Yêu cầu tổ chức sớm hội nghị thượng đỉnh EU-TQ, Bắc Kinh muốn gửi thông điệp gì tới Mỹ?

Thủy Thu |

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Trung Quốc thường được diễn ra vào tháng 7 hàng năm, tuy nhiên năm nay Bắc Kinh lại bất ngờ yêu cầu khai mạc sớm hơn thường lệ.

Theo giới phân tích, động thái này liên quan đến chính sách bảo hộ thương mại của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Reuters (Anh) ngày 15/2 cho biết, tuy thời gian cụ thể của cuộc đối thoại EU- Trung Quốc năm 2017 vẫn chưa được xác định nhưng quan chức EU tiết lộ, phía Bắc Kinh đã yêu cầu triển khai sớm hơn thường lệ.

Thông điệp gửi Mỹ

Theo quan chức EU, khối này đã lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng định EU-Trung Quốc tại Brussels, Bỉ vào tháng 4 hoặc 5 tới đây.

Đồng thời tiết lộ, cuộc đối thoại xoay quanh vấn đề thúc đẩy tự do thương mại và hợp tác quốc tế để ứng phó chủ nghĩa bảo hộ thương mại và chiến lược tập trung vào kinh tế trong nước của tân chính phủ Mỹ.

Theo đó, châu Âu tin rằng, Trung Quốc muốn lợi dụng hội nghị này để nhấn mạnh quan điểm bảo vệ mạnh mẽ chiến lược mở cửa thương mại và hợp tác toàn cầu của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos, Thụy Sĩ hồi tháng 1 vừa qua nhằm đối phó với chính sách của chính quyền Trump.

"Bằng cách tổ chức hội nghị sớm, Trung Quốc muốn truyền tải một thông điệp tới Mỹ: Họ ở có bạn bè ở châu Âu", một quan chức EU phụ trách hoạch định chính sách nói.

Mặt khác, EU cũng mong muốn thu hút sự ủng hộ của Trung Quốc trong đối thoại với các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc.

Một quan chức EU khác cho rằng, do một số quốc gia đang cố gắng ngăn chặn hoặc làm suy yếu sức mạnh của các tổ chức quốc tế nên khối này hy vọng Trung Quốc ủng hộ và tin tưởng Liên Hợp Quốc cũng như Tổ chức thương mại thế giới WTO.

Yêu cầu tổ chức sớm hội nghị thượng đỉnh EU-TQ, Bắc Kinh muốn gửi thông điệp gì tới Mỹ? - Ảnh 1.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos hồi tháng 1/2017. Ảnh: Reuters

"Chúng tôi hy vọng sẽ nhìn thấy một thế giới đa cực và EU đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đó", Reuters dẫn nguồn tin Bắc Kinh chuyên nghiên cứu về chính sách của Trung Quốc với EU.

Hãng tin Anh cũng nhận định rằng, hiện nay EU đang bận rộn ứng phó với tiến trình Brexit (Anh rời EU) nên rất hài lòng trước thái độ đối đầu Washington của Bắc Kinh.

"Châu Âu không muốn nhìn thấy tiến trình toàn cầu hóa bị đảo lộn", Giáo sư Kim Xán Vinh thuộc Viện quan hệ quốc tế, Đại học nhân dân Trung Quốc nói.

"Nếu Anh-Mỹ rút lui khỏi tiến trình toàn cầu hóa, chúng tôi hy vọng Trung Quốc và châu Âu có thể tiếp tục gánh vác sự nghiệp này", Kim bình luận thêm.

Khó khăn và trở ngại

Theo Reuters, hội nghị EU-Trung Quốc năm 2016 đã diễn ra trong bầu không khí vô cùng căng thẳng bởi phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế PCA về vụ kiện biển Đông.

Tháng 7/2016, PCA đã bác bỏ cơ sở pháp lý của Trung Quốc đối với yêu sách "đường chín đoạn" mà nước này áp đặt trên biển Đông, cũng như khẳng định Bắc Kinh không có chủ quyền lịch sử ở khu vực này.

Do đó, việc đẩy sớm thời gian hội nghị thượng đỉnh của năm 2017 sẽ giúp Trung Quốc phá vỡ cục diện bế tắc của năm 2016.

Năm 2016, EU đã cảnh cáo Trung Quốc về vấn đề biển Đông, quyết định không công nhận nước này là nền kinh tế thị trường; hơn nữa, hai bên cũng chưa thể giải quyết tranh chấp thương mại về các sản phẩm thép Trung Quốc.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng cho rằng, sáng kiến Một vành đai, một con đường rất có lợi cho EU nên từ năm 2015, Bắc Kinh đã thuyết phục nhiều quốc gia châu Âu, bất chấp sự phản đối của Washington để tham gia vào tổ chức tài chính quốc tế Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á do nước này khởi xướng.

"Chúng tôi sẽ hoan nghênh nếu Trung Quốc muốn duy trì trật tự toàn cầu trên nguyên tắc cơ bản" - một quan chức châu Âu nói - "Nhưng chúng tôi cần nói rằng, hãy cho chúng tôi nhìn thấy một số hành động cụ thể".

Tuy nhiên, hãnh tin BBC (Anh) lại cho rằng, quan hệ Trung-EU không phải không có trở ngại và khó khăn bởi công nhận địa vị kinh tế thị trường hay ngành xuất khẩu sắt thép của Trung Quốc và sức cạnh tranh của EU tại thị trường Trung Quốc đều sẽ là những vấn đề hai bên cần đối diện.

Trong cuộc họp báo thường ngày hôm 16/2, trả lời trước câu hỏi hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc có phải sẽ được triển khai sớm hơn thường lệ, người phát ngôn Bộ ngoại giao Cảnh Sảng cho biết, đây là cơ chế gặp mặt cấp cao định kỳ thường niên giữa EU và Bắc Kinh.

"Chúng tôi vẫn đang duy trì liên lạc và thảo luận với EU về những sắp xếp liên quan đến hội nghị năm nay, nếu có thông tin sẽ kịp thời công bố", ông Cảnh nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại