Theo tin từ tờ Nikkei Asian Review, hai ông lớn sản xuất và kinh doanh ô tô hàng đầu của Nhật Bản là Toyota Motor và Honda Motor vừa quyết định ngừng lại toàn bộ hoạt động xuất khẩu xe sang Việt Nam kể từ đầu năm 2018. Động thái này được xem là phản ứng của các nhà xuất khẩu ô tô khi Việt Nam áp dụng những nguyên tắc mới nhằm tăng cường các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt các dòng xe nhập khẩu.
Quy định mới này có hiệu lực ngay sau khi Việt Nam quyết định thực hiện đưa thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN ở mức 30% về 0% từ ngày 1/1/2018.
Trong tuyên bố vào hôm qua, phía Toyota cho biết họ đã ngừng sản xuất các đơn hàng nhằm cung cấp cho thị trường Việt Nam. Dù có nhà máy tại Việt Nam nhưng lượng xe Toyota xuất xứ từ Thái Lan, Indonesia và Nhật Bản vẫn đáp ứng nguồn cung khoảng 20% cho thị trường này. Các dòng xe nhập khẩu chính bao gồm xe tải Hilux, Yaris, dòng 7 chỗ Fortuner và xe sang Lexus.
"Mức tăng trưởng ở thị trường Việt Nam cuối năm 2017 chậm lại đáng kể vì người tiêu dùng chờ đợi xuống tiền vào năm 2018, khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ", chủ tịch Toyota Motor Thái Lan Michinobu Sugata nói với các phóng viên tại Bangkok.
Theo thống kê, doanh số bán ô tô tại Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 11 đã giảm 10%, xuống chỉ còn 245.000 chiếc. "Theo dự đoán ban đầu của chúng tôi, thị trường sẽ có bước nhảy vọt vào năm 2018, nhưng những hàng rào phi thuế quan mà chính phủ Việt Nam đặt ra đã hạn chế sức xuất khẩu của xe Toyota".
Hàng rào phi thuế quan mà ông Sugata đề cập là nghị định 116, trong đó nổi bật yêu cầu phải có giấy chứng nhận kiểu loại của nước sản xuất, phải có đường thử chuyên dụng, phải kiểm đừng từ lô thay vì chứng nhận theo chủng loại… Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, một bài kiểm tra khí thải có thể mất tới hai tháng và tốn 10.000 USD. "Nó sẽ gây lãng phí rất lớn về thời gian và tiền bạc".
Về phía Honda Motor, hãng đã phải chuyển sản xuất CR-V – dòng xe SUV chủ đạo của mình - từ thị trường Việt Nam sang Thái Lan vào tháng 1. Trước đó, linh kiện nhập từ Thái Lan được lắp ráp và hoàn thiện tại Việt Nam khi Honda cho rằng có thể dùng lợi thế mức thuế nhập bằng 0 để tiết kiệm chi phí.
Nhưng mọi tính toán đã đi chệch đường. Việc sản xuất những chiếc xe cũng bị đình chỉ, khiến kế hoạch nhập khẩu 10.000 CR-V năm 2018 (tương đương tăng 70% lượng sản xuất ở Việt nam vào năm 2017) đã phá sản. "Công ty đã nhận được khoảng 200 đơn hàng cho mẫu SUV mới, nhưng những chiếc xe khó lòng được giao trước tháng 4".
Mitsubishi Motor cũng phải ngưng sản xuất dòng SUV Pajero cho thị trường Việt Nam tại Thái Lan. Ford Thái Lan cũng bày tỏ lo ngại với báo giới trong nước về nghị định mới của Việt Nam khi kiểm tra hàng hóa xuất khẩu.