1. Cả Công Phượng lẫn Xuân Trường đều bắt đầu mùa giải mới 2019 với ngập tràn những hi vọng, cùng sự kỳ vọng của người hâm mộ. Thay vì Quang Hải hay Văn Hậu, mọi sự chú ý của người hâm mộ bóng đá nước nhà được dồn cả vào hai ngôi sao của HAGL, với hai bản hợp đồng hoành tráng đi Hàn và đi Thái.
Rốt cuộc, khi nửa mùa bóng trôi qua, với những cái lắc đầu ngao ngán của Incheon United lẫn Buriram United khi mượn phải "hàng hớ", Xuân Trường trở về HAGL, còn Công Phượng lại tiếp tục với cuộc hành trình "vĩ đại" khác - sang chơi bóng tại châu Âu.
Người hâm mộ từng tự an ủi mình rằng Công Phượng không thành công trên đất Hàn là bởi đồng đội của "Messi Việt Nam" kém quá, do HLV không biết dùng người, do chiến thuật và vị thế của Incheon United chưa đủ tầm cho Công Phượng tỏa sáng.
Ngày sang Bỉ, Công Phượng mạnh mẽ tuyên bố: "Tôi muốn mở lối cho cầu thủ Việt Nam sang châu Âu".
Cũng ngày ấy, có một ý kiến của độc giả mà người viết vẫn còn nhớ vì nó khá ấn tượng:
"Thực tế, người ta sẽ hỏi Công Phượng: 'Ở Việt Nam anh là cầu thủ của CLB nào, CLB ấy bao nhiêu lần đoạt cúp vô địch quốc gia, có thành tích gì ở C1, C2 châu Á không, bản thân anh đã trải qua những CLB nào khác và giúp cho CLB ấy đạt được thành tích gì, tổng số lần ra sân ở mỗi CLB của anh là bao nhiêu trên tổng số trận của cả mùa bóng...'.
Công Phượng sẽ trả lời như thế nào? Có lẽ sau khi nghe câu trả lời, họ sẽ cho Công Phượng một suất dự bị và cho ra sân đúng số trận theo luật Bosman cho có thủ tục, chờ hết hạn hợp đồng rồi thanh lý. Ở châu Âu, cho dù là suất dự bị cũng phải cạnh tranh kịch liệt".
Công Phượng mới ra sân có 20 phút ở giải VĐQG Bỉ trong màu áo mới.
Ý kiến ngày ấy, giờ đang vận vào đúng Công Phượng của ngày hôm nay. Bốn trận đấu gần nhất của Sint Truidense, tiền đạo này chỉ được dự bị duy nhất một trận, còn lại là... nằm ngoài cả danh sách đăng ký thi đấu.
Cũng độc giả ấy kết lại ý kiến của mình rằng: "Công Phượng sang châu Âu là đi ngược quy luật thế giới". Quả tình, với thảm cảnh mà "Messi Việt Nam" đang phải chịu trên đất Bỉ, sau những lời tung hô ngút trời vài tháng trước, đây là lúc để tự hỏi đội bóng châu Âu này mượn Công Phượng về làm gì. Và quan trọng hơn, đó là bầu Đức nghĩ gì khi cho ngôi sao của HAGL dấn thân vào con đường này.
2. Zlatan Ibrahimovic - một trong những siêu tiền đạo của bóng đá thế giới, trong cuốn hồi ký của mình có kể lại lần gặp gỡ đầu tiên với người sau này trở thành ông bầu của anh - Mino Raiola. Ngày ấy, Raiola đến chỗ hẹn, liếc qua chân sút người Thụy Điển rồi hỏi: "Đồng hồ của cậu đẹp nhỉ? Đắt lắm phải không? Thế cậu ghi được mấy bàn rồi?".
Ibrahimovic đáp: "Tôi ghi 6 bàn sau nửa mùa", lập tức Raiola bĩu môi: "Sáu bàn mà đã ăn diện vậy ư? Cậu không xứng đáng đeo cái đồng hồ đó!".
Lần gặp nhau tiếp theo, Ibrahimovic nhờ Raiola liên hệ anh đến một bến đỗ lớn hơn Ajax. Raiola liền đưa ra một danh sách dài dằng dặc những chân sút hàng đầu châu Âu luôn ghi 30-35 bàn mỗi mùa, còn Ibrahimovic ghi chưa đến 10 bàn, rồi nói: "Muốn đến CLB hàng đầu thì phải ghi bàn nhiều hơn. Muốn ghi bàn nhiều hơn thì phải tập luyện chăm chỉ để giỏi hơn. Cậu còn kém lắm".
Từ đó, Ibrahimovic lao vào tập luyện để trở thành chân sút thượng thặng. Raiola luôn như thế. Ông không nói lời hay ý đẹp, mà chỉ nói những điều tốt nhất cho cầu thủ.
Có thể đoan chắc một điều rằng bầu Đức luôn muốn đem lại những điều tốt đẹp nhất cho Công Phượng, Xuân Trường. Ông cũng luôn những lời tốt đẹp cho họ. Nhưng về mặt chuyên môn, cho đến hiện tại, những quyết định của ông với Công Phượng và Xuân Trường, đang là thất bại.
Từng là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời bóng đá Việt Nam, lần cuối cùng ra sân ở ĐTQG, Công Phượng được tung vào sân đầu hiệp hai trận đấu với Thái Lan để thay cho Tiến Linh - tiền đạo chỉ là cái bóng mờ so với sự rực rỡ của "Messi Việt Nam", để rồi cả hiệp đấu ấy ấn tượng đậm nhất chân sút này để lại trên sân là pha sút hụt bóng thỉnh thoảng vẫn được fan hâm mộ Thái Lan đem ra cợt nhả.
Gần đây nhất, HLV Park Hang-seo nói thẳng: "Đối với cầu thủ thì quan trọng nhất là phải ra sân. Công Phượng đang ít được thi đấu. Đó là điều tôi rất lo lắng".
Hài hước thay, sự lo lắng của ông thầy người Hàn Quốc lại ngược lại với những gì bầu Đức từng tuyên bố: "Giờ qua châu Âu, cậu ấy ngồi dự bị 12 trận luôn cũng được, cũng thành công. Phượng được ra tập với các ngôi sao, cầu thủ ở Việt Nam làm sao có cơ hội tập được, từ đó mới tự tin, mới đá được".
Xuân Trường thậm chí còn tệ hơn. Từ vai trò "bất khả xâm phạm" ở giải U23 châu Á 2018, tiền vệ người Tuyên Quang từng bước đánh mất vị trí của mình dưới thời HLV Park Hang-seo, dù vẫn rất ầm ĩ ngoài sân cỏ.
Giải đấu trên đất Thường Châu, Xuân Trường đá đủ cả 6 trận. AFF Cup 2018, tiền vệ người Tuyên Quang chỉ ra sân 5/8 trận. Gặp Thái Lan ở King's Cup, anh chỉ được vào sân vài phút cuối, và tái ngộ Thái Lan hồi tháng trước, Xuân Trường là cầu thủ HAGL duy nhất phải ngồi ngoài cả trận.
Khác với một Tuấn Anh đang tỏa sáng trong mắt thầy Park, Xuân Trường đang "phú quý giật lùi". Trong số 6 tiền vệ được HLV Park Hang-seo gọi tập trung đội tuyển hiện tại, có lẽ anh chỉ nằm ở thứ tự ưu tiên trên mỗi tân binh Đặng Anh Tuấn.
Nếu như Tuấn Anh tỏa sáng trở lại sau chấn thương bằng những chuỗi ngày tập luyện kham khổ với nỗ lực phi thường, đến mức bố anh nhìn mà thương con đến phát khóc, thì với Xuân Trường, người vẫn nhìn thấy hình ảnh ngày nào - thủng thẳng, chậm chạp và ngày càng lạc lõng.
Sự nuông chiều, cũng như sự đánh giá quá cao của bầu Đức dành cho hai ngôi sao sáng nhất của mình đang khiến Xuân Trường, Công Phượng mất dần đi sự xuất sắc được đánh đổi bằng sự nỗ lực, quyết tâm của bản thân. "Yêu nhau như thế bằng mười ghét nhau", phải làm thế nào để đưa Công Phượng, Xuân Trường trở lại, câu hỏi ấy có lẽ chỉ mỗi mình bầu Đức là có thể trả lời được.