ZT-6 Mokopa - Tên lửa chống tăng của Nam Phi khiến Nga, Mỹ phải "ngước nhìn"

ĐTN |

Vào thời điểm thử nghiệm, ZT-6 Mokopa có tầm bắn xa, tốc độ cao và khả năng xuyên thép lớn hơn tất cả các tên lửa chống tăng phóng từ trực thăng trên thế giới.

Vũ khí này được đặt tên theo thuật ngữ Setswana cho Black Mamba, một trong những loại rắn độc nguy hiểm nhất thế giới. Mokopa còn được gọi là ZT-6, mặc dù tên thương mại của nó tỏ ra phổ biến hơn.

ZT-6 Mokopa - Tên lửa chống tăng của Nam Phi khiến Nga, Mỹ phải ngước nhìn - Ảnh 1.

Trực thăng tấn công AH-2 Rooivalk

Quá trình ra đời của ZT-6 Mokopa

Khi Quân đội Nam Phi đặt ra những yêu cầu đối với trực thăng tấn công nội địa AH-2 Rooivalk, họ muốn có một tên lửa chống tăng tích hợp để chống lại tất cả các mối đe dọa từ xe tăng - thiết giáp trong tương lai gần. ZT-3 Ingwe được chỉ định như phương án thay thế tạm thời cho đến khi một tên lửa mạnh mẽ hơn sẵn sàng hoạt động.

Chính phủ Nam Phi hy vọng sau khi chấm dứt chế độ Apartheid họ có thể nhập khẩu loại AGM-114 Hellfire để trang bị cho Rooivalk. Nhưng do Mỹ tiếp tục kéo dài lệnh cấm vận vũ khí vào những năm 1990, dẫn tới việc cánh cửa mua Hellfire bị đóng sập lại (mặc dù có dấu hiệu cho thấy Nam Phi đã đánh cắp tài liệu thiết kế Hellfire để áp dụng trên Ingwe).

Điều này đã thúc đẩy Lực lượng Phòng vệ Quốc gia Nam Phi (SADF hoặc SANDF) tìm kiếm một giải pháp nội địa để thay thế.

ZT-6 Mokopa - Tên lửa chống tăng của Nam Phi khiến Nga, Mỹ phải ngước nhìn - Ảnh 2.

Tên lửa chống tăng ZT-3 Ingwe

Hiện chưa xác định chính xác thời gian phát triển Mokopa, có người cho rằng quá trình được triển khai toàn diện vào tháng 11/1996. Tất cả những hệ thống con chủ chốt khởi động vào đầu năm 1998, vụ bắn thử nghiệm từ Rooivalk diễn ra vào năm 1999, bắn thử nghiệm có dẫn đường tiến hành vào tháng 12/2000.

Sau đó Denel thông báo rằng trong hai lần phóng liên tiếp, tên lửa đều đánh trúng mục tiêu (mặc dù tổng số tên lửa phóng đi không được công bố). Sự phát triển của Mokopa được coi là hoàn thành vào năm 2004, chính thức phục vụ trong Không quân Nam Phi (SAAF) từ năm 2005.

Tính năng cơ bản của tên lửa Mokopa

Mokopa có 3 kiểu đầu dẫn bao gồm laser bán chủ động, hồng ngoại và radar chủ động. Chúng đều có thể khóa mục tiêu trước khi phóng (Lock-On Before Launch - LOBL), hoặc khóa mục tiêu sau khi phóng (Lock-On After Launch - LOAL).

Hệ thống dẫn đường laser bán chủ động hoạt động theo nguyên tắc đạn được dẫn vào mục tiêu đã chỉ thị bằng laser qua một cửa sổ cảm biến trong mũi. Phương thức này có độ chính xác cao, ngay cả ở khoảng cách lớn, có thể đánh dấu hầu như bất cứ thứ gì bị coi là mục tiêu.

Nó cũng có lợi thế là cho phép Mokopa triển khai trong chiến thuật "ripple fire", trong đó các nhóm mục tiêu được tấn công đồng thời bằng cách sử dụng nhiều lần phóng tên lửa liên tiếp.

Khi tên lửa đầu tiên bay đến tiếp cận đối tượng cần tiêu diệt, tên lửa thứ hai được đánh dấu bằng laser cho đến khi mục tiêu thứ hai bị bắn hạ và cứ thế, cho phép một nền tảng phóng đơn lẻ hạ gục nhanh nhiều mục tiêu.

Tuy nhiên chỉ thị bằng laser cũng có nhược điểm, đó là xu hướng chùm tia bị mờ hoặc bị tắc nghẽn do khói, bụi, sương mù, mây... đi kèm đó là sự gia tăng các biện pháp đối phó chống laser và các hệ thống phát hiện chiếu laser.

ZT-6 Mokopa - Tên lửa chống tăng của Nam Phi khiến Nga, Mỹ phải ngước nhìn - Ảnh 3.

ZT-6 Mokopa với đầu dẫn laser bán chủ động

Hệ thống dẫn đường hồng ngoại cho phép Mokopa phát hiện nhiệt lượng từ ống xả, động cơ, hoặc bề mặt bị làm nóng bởi ánh mặt trời. Kiểu dẫn đường này hoàn toàn thụ động, không phát ra năng lượng để chỉ thị mục tiêu, cho phép nền tảng phóng khóa nhiều đối tượng cùng lúc. Phiên bản này là một vũ khí "bắn và quên" hiệu quả.

Tuy nhiên, phương pháp dẫn hướng trên không phải không có nhược điểm. Đầu dẫn hồng ngoại sẽ tấn công bất cứ thứ gì trên chiến trường khi sản lượng nhiệt đủ, bao gồm miệng hầm lò, các mảnh vỡ đang cháy và những chiếc xe đã bị hạ.

Việc sử dụng thiết bị phóng mồi bẫy và gây nhiễu tia hồng ngoại cũng là biện pháp đối phó hiệu quả. Cùng một môi trường, trong đó tác dụng của dẫn hướng bằng tia laser đã bị xuống cấp thì đầu dò hồng ngoại cũng vô dụng.

Hơn nữa, việc trang bị ngày càng nhiều các biện pháp làm mát động cơ và cách nhiệt hồng ngoại trên xe bọc thép cũng ảnh hưởng đến khả năng tồn tại của tên lửa lắp đầu dò kiểu này.

ZT-6 Mokopa - Tên lửa chống tăng của Nam Phi khiến Nga, Mỹ phải ngước nhìn - Ảnh 4.

ZT-6 Mokopa với đầu dẫn radar chủ động

Hệ thống dẫn đường bằng radar chủ động hoạt động tương tự như trên tên lửa AGM-114L Longbow Hellfire, nó thường được gọi là MiliMeter Wave (hoặc MMW) bởi vì bước sóng được sử dụng.

Phương pháp dẫn hướng này khác với tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm, thay vì chỉ đơn giản là bay theo tín hiệu phản xạ radar, đầu dẫn này khóa vào một vật thể phản xạ theo 3 chiều từ phần còn lại của địa hình.

Do vậy, mặc dù cảm biến hoàn toàn khác nhau nhưng Longbow Hellfire nhận ra và tiếp cận mục tiêu theo cách tương tự như vũ khí có hướng dẫn bằng quang điện tử - tương phản hình ảnh. Biến thể này là loại bắn và quên, không đòi hỏi thông tin đầu vào từ người vận hành ngoài việc chọn mục tiêu và phóng tên lửa.

ZT-6 Mokopa - Tên lửa chống tăng của Nam Phi khiến Nga, Mỹ phải ngước nhìn - Ảnh 5.

Tên lửa Mokopa được phóng đi

Khi phi công nhấn nút khai hỏa, động cơ khởi tốc được kích hoạt để rời khỏi giàn phóng, sau đó động cơ duy trì đẩy tên lửa trong suốt quá trình bay.

Đầu đạn chính của Mokopa là loại nổ lõm song song (Tandem Shape Charge), xuyên được 1.350 mm thép đồng nhất (RHA) sau lớp giáp phản ứng nổ (ERA), giúp cho Mokopa trở thành một trong những loại đạn chống tăng đáng gờm nhất hiện nay và là tên lửa mạnh nhất trong phân lớp.

Đầu đạn nổ mạnh phá mảnh (HE-FRAG) cho nhiệm vụ chống hạm cũng được cung cấp cho Mokopa, cũng như đầu đạn nhiệt áp, mặc dù hiệu suất của chúng chưa được công bố. Bên cạnh đó, còn có loại đầu đạn xuyên được quảng cáo, mặc dù không rõ nó sẽ hoạt động ra sao.

Mokopa có thể trang bị cho trực thăng lẫn máy bay cánh cố định, bao gồm trực thăng tấn công AH-2 Rooivalk và Mi-24 Hind, trực thăng đa dụng Super Lynx và máy bay tấn công hạng nhẹ AHRLAC, nó còn đóng vai trò vũ khí phóng dưới mặt đất và phóng từ mặt biển.

ZT-6 Mokopa - Tên lửa chống tăng của Nam Phi khiến Nga, Mỹ phải ngước nhìn - Ảnh 6.

ZT-6 Mokopa trên trực thăng Super Lynx

Hiệu suất của Mokopa vượt trội hầu hết các loại tên lửa chống tăng khác. So với AGM-114L Longbow Hellfire, Mokopa có tốc độ bay nhanh, tầm bắn xa hơn 1 km và xuyên sâu hơn 50% giáp, mặc dù cơ bản là cùng kích cỡ và trọng lượng.

Mokopa cũng có 2 hệ thống dẫn đường thay thế (bao gồm dẫn đường hồng ngoại, không được sử dụng trong bất kỳ tên lửa Hellfire nào) và 2 loại đầu đạn khác. Tuy nhiên, Hellfire có lợi thế riêng, chẳng hạn như khả năng tấn công nóc xe tăng trong các phiên bản sau này.

ZT-6 Mokopa - Tên lửa chống tăng của Nam Phi khiến Nga, Mỹ phải ngước nhìn - Ảnh 7.

ZT-6 Mokopa gắn trên UAV Seeker 400

Ngoài Không quân Nam Phi, Mokopa đã được xuất khẩu cho Hải quân Morocco vào năm 2012, và Hải quân Nam Phi bắt đầu sử dụng tên lửa này vào năm 2015. Cả hai lực lượng đều tích hợp Mokopa vào trực thăng Super Lynx 300.

Ngoài ra, Hải quân Morocco còn có ý định đưa tên lửa này lên tàu chiến như một vũ khí chống hạm. Hiện tại, chi phí đơn vị của Mokopa chưa được công bố.

Thông số kỹ thuật cơ bản của tên lửa chống tăng ZT-6 Mokopa

Chiều dài: 2 m; Đường kính: 180 mm; Trọng lượng: 49,8 kg.

Tầm bắn: 10 km; Độ xuyên: 1.350 mm RHA sau lớp ERA.

Kiểu đầu đạn: nổ lõm chống tăng (Tandem Shape Charge), nổ mạnh phá mảnh (HE-FRAG), nhiệt áp (Thermobaric).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại