Các loại phụ phẩm từ nông nghiệp như vỏ khóm, bã khóm, vỏ chuối, bã mì, bã mía, cùi bắp, cây bắp… thường bị người nông dân xem là thứ bỏ đi. Thậm chí, các nhà máy còn phải tốn tiền để xử lý các thứ thải ra này. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp tận dụng được và biến chúng thành sản phẩm, nguyên liệu để xuất khẩu thu về ngoại tệ lớn.
Nhà máy sản xuất phụ phẩm của Công ty Trại Việt ở Tây Ninh
Tận dụng phụ phẩm
Cách nay vài năm Công ty TNHH Hà Bình Minh ở Ninh Bình được một khách hàng ở TP HCM giới thiệu thị trường nước ngoài đang có nhu cầu sản phẩm từ phụ phẩm nông nghiệp. Thế là công ty tìm hiểu và có được đầu ra tại thị trường Nhật. Những năm đầu công ty tập trung vào chế biến phụ phẩm từ khóm và bã khóm để xuất khẩu sang Nhật làm thức ăn chăn nuôi.
Công đoạn cũng đơn giản như thu mua phụ phẩm về phơi khô, sấy chống mốc, kế đến là nghiền rồi ép khối đóng bao bì để xuất khẩu. Phụ phẩm còn tươi thì được phơi cho giảm bớt lượng nước, sau đó cho men vào và đóng gói chờ lên men. Loại này dùng để cho gia súc ăn trực tiếp.
Mới đây có thêm Công ty Trại Việt (TP HCM) xuất khẩu nhiều phụ phẩm nông nghiệp đã qua chế biến sang nhiều nước trên thế giới. Nguồn hàng không đủ cung cấp cho thị trường. Ông Đàm Văn Hoạt, Tổng Giám đốc Công ty Trại Việt, cho biết thị trường tiêu thụ phụ phẩm này trên thế giới rất lớn.
Nắm bắt được xu hướng này nên ông đầu tư nhà máy tại Tây Ninh để chế biến nhiều loại phụ phẩm xuất khẩu. Vì địa phương này cũng có nhiều nhà máy chế biến mía đường, trái cây và thải ra các phụ phẩm như bã sắn, rỉ mật, bã mía, bã bia, lõi bắp…
Bên cạnh đó, nhà máy còn thu mua thêm phụ phẩm nông nghiệp từ Campuchia chở sang. Từ những phụ phẩm trên chế biến ra nhiều loại thức ăn gia súc như lõi bắp viên, bã mía viên, rỉ mật ép viên, bã bắp viên, bã bia sấy, bã mía sấy, rỉ mật sấy, bã bắp bột, lõi bắp nghiền…
Những sản phẩm này được bán cho các nơi nuôi gia súc như bò, dê, cừu, lạc đà… Ông Hoạt cho biết sản phẩm của công ty ông hiện 60% được tiêu thụ trong nước, 40% còn lại xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, Bangladseh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Kuwait, các nước tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất.
Với nguồn phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ khá dồi dào, mỗi tháng, Trại Việt sản xuất được khoảng 6.000 tấn/tháng thức ăn gia súc dạng viên, sấy, bột, nghiền các loại.
Giá trị kinh tế cao
Ở thị trường trong nước, thức ăn dạng viên, sấy… từ phụ phẩm nông nghiệp, phù hợp cho các gia súc như bò, heo nái, heo thịt, những khi cần bổ sung chất xơ. Còn những nước nhập khẩu rất cần loại thức ăn này để phục vụ chăn nuôi đại gia súc.
Đặc biệt, các nước vùng Trung Đông do không khuyến khích trồng trọt bởi thiếu nguồn nước, nên luôn cần nhập khẩu số lượng lớn các loại thức ăn giàu chất xơ phục vụ chăn nuôi dê, cừu…
Các loại phụ phẩm nông nghiệp được chế biến thành thức ăn gia súc dạng viên rất được các nhà nhập khẩu ưa chuộng. Một container thức ăn dạng viên có thể chứa được 20 tấn nhưng nếu là dạng bột chỉ được 10 tấn. Thức ăn dạng viên cũng có thời gian bảo quản lâu hơn.
Để tận dụng được nhiều hơn nữa nguồn phụ phẩm nông nghiệp trên địa bàn và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ các nhà chăn nuôi đại gia súc trong nước và các nhà nhập khẩu, Trại Việt đang chuẩn bị đầu tư thêm một dây chuyền sản xuất với công suất 45 tấn/giờ (gấp 3 lần so với hiện nay). Doanh nghiệp này cũng đang chuẩn bị đưa thêm nhiều loại phụ phẩm nông nghiệp khác vào chế biến thành thức ăn gia súc.
Theo ông Hoạt, với công nghệ hiện nay, hầu hết các loại phụ phẩm nông nghiệp đều có thể chế biến thành thức ăn cho gia súc. Có nhiều loại phụ phẩm sau khi chế biến thành thức ăn gia súc, đem lại giá trị kinh tế cao.
Chẳng hạn, tinh bột mì hiện có giá 7.000 đồng/kg. Nhưng bã mì tận dụng từ việc ép tinh bột, đem chế biến thành thức ăn gia súc, bán được giá 2.600 đồng/kg, gần bằng 40% giá trị của sản phẩm chính. Như vậy, phụ phẩm nông nghiệp đem chế biến thành thức ăn gia súc đã làm gia tăng đáng kể giá trị nông sản.
Các mặt hàng này xuất khẩu mang lại giá trị rất cao, tùy loại có giá xuất khẩu từ một vài USD/kg cho đến cao hơn. Được biết doanh nghiệp này mỗi tháng xuất khẩu khoảng 2.000 tấn phụ phẩm các loại, trị giá hàng ngàn USD, mỗi năm thu về gần vài chục ngàn USD. Năm tới khi nhà máy tăng công suất sẽ xuất khẩu hàng trăm ngàn USD/năm.