Newsweek: Putin từng hướng tới một thỏa thuận về Ukraine, nhưng đã tính toán nhầm

Linh Nguyễn |

Tháng 4/2017 đánh dấu ba năm kể từ khi xung đột nổ ra ở miền đông Ukraine. Cho đến nay, khi đã có hơn 10.000 người Ukraine thiệt mạng và giao tranh vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Bài phân tích được đăng tải trên tờ Newsweek (Mỹ) mới đây cho rằng, có lẽ phải mất nhiều thập kỷ nữa những ảnh hưởng và biến chuyển mà cuộc xung đột này trút lên phía Ukraine mới hiện hữu một cách rõ nét.

Tuy nhiên, Newsweek nhận định, cuộc khủng hoảng ở Ukraine không mang lại nhiều giá trị thực cho Nga, trong khi Moscow cũng phải hứng chịu nhiều tổn hại.

Mâu thuẫn với chính phủ Ukraine đã khiến nền kinh tế Nga chịu thiệt hại lớn, cô lập Nga với những nước lớn trên thế giới, vô tình thắt chặt liên minh NATO và đẩy Kremlin vào vị trí bất lợi trong thế đối đầu căng thẳng với phương Tây.

Mặc dù vậy, không có dấu hiệu gì cho thấy Moscow đang có ý định rút khỏi xung đột này. Trái lại, Moscow gần đây đã khẳng định quan điểm cứng rắn qua quyết định chấp nhận giấy tờ tùy thân do chính quyền ly khai ở miền đông Ukraine cấp.

Newsweek đặt câu hỏi, tại sao Nga lại sẵn sàng tiếp nhận cái giá ngày càng cao của chính sách đối với Ukraine?

Khi thỏa thuận Minsk được ký kết vào tháng 9/2014, và Minsk "2.0" vào tháng 2/2015, giới phân tích cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ bắt đầu thương thuyết hướng tới một thỏa thuận có lợi cho các bên. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa xảy ra.

Newsweek: Putin từng hướng tới một thỏa thuận về Ukraine, nhưng đã tính toán nhầm - Ảnh 1.

Lực lượng hành pháp giữ trật tự trong cuộc tuần hành của những người Ukraine ủng hộ Kiev cắt đứt giao thông với các tỉnh miền Đông vào tháng 3/2017. Ảnh: Reuters

Thay vào đó, Nga duy trì thái độ cứng rắn, có thể vì Moscow cho rằng phương Tây sẽ mất dần sự quan tâm đối với vấn đề này, hoặc bản thân Kiev sẽ tự sụp đổ trước áp lực chia rẽ trong nội bộ quốc gia đè nặng.

Cả hai dự định này đều không trở thành sự thật. Lệnh trừng phạt từ Mỹ và đồng minh tiếp tục giữ nguyên, trong khi Ukraine bày tỏ quyết tâm cao độ đối mặt với Nga, mặc dù Kiev vẫn vật lộn với tình hình chính trị bất ổn.

Ngay cả những "cơn địa chấn" như Brexit và Tổng thống Trump đắc cử cũng không thể thay đổi bố cục bức tranh toàn cảnh, khiến Kremlin vẫn phải tiếp tục tìm kiếm hướng đi đột phá.

Việc phương Tây giữ nguyên hướng tiếp cận cứng rắn lẽ ra đã có thể tạo tiền đề cho hướng giải quyết bằng ngoại giao, nhưng tình hình ở miền Đông Ukraine đang đi theo chiều hướng trái ngược.

Khả năng cao là xung đột này sẽ bị đóng băng trong thời gian tới, khiến cả Nga và phương Tây mắc kẹt trong cuộc đối đầu dài hơi, trong khi Kiev mắc kẹt ở giữa.

Theo Newsweek, cách duy nhất để cả Nga, Ukraine và phương Tây phá vỡ tảng băng xung đột này là nếu các nước phương Tây, chủ yếu là từ Liên minh châu Âu (EU) quyết định tăng mạnh hỗ trợ tài chính, ngoại giao và quân sự đối với Kiev, bao gồm việc xem xét thúc đẩy lộ trình xin gia nhập EU của Ukraine.

Việc đối đầu quân sự trực tiếp với Nga vẫn nằm ngoài sức tưởng tượng, nhưng các lãnh đạo phương Tây cần phải tỏ ra quyết đoán nếu muốn chấm dứt xung đột ở miền Đông Ukraine trong những năm tới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại