Xâm hại tình dục trẻ em, đã đến lúc bóng đá Việt Nam phải vào cuộc

Mộc Miên |

Chưa bao giờ vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam lại nhức nhối như thời điểm này. Và đã đến lúc bóng đá Việt Nam thực hiện nhiệm vụ xã hội: bảo vệ trẻ em.

Quê hương bóng đá đã hành động…

Không phải tới thời điểm này, không chỉ ở Việt Nam, ấu dâm từ lâu đã trở thành vấn nạn vẫn hằng ngày xảy ra trên khắp mọi hang cùng, ngõ hẻm trên toàn thế giới.

Xã hội quá rộng lớn, và chỉ tính riêng trong lĩnh vực bóng đá thôi, người ta cũng đã cảm thấy giật mình trước những con số về vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.

Đơn cử như ở nước Anh, theo con số của Hiệp hội NSPCC (Tổ chức bảo vệ trẻ em ở Anh) thì số vụ tai tiếng liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em ở các đội bóng Anh lên tới 248 vụ.

Rất nhiều cầu thủ từng bị lạm dụng tình dục từ thời còn là những cậu bé ở các trung tâm đào tạo trẻ. Cũng rất nhiều cầu thủ trở thành "yêu râu xanh", mà tai tiếng nhất là vụ cựu ngôi sao Man City, Adam Johnson hiện đang dính vào vòng lao lý vì lạm dụng trẻ vị thành niên.

Xâm hại tình dục trẻ em, đã đến lúc bóng đá Việt Nam phải vào cuộc - Ảnh 1.

Adam Johnson ra tòa với tội danh lạm dụng trẻ vị thành niên.

Trước vấn nạn nhức nhối trên, những cơ quan quản lý bóng đá ở Anh như Liên đoàn Bóng đá Anh (FA) và Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA) không thể im lặng.

FA đã thuê luật sư Kate Gallafent, một chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em để hỗ trợ giải quyết những sự việc liên quan đến lạm dụng trong bóng đá. Ngoài ra, cơ quan này cũng phối hợp chặt chẽ với cảnh sát và NSPCC trong công tác đấu tranh chống lạm dụng trẻ em.

Ông Gordon Taylor, GĐĐH PFA cho biết, hiện có ít nhất 6 CLB ở Anh sẵn sàng giúp đỡ bất cứ tổ chức xã hội nào về bảo vệ trẻ em để chung tay chống lại nạn xâm hại tình dục.

Như vậy, bên cạnh những cuộc chiến như "Chống phân biệt chủng tộc", "Chống phân biệt giới tính" thì bóng đá Anh cũng đã chính thức giương ngọn cờ "Chống lạm dụng tình dục trẻ em".

Xâm hại tình dục trẻ em, đã đến lúc bóng đá Việt Nam phải vào cuộc - Ảnh 2.

Wayne Rooney là Đại sứ của NSPCC trong công tác tuyên truyền chống lạm dụng trẻ em.

Cuộc chiến ấy có tổ chức, được dẫn dắt bởi FA hay PFA. Nhưng bên cạnh đó, rất nhiều cá nhân cầu thủ cũng tự nguyện tham gia. Tiêu biểu như Wayne Rooney, đội trưởng Man United còn là Đại sứ của NSPCC trong công tác tuyên truyền chống lạm dụng trẻ em.

Rooney cho biết: "Thật khủng khiếp khi không chỉ ở các trường học, ở gia đình, ở đường phố… mà ngay cả những đồng nghiệp của tôi cũng từng bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ".

"Vì trẻ em, chúng ta phải chung tay loại trừ vấn nạn này. Không thể im lặng, chúng ta phải hành động và tôi kêu gọi mọi người nên gọi ngay cho đường dây nóng của NSPCC khi bị lạm dụng và phát hiện ra những điều tồi tệ".

… thế còn bóng đá trên quê hương của chúng ta?

Như đã đề cập, chưa bao giờ vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam lại trở nên nhức nhối như những ngày qua.

Nhức nhối, vì trẻ em bị lạm dụng một cách quá dễ dàng. Bởi trường học, tưởng như an toàn thì các bé cũng bị tấn công.

Nhức nhối, vì có những kẻ đã bị kết tội ấu dâm nhưng vẫn không tỏ ra ân hận, mà còn có những hành động chẳng khác nào… một ngôi sao.

Nhức nhối, vì có những kẻ xâm hại bị vạch mặt, với đầy những bằng chứng phạm tội gây phẫn nỗ trong xã hội, nhưng những kẻ ấy vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Thậm chí còn dọa lại gia đình nạn nhân hay khoe "có quan hệ rộng".

Xâm hại tình dục trẻ em, đã đến lúc bóng đá Việt Nam phải vào cuộc - Ảnh 3.

Những ngôi sao bóng đá như Công Vinh...

Nhức nhối, vì những kẻ ấu dâm không chỉ là những người bình thường như bảo vệ, mà còn là những người có học thức cao, địa vị cao trong xã hội như thầy giáo, nhân viên ngân hàng, giám đốc ngân hàng, diễn viên…

Phải bài trừ vấn nạn này! Nói thì dễ, nhưng ai làm, ai hành động? Không đơn thuần chỉ ở cơ quan chức năng, trách nhiệm thuộc về tất cả mọi thành phần trong xã hội, trong đó có… bóng đá.

Tại quê hương bóng đá, FA đã hành động, các cầu thủ đã hành động, hành động vì trách nhiệm xã hội của họ. Và dĩ nhiên, khi những ngôi sao hành động, cụ thể là đấu tranh tuyên truyền thì với hình ảnh và tầm ảnh hưởng của họ, kết quả mang lại sẽ rất lớn.

Vậy VFF cũng như các cầu thủ Việt Nam có nên im lặng? Có nên xem vấn nạn đó… không thuộc trách nhiệm của mình?

Có người nói, VFF cũng đầy những bất cập, nhức nhối còn chưa giải quyết được thì sức đâu mà đi lo chuyện… xã hội. Nhưng như đã đề cập, một tổ chức như VFF, một đội bóng hay cá nhân một cầu thủ, ngoài chuyên môn, họ cũng nên có trách nhiệm xã hội.

Xâm hại tình dục trẻ em, đã đến lúc bóng đá Việt Nam phải vào cuộc - Ảnh 4.

...hay Công Phượng cần chung tay cùng xã hội bảo vệ trẻ em trước nạn xâm hại tình dục.

Sẽ quá khập khiễng nếu so sánh VFF với FA, V.League với Premier League, cầu thủ Việt Nam với cầu thủ Premier League. Nhưng chúng ta có thể học họ, thậm chí làm tốt hơn họ nếu quyết tâm ở cái trách nhiệm với xã hội, cụ thể là cuộc chiến tuyên truyền, lên án, đấu tranh chống nạn ấu dâm.

Hãy thử hình dung, giống như Wayne Rooney ở Anh, những ngôi sao bóng đá Việt Nam như Lê Công Vinh, Nguyễn Công Phượng… cũng tham gia làm đại sứ cho các tổ chức bảo vệ trẻ em hay lên án những hành động ấu dâm?

Hẳn những hành động của sao bóng đá không chỉ tốt cho mặt tuyên truyền, mà còn là động lực rất lớn cho gia đình các nạn nhân, cho cơ quan chức năng, đội ngũ luật sư…

Trách nhiệm xã hội, hành động vì một xã hội tốt đẹp, vì quyền trẻ em. Đó mới là cái đích nhân văn cao cả nhất của thể thao…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại