Quân nhân Ukraine trong cuộc xung đột với lực lượng Nga ở vùng Lugansk, ngày 25/2/2022. Ảnh: AFP
Cách đây một vài tuần, cuộc xung đột Nga-Ukraine dường như rơi vào bế tắc khi không bên nào đạt được bước đột phá trên chiến trường. Tuy vậy, xu hướng này dường như đã thay đổi với cuộc phản công lớn của Ukraine tại Kharkov và Kherson. Sau đà phản công của Kiev, Nga có huy động lực lượng đáp trả, gia tăng tập kích tên lửa, vũ khí hóa khí đốt hoặc gây sức ép ngoại giao?
Những thay đổi đáng chú ý trên chiến trường
Việc Ukraine bất ngờ phản công nhằm giành lại hàng nghìn km2 lãnh thổ ở khu vực Đông Bắc kết hợp với những đòn tấn công liên tiếp trên mặt trận phía Nam đã khiến Nga rơi vào tình thế khó khăn. Moscow hiện đang đứng trước nhiều lựa chọn.
Khi mùa Đông đến gần, Nga phải lựa chọn ưu tiên cho mặt trận nào hơn cũng như xem xét liệu có tăng gấp đôi các nỗ lực hay không, để có thể hoàn thành mục tiêu mà Tổng thống Putin đặt ra là “giải phóng” các khu vực Donetsk và Luhansk. Nga đang kiểm soát khoảng 20% diện tích lãnh thổ Ukraine, trong đó có Bán đảo Crimea và lãnh thổ miền Đông do phe ly khai thân Nga nắm giữ.
Hiện giờ, việc giành quyền kiểm soát Donetsk là ưu tiên hàng đầu đối với Moscow. Cuộc chiến kéo dài hơn 6 tháng qua đã tạo ra nhiều thách thức đối với công tác hậu cần của Nga. Công việc này dự kiến trở nên phức tạp hơn khi mùa Đông tới gần với điều kiện thời tiết ẩm ướt và giá lạnh.
Chỉ trong vài ngày qua, Nga đã mất 1 trong 3 trục tấn công ở Donetsk và các hoạt động quân sự của nước này dường như đang bị chững lại kể từ cuối tháng 6. Bên cạnh đó, hệ thống phòng thủ của Nga tại Kherson dù đã được tăng cường nhưng vẫn phải chịu sức ép ngày càng lớn sau khi quân đội Ukraine nã pháo vào các cây cầu bắc qua sông Dnipro nhằm cắt đứt tuyến tiếp tế, tấn công các cơ sở chỉ huy và kho đạn dược của Nga.
Tình báo Mỹ cho rằng, quân đội Nga đang thiếu hụt nhân lực cho chiến dịch quân sự ở Ukraine và phải tìm cách tuyển dụng quân nhân phục vụ theo hợp đồng. Để giải quyết tình trạng thiếu nhân lực, Nga đã thiết lập một đơn vị chủ lực mới, có tên gọi quân đoàn số 3, đóng tại Mulino, vùng Nizhny Novgorod, phía Đông Moscow. Quân đoàn 3 có quy mô khoảng 15.000 đến 20.000 binh sỹ được huấn luyện để chiến đấu dọc tuyến đầu, cũng như triển khai hỗ trợ khi cần thiết. Hiện chưa rõ lực lượng này sẽ tham chiến theo đội hình tập trung, hay sẽ chia nhỏ thành các lữ đoàn, tiểu đoàn. Bộ Quốc phòng Anh cho biết, thành phần của quân đoàn 3 gồm nhiều tiểu đoàn quân tình nguyện đến từ khắp nơi trên lãnh thổ Nga.
Không chỉ riêng Nga mà Ukraine cũng chịu tổn thất nặng nề khi bị mất hàng nghìn binh sỹ, trong đó có nhiều binh sỹ thuộc các đơn vị chủ lực của họ tại Donbass. Hơn nữa, xét về tương quan lực lượng, các đơn vị pháo binh và tên lửa của Nga vẫn vượt trội hơn nhiều so với Ukraine. Tuy vậy, Nga vẫn chưa thể phát huy hoàn toàn ưu thế này để áp đảo đối phương trên thực địa. Khoảng 40% diện tích Donetsk vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine.
Trong một phát biểu cuối tuần qua, Tổng thống Putin cho biết: “Chiến dịch tấn công ở Donbass dù diễn ra với tốc độ chậm nhưng đang được tiếp tục. Dần dần, quân đội Nga sẽ giành thêm được nhiều vùng lãnh thổ mới”. Bất chấp những lời kêu gọi tổng động viên tại Moscow, ông Putin khẳng định: “Chúng tôi chỉ chiến đấu với một phần của quân đội Nga. Chúng tôi không vội vàng trong vấn đề này”.
Thông tin tình báo mới nhất từ Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Nga có thể đang cố gắng tập hợp lại để giành một số vùng lãnh thổ đã mất sau cuộc phản công bất ngờ của Ukraine. Nhưng vẫn chưa rõ liệu các lực lượng tiền tuyến của họ có đủ nguồn lực để làm điều đó hay không”. Hiện, quân đội Nga đã thiết lập một tuyến phòng thủ giữa sông Oskil và thị trấn Svatove – tuyến đường tiếp tế quan trọng kéo dài từ khu vực Belgorod của Nga.
Đánh giá khả năng thành công của Ukraine
Một số nhà quan sát đặt câu hỏi, với những bước tiến trên chiến trường trong thời gian gần đây, liệu Ukraine có đang tiến gần hơn đến chiến thắng hay không? Điều này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
David Petraeus, cựu Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho rằng, Ukraine có thể đang theo đuổi kế hoạch giành lại những vùng lãnh thổ mà Nga đã chiếm được kể từ tháng 2 và xa hơn là giành lại toàn bộ khu vực Donbass và cả bán đảo Crimea. Nhưng để làm được điều này, Kiev phải mất rất nhiều thời gian và phải bước vào một cuộc chiến đầy cam go, với tổn thất vô cùng lớn. Nếu Ukraine theo đuổi mục tiêu này thì các lực lượng của họ sẽ phải dàn mỏng và tuyến đường cung cấp sẽ bị kéo dài, do đó họ sẽ rất dễ bị đánh bại trước cuộc phản công của Nga.
Bên cạnh đó, thành công của Ukraine còn phụ thuộc vào việc liệu phương Tây có tiếp tục cung cấp những khí tài quân sự hiện đại cho Kiev hay không. Các cuộc họp của Mỹ và châu Âu trong những tuần tới sẽ xác định rõ điều này, song có một thực tế không thể phủ nhận là kho dự trữ vũ khí của phương Tây đang cạn dần.
Đến thời điểm hiện tại Mỹ vẫn thận trọng khi nói đến việc cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí có tầm bắn hơn 80km, do lo ngại chúng có thể được sử dụng để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Washington đã bác bỏ yêu cầu của Kiev về cung cấp Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) có tầm bắn lên tới 300km. Một số quan chức phương Tây lo ngại, nếu họ cung cấp cho Ukraine loại vũ khí này, Điện Kremlin có thể có những phản ứng khó lường, thậm chí sẽ quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường.
Phát biểu với BBC, cựu Phó Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Rose Gottemoeller cho biết: “Tôi thực sự lo ngại về kịch bản này. Mục tiêu của Nga là cố gắng khiến quân đội Ukraine phải đầu hàng”. Trước đó Tổng thống Putin từng cảnh báo rằng “bất cứ quốc gia nào cản đường Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả mà họ chưa từng thấy trong lịch sử”.
Ông Olga Olika, Giám đốc Chương trình Châu Âu và Trung Á tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho rằng Điện Kremlin sẽ không thực hiện những hành động gây leo thang nghiêm trọng như vậy bởi việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ, thậm chí buộc NATO phải can thiệp quân sự trực tiếp. Theo một số nhà phân tích, dù không sử dụng vũ khí hạt nhân, Nga vẫn có một kho vũ khí đáng gờm, gồm nhiều loại tên lửa để gây thiệt hại nghiêm trọng cho Ukraine.
Con bài khí đốt
Ngoài những lựa chọn nói trên, Nga có thể sử dụng khí đốt như một loại vũ khí để làm lung lay sự ủng hộ của châu Âu đối với Ukraine khi mùa Đông đến gần, trong bối cảnh châu lục này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng, giá cả nhiên liệu và nhiều mặt hàng tiêu dùng khác ngày càng đắt đỏ.
Theo một số nhà phân tích, kể từ đầu chiến dịch quân sự, Điện Kremlin đã thể hiện rõ chiến lược muốn phá vỡ quyết tâm của châu Âu trong việc hỗ trợ Ukraine. Sự phụ thuộc của nhiều quốc gia châu Âu vào năng lượng của Nga sẽ giúp Moscow có thêm đòn bẩy khi mùa Đông tới gần. Nhiều người lo ngại cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu có thể trở nên trầm trọng hơn nếu Nga cắt giảm hơn nữa nguồn cung khí đốt.
Trong một bài bình luận trên tờ Foreign Affairs, hai cây bút Ivo Daalder và James Lindsay cho rằng: “Tổng thống Putin dường như đang tính toán, sự ủng hộ của các nước phương Tây dành cho Ukraine sẽ sụp đổ khi họ cảm nhận rõ ràng tác động tiêu cực của cuộc xung đột tại đất nước mình, đặc biệt là thiếu hụt nhiên liệu và giá cả tăng cao”.
Giá khi đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng gấp 10 lần so với năm 2021, mang lại cho Nga lợi nhuận khoảng 1 tỷ USD mỗi ngày từ việc xuất khẩu năng lượng trong 3 tháng đầu tiên của cuộc xung đột. Trong khi đó, các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp đặt đối với Moscow không thể làm sụp đổ nền kinh tế nước này. Bà Heidi Crebo-Rediker – trợ lý cấp cao tại Hội đồng quan hệ đối ngoại dự đoán, khi mùa Đông đến, Tổng thống Putin nhiều khả năng sẽ siết chặt hơn nữa việc xuất khẩu năng lượng và hàng hóa.
Triển vọng hòa bình mong manh
Giao tranh dự kiến sẽ diễn ra ác liệt hơn trong mùa Đông khi cả hai đều tìm cách đánh bại đối phương để giành thêm nhiều vùng lãnh thổ. Vẫn chưa bên nào gửi đi tín hiệu cho thấy họ sẵn sàng đàm phán để đạt được một thỏa thuận chấm dứt xung đột.
Phát biểu trong cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 16/9, Tổng thống Putin cho biết: “Nga sẵn sàng làm mọi thứ để chấm dứt xung đột tại Ukraine trong thời gian sớm nhất nhưng Ukraine đã từ chối đàm phán”. Trong khi đó mục tiêu của Nga vẫn là “giải phóng Donbass” và Moscow “không vội vàng”.
Về phần mình, Ukraine vẫn giữ quan điểm nhất quán là không đàm phán với Nga trừ khi nước này giành lại được toàn bộ các vùng lãnh thổ đã mất. Với tình hình hiện tại trên chiến trường, có rất ít động lực để Ukraine tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn, còn Điện Kremlin được cho là khó xoay chuyển kết quả của chiến dịch quân sự đặc biệt khi 1/3 diện tích khu vực Donbass vẫn còn nằm trong tay Ukraine.
Một quan chức NATO nói với CNN rằng, Tổng thống Putin có thể thay đổi quan điểm vào mùa Xuân tới nếu “NATO vẫn đoàn kết nhằm giải quyết vấn đề năng lượng và nếu Ukraine tiếp tục đẩy mạnh cuộc tấn công. Nhưng ông sẽ không đàm phán sớm hơn vì mùa Đông giá lạnh sẽ là vũ khí lợi hại nhất của Nga”.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đã gây ra nhiều bất ngờ và rất khó dự đoán chính xác điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Cục diện hiện tại của chiến trường cho thấy thế trận ban đầu của cả Ukraine và của Nga gồm phòng thủ và tấn công có thể bị đảo ngược trong những tháng tới./.