương mại phải chấp nhận đàm phán về khuôn khổ, cơ chế hợp tác mới.

Trung Quốc, EU và Nhật Bản thuộc diện những đối tác kinh tế và thương mại quan trọng hàng đầu của Mỹ. Cả ba đều bị Mỹ lôi kéo vào cuộc xung khắc thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump dùng làm biểu tượng và hiện thân cho khẩu hiệu và phương châm cầm quyền "Nước Mỹ trước hết" phục vụ cho mục tiêu "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại".

Nếu như hồi năm 2016 nhờ khẩu hiệu và phương châm cùng với mục tiêu này mà ông Trump đã đắc cử Tổng thống Mỹ thì ông Trump hiện tại và tới đây lại cần chúng nếu muốn tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống lần tới vào năm 2020 ở Mỹ.

Ông Trump viện dẫn lý do về nhu cầu khắc phục tình trạng nhập siêu của Mỹ suốt thời gian dài trong trao đổi thương mại với 3 đối tác này để biện minh cho quyết định áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với hàng hoá của na đối tác kia xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Chưa bắt đầu đàm đã chuẩn bị đấu

Trong thực chất, ông Trump muốn có khuôn khổ và cơ chế mới cho quan hệ hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và hoạt động đầu tư giữa Mỹ với 3 đối tác kia. Cụm từ "đàm phán thương mại" thường được sử dụng ở đây vì thế không hoàn toàn chính xác và dễ gây hiểu nhầm.

Hiện Mỹ đang đàm phán như thế với Trung Quốc, vừa bắt đầu với Nhật Bản và tới đây sẽ với EU. Bất chấp sự không đồng tình của Pháp, EU đã thông qua trong nội bộ chủ trương, định hướng và phương án đàm phán với Mỹ nhưng phía Mỹ vẫn chưa chịu thống nhất với EU về thời điểm bắt đầu đàm phán và lộ trình đàm phán.

1 mình 1 chiến tuyến, TT Trump không ngại lôi các đối thủ sừng sỏ khắp 3 châu vào cuộc chiến - Ảnh 1.

TT Trump đã "lôi" 1 loạt nước đến bàn đàm phán thương mại với cơ chế do ông đặt ra Ảnh minh họa: Reuters

Đàm phán chưa bắt đầu nhưng Mỹ và EU đều đã bài binh bố trận để sẵn sàng tiếp tục và gia tăng xung khắc thương mại. Đây là điểm khác với đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc cũng như giữa Mỹ và Nhật Bản.

Phải công nhận rằng, kể cả những ai thực sự không muốn, là ông Trump cho tới nay khá thành công với sách lược gây áp lực tối đa và doạ thật lực để buộc các đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ phải chấp nhận đàm phán với Mỹ về khuôn khổ và cơ chế hợp tác mới.

Mexico và Canada ở Bắc Mỹ, Brazil và Argentina ở Nam Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản ở châu Á, và cả Trung Quốc lẫn EU.... đều như thế hết.

Đối với ông Trump, cái phản tác dụng và lợi bất cập hại có thể đến với nước Mỹ về trung hạn và dài hạn không được coi trọng và ưu tiên bằng cái lợi trước mắt cho ông Trump là hình ảnh các đối tác bị Mỹ khuất phục.

Riêng đối với EU, chính quyền của ông Trump không gay gắt và quyết liệt như đối với Trung Quốc và Nhật Bản hay các đối tác khác, nhưng mức độ sẵn sàng khoan nhượng cũng không cao.

EU trả đũa Mỹ đến nơi đến chốn trong cuộc xung khắc thương mại hiện tại. Nhưng sự đe doạ của ông Trump là áp thuế quan bảo hộ thương mại cao đối với ô tô và phụ tùng ô tô của EU xuất khẩu sang Mỹ có tác động tâm lý và răn đe rất mạnh, mạnh đến mức EU phải chủ động tìm cách hạ hoả và đi vào đàm phán với Mỹ.

1 mình 1 chiến tuyến, TT Trump không ngại lôi các đối thủ sừng sỏ khắp 3 châu vào cuộc chiến - Ảnh 2.

Trong bối cảnh tình hình ấy, phán xử mới đây nhất của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) về vụ kiện tụng giữa Mỹ và EU dai dẳng đã 15 năm nay liên quan đến chính phủ Mỹ bù trợ cho hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ và EU bù trợ cho hãng chế tạo máy bay Airbus của EU lại chẳng khác gì như đổ thẻm dầu vào ngọn lửa bất hoà đang theo chiều hướng lụi bớt và lắng xuống.

Cách đây mấy năm, WTO xác nhận là chính phủ Mỹ bù trợ cho Boeing và yêu cầu chính phủ Mỹ chấm dứt chính sách này. Mới đây, WTO phán rằng Mỹ không tuân thủ yêu cầu của WTO mà vẫn tiếp tục bù trợ cho Boeing, mở đường cho EU có thể khởi kiện Mỹ đòi bồi thường thiệt hại ở mức độ nhiều trăm tỷ USD.

Phía Mỹ phản ứng bằng tuyên bố sẽ áp thuế quan bảo hộ thương mại đối với máy bay và phụ kiện của hãng Airbus và nông phẩm của EU xuất khẩu vào thị trường Mỹ ở mức độ giá trị 11 tỷ USD với lập luận EU bù trợ cho Airbus khiến kinh tế Mỹ bị thiệt hại 11 tỷ USD.

EU trả lời ngay bằng danh sách hàng hoá của Mỹ sẽ bị áp thuế quan bảo hộ thương mại ở mức độ giá trị tương ứng, đồng thời còn chuẩn bị khởi kiện Mỹ ở WTO đòi Mỹ bồi thường.

Những động thái nói trên ở cả hai phía đầu độc chứ không tạo bầu không khí chính trị thuận lợi cho cuộc đàm phán mà hai bên sắp tiến hành. Cả hai đều vừa thủ thế vừa tạo thế để tăng thế cho mình trong cuộc đàm phán này.

So với tất cả các đối tác khác bị ông Trump gây xung khắc thương mại cho tới nay, kể cả Trung Quốc và Nhật Bản, thì EU chơi ngang ngửa và sát ván với Mỹ hơn rất nhiều, dễ đấu chọi Mỹ hơn và cũng còn có sẵn nhiều con chủ bài hơn.

Chuyện đàm phán này giữa Mỹ và EU vì thế sẽ khó khăn phức tạp hơn, kéo dài hơn và khó kết thúc thành công hơn. Hiện tại, EU cần nhưng Mỹ lại không vội trong chuyện này và ông Trump chỉ cần các đối tác phải chấp nhận đàm phán riêng với Mỹ chứ chưa thật cần đàm phán thành công.

Nhưng càng gần đến thời điểm bầu cử tổng thống sang năm ở Mỹ thì ông Trump càng cần kết quả đàm phán mà ông Trump coi là thành công và thắng lợi đối với nước Mỹ. Cũng chính vì thế mà hai bên hiện để tâm nhiều hơn và phải sẵn sàng hơn cho chuyện đấu với nhau chứ không phải tới việc bắt đầu đàm phán với nhau.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại