1. Tấm ảnh ngay phía dưới những dòng chữ này thuộc về một góc đường ở khu tập thể Thành Công, một khu tập thể lâu đời thuộc quận Ba Đình, Hà Nội. Chỉ chưa đầy một tháng trước, đây là nơi tập kết rác sinh hoạt của những hộ dân xung quanh. Bao năm qua, cái góc đường chỉ cách trường học có một bức tường này lúc nào cũng sực mùi xú uế.
Người ta dẹp hết rác rưởi đi, đặt vào đó vài viên gạch rỗng, nhờ các cháu thiếu nhi đem sơn, màu vẽ cặm cụi tô vẽ từng viên gạch đủ sắc màu, rồi đem những chậu hoa nhỏ xinh đặt lên đấy. Thêm vài chậu hoa treo trên bức tường còn nồng mùi vôi mới, một vài chậu hoa đặt sát lề đường, chăng lên tấm bảng "Công trình Vườn hoa Thanh niên".
Góc phố ấy chợt sáng bừng như chưa từng là một bãi tập kết rác hôi hám, bẩn thỉu. Hình ảnh những cháu thiếu nhi cặm cụi ngồi tô vẽ, tưới cây cảnh khiến những người dân bao năm quen vứt rác động lòng. Vài chiếc ghế đá được đặt xung quanh. Ai nỡ lòng vứt rác ở nơi các cụ già sáng chiều tập thể dục ngồi ngắm cây, ngắm hoa bao giờ.
Hôm qua, bầu Đức lại lên tiếng đòi truất phế ông Nguyễn Văn Mùi. Đây là lần thứ hai, sau lần tổ chức phế truất ông Mùi bất thành, do chính bầu Đức khởi xướng hồi tháng 8 năm ngoái. Theo ông Đức: "Đuổi ông Mùi là xong, họp hành làm gì?".
Lần cuối cùng, ý định của bầu Đức với VFF được thực hiện là khi ông đòi đuổi cổ HLV Miura. Ông Đức thành công, và bóng đá Việt Nam - cụ thể là ĐTQG Việt Nam cùng người hâm mộ phải trải qua một VCK AFF Cup với ngập tràn sự thất vọng.
Để có được cái góc đường đẹp đẽ ấy, người ta đã không ít lần áp dụng những biện pháp mạnh như phạt nặng, tuần tra bắt quả tang người vứt rác, nhưng rồi đâu lại vào đấy, cho đến lúc người ta làm nó trở nên đẹp đẽ, nên thơ như hiện tại.
Sau sự phản ứng quyết liệt của bầu Đức, HLV Miura đã phải ngậm ngùi ra đi.
Bầu Đức là phó chủ tịch VFF, và trong cái lần "chém" hụt ông Nguyễn Văn Mùi ấy, ông cũng từng tâm sự với truyền thông rằng "Tôi không còn quan tâm nhiều đến VFF". Trên cương vị phó chủ tịch phụ trách tài chính, người ta chưa thấy ông Đức đóng góp gì nhiều cho bóng đá Việt Nam, chỉ thấy mỗi lần ông xuất hiện, là đòi "chém" ai đó.
Lời hứa "Sa thải Miura đi, tôi sẽ trả lương cho HLV trưởng ĐTQG, sẽ tài trợ cho đội tuyển đi tập huấn nước ngoài", sau khi HLV Miura khăn gói ra đi, cũng theo gió bay đi...
Động thái ngày hôm qua của VPF, cũng giống như việc cải tạo góc đường xinh xắn ấy. Thay vì "chém"ai đó, đổ trách nhiệm cho ai đó, người ta cùng ngồi với nhau để tính chuyện làm cho nó tốt đẹp hơn.
2. Một trong những lý do chủ tịch CLB HAGL đòi phế truất trưởng ban trọng tài, là theo ông, đội bóng của ông bị trọng tài ép ở trận gặp CLB Hà Nội, rồi ở trận gặp Long An vừa qua.
Tuy nhiên, có theo dõi sát V-League, chẳng khó để nhận ra rằng trận gặp CLB Hà Nội, HAGL hoàn toàn không "có cửa", lép vế hoàn toàn trước đội bóng thủ đô, và chẳng cần ai tác động khiến họ phải thua sấp mặt.
Ở trận gặp Long An, nếu trọng tài bênh đội chủ sân Tân An, thì việc dễ nhất là không công nhận bàn thắng mở tỷ số của Công Phượng, khi pha đệm bóng vào lưới của tiền đạo này đến từ đường chuyền mà bóng nằm chấp chới trên vạch biên ngang cuối sân.
Chẳng cần đến trọng tài thiên vị, CLB Hà Nội vẫn thừa sức hạ gục HAGL trên sân Hàng Đẫy.
Bầu Đức cũng nói rằng 2/3 số phiếu bầu giữ ông Mùi ở lại cương vị của mình hồi tháng Tám năm ngoái đến từ các thành viên của những đội bóng V-League và hạng Nhất, họ làm vậy là vì sợ ông Mùi trả thù. Báo chí ra ngoài hỏi dư luận, hỏi 100 người thì 100 người đều muốn ông Mùi nghỉ.
Gần 2 năm về trước, HAGL trụ hạng thành công sau khi sa thải HLV Graechen, và lập tức có được 2 trận thắng ở vòng 22 và 24, trước SLNA và Hà Nội T&T làm dậy sóng dư luận với nghi vấn cả hai đội bóng mạnh này chủ động "buông" cho đội bóng của bầu Đức.
Ngày ấy, theo dõi diễn biến trên sân, nếu hỏi 100 người, thì liệu có bao nhiêu người trả lời rằng HAGL được cứu bởi những trận cầu "có mùi"?
3. Những ngày này, dư luận xôn xao với việc phó chủ tịch quận 1 thành phố Hồ Chí Minh ra tay "đòi lại vỉa hè cho người đi bộ" một cách quyết liệt.
Hôm qua, một ông phó chủ tịch khác của quận Tân Phú đã có một phát biểu khiến không ít người cảm thấy động lòng: "Sau gánh hàng rong là nguồn sống của một gia đình".
Theo đó, thay vì dẹp triệt để, chủ trương của quận là sắp xếp lại trật tự kinh doanh trên các tuyến đường đủ điều kiện, có vỉa hè rộng, vừa tạo điều kiện cho bà con buôn bán, vừa có lối cho người đi bộ.
Sau gánh hàng rong, là nguồn sống của một gia đình.
Nếu như đằng sau gánh hàng rong, là cả nguồn sống của một gia đình, thì đằng sau những lời sỉ vả dành cho giới trọng tài, cũng là những thân phận con người. Người ta cứ nói trọng tài sai thì chỉ bị treo còi vài trận rồi đâu lại vào đấy, thế trọng tài Bùi Xuân Hòa, trọng tài Hà Anh Chiến ở đâu sau sai lầm của mình? Họ vĩnh viễn rời nghiệp cầm còi.
Đằng sau mỗi quyết định "trảm" ai đó, chẳng đơn giản chỉ là để chiều lòng ai đó, rồi tới đâu thì tới. Tròn 13 tháng trước, khi dứt áo ra đi sau quyết định của VFF, hẳn với Miura đấy không chỉ là nỗi buồn, mà còn là sự uất hận bởi cách hành xử tàn nhẫn "chẳng giống ai" của những người làm bóng đá Việt Nam, mà đứng sau chẳng ai khác...
Sau sai phạm của mình, trọng tài Hà Anh Chiến chẳng thể có cơ hội quay lại sân cỏ.
4. Mười lăm năm trước, đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu đã giới thiệu với cả thế giới bộ phim "Anh hùng", lấy bối cảnh thời Chiến Quốc, với Tần Thủy Hoàng để kể một câu chuyện về đại nghiệp.
Ở đó, cả hai thích khách là Tàn Kiếm (do Lương Triều Vỹ thủ vai) và Vô Danh (Lý Liên Kiệt) đều từng có cơ hội hành thích Tần Vương, nhưng cả hai người đều không thể xuống tay, thậm chí Vô Danh còn lấy tính mạng của mình để đổi lấy 2 chữ mà Tàn Kiếm viết ngày nào trên cát, hai chữ ấy là "Thiên hạ".
Tần Thủy Hoàng tàn bạo, nhưng chỉ có ông mới đủ khả năng thống nhất được 6 nước chư hầu còn lại thành một Trung Hoa, đưa "Thiên hạ" từ ly loạn, chém giết lẫn nhau về thái bình thịnh trị.
Mấy ai được như Vô Danh, hi sinh cả bản thân vì đại nghiệp của một "hôn quân"?
Chiều qua, đáp lại đề xuất xin nghỉ của trưởng ban tổ chức giải V-League Nguyễn Minh Ngọc, Hội đồng quản trị VPF đã quyết định giữ ông ở lại với 100% ý kiến đồng ý.
Hồi đầu tháng, bầu Đức từng tuyên bố muốn bóng đá Việt Nam tốt hơn, chỉ có nước "xóa đi làm lại". Phản pháo ông Đức, ông Nguyễn Văn Mùi đáp trả "xây mới khó, chứ xóa sổ thì dễ như một cái trở tay".
Như lời bình luận viên Quốc Khánh của VTV trong chương trình "Ấn tượng thể thao 7 ngày"hồi cuối tuần trước, V-League là cuộc chơi của các CLB, các đội bóng, họ tạo ra V-League, họ tự phân định mạnh yếu, tự tạo ra những mâu thuẫn và bức xúc...
Bầu Đức, xét cho cùng lớn nhất với ông vẫn là lợi ích của CLB HAGL, nơi ông là ông chủ. Và dù có nói gì đi nữa, thì bản thân một mình ông cũng không thể thay đổi được, khi đối trọng bên kia chẳng phải là VPF hay VFF, mà chính là các CLB tham gia cuộc chơi còn lại.
Người ta đã từng tin rằng bóng đá Việt Nam sẽ mạnh mẽ hơn, tốt đẹp hơn khi sa thải HLV Miura, thay vào đó bằng Hữu Thắng, thì tại sao lại không thể tin rằng những thay đổi của VPF ngày hôm nay sẽ làm cuộc chơi V-League sạch sẽ hơn, văn minh hơn?