Câu chuyện Israel - Palestine
Trong số những diễn biến mới nhất về chiến sự ở Trung Đông liên quan đến Iraq và Syria, có chuyện phe quân đội chính phủ Iraq và Syria tiếp tục thắng thế về quân sự, Mỹ đưa thêm binh lính đến tham chiến, Israel buộc phải công khai hoá hoạt động quân sự ở Syria, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chấm dứt chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Syria và Iran chính thức cho phép Nga sử dụng một số căn cứ quân sự trên lãnh thổ Iran.
Giữa Israel và Palestine, mọi chuyện trở nên còn phức tạp hơn và giải pháp chính trị hoà bình càng thêm xa vời sau khi Israel hợp pháp hoá những làng người Do Thái xây dựng trái phép trên các khu vực lãnh thổ của người Palestine.
Hai khuôn khổ diễn đàn hội nghị quốc tế về Syria - ở Geneve, Thuỵ Sỹ, do Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chủ xướng cũng như ở Astana, Kazakhstan, do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran thiết lập - đều được đồng thời vận hành nhưng chưa đưa lại kết quả đáng kể nào.
Hội nghị cấp cao vừa qua của Liên đoàn Ả rập tại Maroc cũng không đưa ra được ý tưởng nào mới giúp giải quyết vấn đề Syria, nhắc lại đề nghị hoà giải với Israel và khẳng định lập trường ủng hộ nhà nước Palestine.
Một phụ nữ Palestine đi qua lính Israel bên ngoài nhà thờ Al-Aqsa tại Jerusalem. Ảnh: Getty
Với chính quyền mới ở Mỹ thiên lệch rõ ràng về phía Israel, triển vọng giải quyết hoà bình cuộc xung đột giữa Israel và Palestine trở nên còn mờ nhạt hơn so với trước.
Kịch bản nhiều khả năng xảy ra nhất ở nơi đây là Israel chậm lại trong việc xây dựng các khu định cư mới cho người Do Thái trên các khu vực lãnh thổ của Palestine nhưng đẩy mạnh việc hợp pháp hoá các khu định cư đã xây dựng.
Israel sẽ can dự quân sự nhiều hơn vào chiến sự ở Iraq và Syria trong khi chuyện đàm phán hoà bình với Palestine không được coi là ưu tiên cấp thiết.
Kịch bản nào cho Iraq, Syria?
Ở Iraq, Syria và Libya, cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và những lực lượng Hồi giáo cực đoan sẽ có bước chuyển chiến lược quan trọng khi những thành luỹ cuối cùng của IS được quân đội Iraq và Syria cùng đồng minh của họ giải phóng.
IS sẽ từ tập trung chuyển sang tản mác, ẩn trú trong sa mạc và tìm cách đem khủng bố ra bên ngoài khu vực. Cuộc chiến chống IS vì thế sẽ thay đổi rất cơ bản về hình thức và mức độ, đặt ra nhiều thách thức mới cho những bên tiến hành chiến tranh chống IS và trong thực chất chưa biết đến khi nào mới kết thúc thành công.
Việc giải quyết những vấn đề về quyền lực và chính trị an ninh, ổn định xã hội ở Iraq và Syria chưa thể sớm đạt được kết quả, nhưng ở Iraq còn dễ dàng hơn ở Syria. Bộ phận quân đội Mỹ ở đây sẽ còn tiếp tục hiện diện thêm một thời gian nữa và vì vậy Iraq vẫn là nơi Mỹ đóng vai trò quyết định.
Chỉ ở Syria thì hiện mới có nhiều kịch bản cho tương lai. Ngoài việc Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố chấm dứt chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Syria và Iran cho phép Nga sử dụng căn cứ quân sự còn có sự điều chỉnh quan điểm rất cơ bản của Mỹ là không còn bám giữ vào điều kiện tiên quyết từ thời chính quyền tiền nhiệm Barack Obama: Đòi tổng thống Syria Bashar al-Assad phải ra đi trước khi có giải pháp chính trị.
Tiếp tục xung đột hay có hoà bình ở nơi này hiện trong thực chất phụ thuộc hoàn toàn vào Nga và Mỹ.
Nếu cùng hội cùng thuyền, hai đối tác này có thừa đủ cả uy và lực, cả vị thế lẫn biện pháp cụ thể buộc các phe cánh ở bên trong Syria phải thoả hiệp với nhau về giải pháp chính trị hoà bình, bất kể trong đó ông Assad đóng hay không đóng vai trò gì.
Vấn đề ở chỗ quan hệ chung giữa Nga và Mỹ hiện đang rất trắc trở và chính quyền Tổng thống Donald Trump chưa bộc lộ rõ ràng định hướng chính sách riêng đối với Nga, do đó Nga không vội kiến tạo lại quan hệ với Mỹ.
Do vậy, hai bên sẽ còn tiếp tục mạnh ai nấy làm ở Syria, miễn là không gây tổn hại trực tiếp cho nhau.
Thực trạng này có lợi cho chính phủ Syria nhiều hơn cho phe chống chính phủ, vì thời điểm chưa chín muồi cho sự khởi động lại mối quan hệ giữa Nga và Syria nên hiện chưa đến lúc Nga và Mỹ thoả hiệp lẫn nhau để cùng giải quyết vấn đề Syria.