[TOÀN VĂN] Bài viết của Telegraph vạch rõ sự lột xác "Real hóa" của Barca (phần 1)
Phần IV - Đội bóng kiêm nhà cung cấp nội dung
"Bạn sẽ không bao giờ lỗ khi mua về những cầu thủ giỏi nhất" - Jose Angel Sanchez, cựu giám đốc marketing Real Madrid.
Để hiểu mô hình Barcelona hiện tại, bạn phải hiểu mô hình Real Madrid hiện tại, và để hiểu cả hai mô hình này, bạn phải hiểu mô hình của Manchester United. Trong những thập kỉ 90, Man United không chỉ thống trị bóng đá Anh, họ còn thay đổi tư duy kiếm tiền của các CLB bóng đá.
Man United là đội bóng đầu tiên khai thác được thị trường Đông Á mới nổi, là đội bóng đầu tiên nhận ra tiềm năng "hái ra tiền" của việc hợp tác với các tập đoàn, và là đội bóng đầu tiên có kênh truyền hình của riêng mình. Đến năm 2000, họ trở thành CLB giàu nhất thế giới, trong khi Real, Barcelona và nhiều CLB lớn khác tại châu Âu nhìn Man United với ánh mắt đầy ganh tị.
Cũng năm 2000, Florentino Perez đắc cử chủ tịch Real Madrid với cam kết đầy táo bạo rằng ông sẽ mang Luis Figo về Santiago Bernabeu từ tay kình địch Barcelona.
Trong những năm sau đó, một thời đại được biết đến với cái tên "Galaticos", Real Madrid đã thực hiện một chính sách mua sắm cầu thủ chưa từng thấy trong lịch sử. Trong 4 mùa hè liên tiếp, Figo, Zidane, Ronaldo (de Lima) và David Beckham lần lượt về đầu quân cho đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha, với tổng phí chuyển nhượng lên tới 218 triệu euro.
Những năm sau đó, đến lượt Kaka, Cristiano Ronaldo, Gareth Bale, và James Rodriguez cập bến Santiago Bernabeu. Trước khi Man United mua Paul Pogba vào mùa hè năm ngoái, Real Madrid đã có 16 năm liên tiếp nắm giữ kỉ lục mức phí chuyển nhượng cao nhất.
Cái cách Real chi tiêu mua cầu thủ nhìn qua có vẻ thiếu định hướng, nhưng thực chất họ có một công thức đằng sau, và, tin hay không thì tùy, công thức này được truyền cảm hứng từ bộ phim hoạt hình Lion King.
Ban lãnh đạo Real đã nghiên cứu cái cách Disney vừa tạo ra một bom tấn tại rạp chiếu phim, vừa tạo ra một thương hiệu giải trí để kiếm lời lâu dài sau khi phim đã rời rạp. Đây cũng chính là mô hình mà Real áp dụng: mua sao về, trình diễn thật tốt trên sân cỏ, thu hút các fan, và vắt của họ từng đồng một.
Man United khởi xướng, nhưng Real mới là đội bóng đưa mô hình này đến một tầm cao mới. Họ định nghĩa đội bóng là một nhà cung cấp nội dung, và bóng đá là một hình thức giải trí.
Đưa Luis Figo về Bernabeu, Real Madrid không chỉ thành công trong việc "triệt hạ" Barca, mà còn nâng tầm bản thân lên nấc mới.
"Bạn sẽ không bao giờ lỗ khi mua về những cầu thủ giỏi nhất. Họ sẽ tạo ra những màn trình diễn tuyệt vời nhất, mãn nhãn nhất. Real Madrid là một thương hiệu, và sản phẩm của chúng tôi - các cầu thủ và các trận đấu - chính là nội dung chúng tôi cung cấp. Mọi thứ chúng tôi làm đều bắt nguồn từ đây" - Jose Angel Sanchez, giám đốc marketing Real Madrid, giải thích.
Tháng 7/2003, Real ra mắt bản hợp đồng mới nhất của mình: David Beckham. Họp báo ra mắt được tổ chức vào lúc 11h sáng ở Tây Ban Nha để các hãng truyền thông châu Á có thể kịp đưa vào bản tin tối. Nhờ vậy, sự kiện này đã thu hút lượng người xem trực tiếp lớn thứ hai trong lịch sử truyền hình thế giới, sau sự kiện đám tang của Công nương Diana.
"Đây thực sự là một bước ngoặt, bởi việc David Beckham tới Real cho thấy trong tư duy của chúng tôi bấy giờ, khâu tạo dựng hình ảnh thậm chí còn quan trọng hơn cả bóng đá" - một quan chức giấu tên trong ban lãnh đạo Real tiết lộ trong cuốn sách của tác giả Sid Lowe mang tên Sự sợ hãi và ghét bỏ tại La Liga.
Những kết quả sau đó đã phản ánh đúng tư duy này. Để tất cả ngôi sao trong dải ngân hà đều hài lòng với cuộc sống tại Real cũng như để cân đối ngân sách, nhiều "con tốt thí" đã phải hi sinh.
Quá tập trung mang về những siêu sao tấn công, đội hình Real trở nên mất cân đối trầm trọng. Chủ tịch Perez luôn ra lệnh phải cho các siêu sao ra sân bằng bất cứ giá nào, và hệ quả là hàng loạt các HLV phải ra đi.
Trong khi đó, các cầu thủ ở đẳng cấp thấp hoặc trung bình than phiền rằng các ngôi sao trong dải ngân hà luôn được đối xử thiên vị. Rất nhiều cầu thủ tỏ thái độ bất bình sau đó đã phải khăn gói ra đi, khiến đội hình càng trở nên mất cân bằng.
Với việc mua David Beckham, Real Madrid hướng đến thị trường mới: châu Á.
Thành tích của CLB tụt dốc không phanh. Lần đầu tiên kể từ đầu những năm 1950, Real trải qua 3 mùa giải liên tiếp không có lấy một danh hiệu. Trong khi đó, sân tập của đội bóng bị đem bán để lấy kinh phí mua thêm siêu sao.
"Real Madrid không có một chiến lược cụ thể. Họ là sản phẩm của một tư duy kinh doanh coi bóng đá chỉ là thứ yếu. Họ bỏ ra hàng đống tiền để mua về những ngôi sao, nhưng những ngôi sao này không làm nên một đội bóng.
Họ là một tập thể ô hợp đáng thất vọng, với những cầu thủ đã ở sườn dốc bên kia của sự nghiệp và những gương mặt ra sân chỉ phục vụ mục đích thương mại" - cây bút Santiago Segurola nhận xét trên báo El Pais.
Ngay khi Real bước vào giai đoạn suy thoái cũng là lúc Barcelona vừa thoát ra khỏi giai đoạn khủng hoảng. Rijkaard đưa Barcelona đến với danh hiệu Champions League lần thứ hai trong lịch sử vào mùa giải 2006, và người thay thế ông là Guardiola sau đó cũng hai lần nâng cao chiếc cúp vô địch châu Âu cùng Barca.
La Masia - lò đào tạo từng là niềm tự hào hàng đầu của Barcelona.
Khi đội hình gồm phần lớn các cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo trẻ của Guardiola càn quét khắp châu Âu, người ta đã ví đây như một cái tát đập vào tư duy galatico của Real Madrid, như một khúc khải hoàn của các lò đào tạo bóng đá trẻ, của tính địa phương hóa trong bóng đá, của niềm tin vào tài năng "của nhà trồng được". Đúng như những gì Cruyff và Laporta đã định hướng.
Nhưng bên ngoài sân cỏ lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Phần V - Hướng về phía trước
"Đối với tôi, Madrid là đàn ông còn Barcelona là đàn bà, một người đàn bà mắc bệnh tự luyến nặng" - nhà văn Carlos Ruiz Zafon.
Khi Laporta nắm quyền kiểm soát Barcelona vào năm 2003, CLB đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng. Quỹ lương chiếm tới 88% tổng doanh thu. Các mô hình kinh doanh đã quá cũ kĩ. Laporta đã phải muối mặt thừa nhận rằng trong khi Man United kiếm được 2 triệu euro cho mỗi trận giao hữu, thì Barcelona chỉ được có 300.000 euro.
Vậy nên song song với việc Rijkaard và sau đó là Guardiola đưa những nhân tài của La Masia lên đỉnh vinh quang, thì Laporta ở hậu trường đã biến Barcelona trở thành một cỗ máy thương mại đáng gờm. Ông cơ cấu lại các khoản nợ của CLB, khởi xướng một chiến dịch kết nạp, tăng 60% số lượng hội viên CLB.
Và khi thời cơ đến, ông không ngần ngại mang về một galatico cho riêng mình. Với các "tay trong" ở Nike, Rosell đã giúp Laporta mang Ronaldinho về Nou Camp vào năm 2003, và sau đó là một loạt các ngôi sao khác như Samuel Eto'o, Thierry Henry, và Zlatan Ibrahimovic.
Tuy nhiên, khác với Real, tất cả những thương vụ này đều không phục vụ một lý tưởng phi thực tế nào cả. Barcelona sẵn sàng bạo chi, nhưng như những gì phó chủ tịch Ferran Soriano đã từng nói, họ vẫn sẽ "đảm bảo trách nhiệm với xã hội ở quy mô vượt ra ngoài phạm vi sân bóng".
Năm 2006, Barcelona chọn Unicef làm "nhà tài trợ" áo đấu đầu tiên của mình. Sở dĩ viết "nhà tài trợ" bởi chính Barca mới là bên phải trả Unicef 7 triệu euro để in logo của họ lên áo đấu. Ngoài ra, với tư cách một người ủng hộ mạnh mẽ phong trào ly khai, Laporta luôn kéo CLB của mình đồng hành với chiến dịch giành độc lập của xứ Catalan.
Logo của Unicef được chuyển xuống phần đuôi áo, nhường ngực áo cho Qatar Airways.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi Rosell lên nắm quyền. Vị trí logo của Unicef đã chuyển từ trên ngực áo ra phần đuôi áo sau lưng, và biến mất hoàn toàn khi các cầu thủ cho áo vào trong quần. Thế chỗ là Qatar Foundation, sau đó là Qatar Airways vào năm 2013.
Đối lập hẳn so với người tiền nhiệm Laporta, một người luôn gây tranh cãi với những phát biểu liên quan đến sự o ép của nhà nước Tây Ban Nha đối với xứ Catalan, chủ tịch Bartomeu cương quyết không thể hiện quan điểm chính trị của mình trong cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập năm 2015.
"Tôi sẽ không thể hiện quan điểm. Chúng tôi chỉ quan tâm đến thế thao. Chúng tôi không tham gia vào các chiến dịch chính trị" - ông phát biểu.
Đơn giản bởi Bartomeu không muốn phí thời gian vào các tranh cãi chính trị nhỏ nhặt. Tầm nhìn của ông vươn rộng hơn rất nhiều. Dự án tiếp theo của chủ tịch Barca là mở rộng sức chứa sân Nou Camp từ 97.000 lên 105.000, trong đó số lượng ghế VIP sẽ tăng từ 1.800 lên 10.000.
Lần đầu tiên trong lịch sử, một cuộc đấu giá đặt tên SVĐ sẽ được tổ chức, và bên thắng cuộc nhiều khả năng sẽ phải chuyển hàng trăm triệu euro vào tài khoản của Barcelona để đổi lấy quyền được đặt tên cho sân nhà đội bóng xứ Catalan.
Đương nhiên, những người theo chủ nghĩa thuần túy sẽ phản đối, nhưng Bartomeu đã nói với họ rằng để Barcelona có thể giữ vững vị trí số một trong làng bóng đá thế giới, thương mại hóa không còn là một sự lựa chọn nữa, mà nó là điều bắt buộc. Điều này đưa chúng ta đến câu hỏi có lẽ là quan trọng nhất vào lúc này: Barcelona giờ đang kiếm tiền để tồn tại? Hay đang tồn tại để kiếm tiền?
Phần VI - Vòng xoay của trái bóng tròn
"Barcelona là một đội bóng đang dần bước tới dấu chấm hết cho chính mình" - Bernd Schuster, cựu cầu thủ Barcelona.
Các CLB thường nói rằng thành công về mặt tài chính luôn có liên hệ mật thiết với thành công trên sân cỏ, hai bên tương hỗ lẫn nhau trong một vòng tuần hoàn khép kín. Thắng trận. Kiếm được tiền. Lấy tiền mua cầu thủ. Thắng thêm nhiều trận nữa.
Đương nhiên họ phải nói như vậy rồi. Bởi đó là một lời giải thích hoàn hảo mỗi khi ai đó chất vấn lòng tham của họ. Cái vòng tuần hoàn ấy nhìn rất oách trên một bài diễn thuyết Powerpoint, và nghe qua có vẻ rất hợp lý.
Nhưng trong mô hình làm bóng đá ở những cấp độ cao nhất, mối quan hệ giữa tình hình tài chính và thành tích trên sân phức tạp hơn rất nhiều. Trong một cuộc phỏng vấn với báo Financial Times năm 2015, Bartomeu đã đưa ra một phát biểu có thể nói đã mô tả một cách súc tích nhất định hướng của Barcelona:
"Trong quá khứ, công thức giúp các CLB phát triển là gặt hái thành công về chuyên môn, từ đó dẫn đến thành công về xã hội, từ đó dẫn đến thành công về kinh tế. Nhưng chúng tôi muốn phát triển theo một cách mà mọi thứ không phụ thuộc hoàn toàn vào thắng thua trên sân. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng đội bóng sẽ luôn được nhắc đến trên khắp thế giới ngay cả khi thất bại".
Hãy đọc lại hai câu cuối, và hãy nghĩ kĩ về cái viễn cảnh mà Bartomeu đang hướng đến. Ông tin rằng nhiệm vụ chính của một đội bóng thời hiện đại không đơn thuần chỉ là giành chiến thắng, mà phải đảm bảo có đường ra trong trường hợp thất bại.
Đương nhiên Bartomeu không bàng quan hoàn toàn với việc Barcelona thắng hay thua. Chỉ có điều là từ quan điểm kinh doanh mà nói, thì ông không muốn điều đó ảnh hưởng tới việc làm ra tiền.
Đây là một tư duy đi ngược lại hoàn toàn với bản chất của thể thao. Bất kì mọi hình thức thi đấu thể thao nào cũng luôn đi kèm với một yếu tố bất ngờ không thể lường trước. Đó có thể là vòng xoay của trái bóng, những lá thăm may rủi, sự trồi sụt của phong độ, của thể lực, sự mong manh của con người, sự kết dính của một tập thể, hay sự ngẫu nhiên trong tương tác giữa người với người.
Chơi tồi mà thắng, bạn vẫn kiếm được 3 điểm. Chơi hay nhưng thua, bạn chẳng có điểm nào. Dù bạn có chuẩn bị kĩ lưỡng ra sao, có đầu tư nhiều tiền bạc đến thế nào, thì cũng không có gì đảm bảo chắc chắn cho chiến thắng.
Các công ty rất ghét điều này. Sự bất ổn là khắc tinh của các nhà đầu tư, của thị trường, và không có chỗ trong kinh doanh.
Đó là lý do tại sao các CLB lớn luôn tìm cách loại bỏ mọi rủi ro liên quan đến chuyên môn mỗi khi có thể: thông qua tối đa hóa lợi nhuận, tăng cường quy mô các hoạt động "đi đêm", hay tận dụng quyền lực và quan hệ để gian lận format Champions League theo hướng có lợi cho mình.
Chính Bartomeu là người ủng hộ quy tắc "đội khách mời" áp dụng cho các CLB lớn không đủ điều kiện giành vé dự Champions League.
Trên sân cỏ, bạn không thể loại bỏ hoàn toàn yếu tố may rủi. Nhưng bên ngoài sân cỏ, bạn có thể loại bỏ tuyệt đại đa số. Barcelona đã trang bị cho mình một tiềm lực tài chính đủ để đảm bảo sẽ thu về đều đặn các danh hiệu trong nhiều thập kỉ tới. Nhưng không hiểu vô tình hay cố ý, họ cũng đã rơi vào vòng xoáy cực thịnh - cực suy của Real hơn một thập kỉ trước.
Một CLB lớn thời hiện đại là một con thú luôn bồn chồn. Để giữ vững được hình ảnh, nó phải liên tục tìm hướng đi mới, liên tục thay đổi để đạt đến ngưỡng mà khi đó sự thay đổi diễn ra gần như thường trực. Mỗi kì chuyển nhượng đến lại kéo theo nhu cầu mua về những ngôi sao mới, và việc họ có phù hợp với chiến thuật hay không khí trong phòng thay đồ hay không cũng chẳng quan trọng.
Áp lực liên tục từ các fan và giới truyền thông sẽ kéo theo những cách xử lý, những đánh giá bột phát, mang đến những câu chuyện mới, những cá tính mới. Bởi rốt cục thì bóng đá cũng là một sản phẩm giải trí.
Real đã nhận ra điều đó. Và giờ đây Barca cũng đang nhận ra điều tương tự. Sẽ có những mùa giải họ giành chiến thắng trên mọi mặt trận, và cũng sẽ có những mùa giải trắng tay. Nhưng miễn là đội bóng được điều hành một cách hợp lý, họ vẫn sẽ gặt hái những thành công nhất định kể cả trong các mùa giải thất bại.
Trong trường hợp này, có thể nhìn vào mô hình của Man United. Trên sân cỏ, Quỷ đỏ đã và đang phải trải qua một giai đoạn khó khăn: thành tích tụt dốc, cầu thủ xuống phong độ, và thất bại của David Moyes.
Nhưng khi bản cân đối kế toán được công bố, thì Man United của thời kì suy thoái về thành tích vẫn tiếp tục giữ vững mạch tăng doanh thu trong 12 năm liên tiếp, dù có được tham dự Champions League hay không. Nếu đây được coi là "thất bại", chắc CLB nào trên thế giới cũng muốn được "thất bại" như Man United.
Vậy nên có thể nói phát biểu của Schuster vừa đúng lại vừa sai. Đây không phải là dấu chấm hết cho Barcelona, mà đơn giản chỉ là một trong vô vàn các dấu chấm hết đánh dấu sự khép lại của một chu kì thay đổi và mở ra một chu kì thay đổi khác, kéo dài đến vô tận.
Nhưng trừ khi Barcelona rời bỏ hoàn toàn mô hình hiện tại và tái thiết, thì những thành công của họ hiện nay và trong tương lai sẽ không bao giờ giống với những thành công trong quá khứ. Mọi thứ đã thay đổi. Thật vô nghĩa nếu đem so sánh lứa cầu thủ trẻ của Barcelona hiện tại với thế hệ Messi.
Trong số 8 cầu thủ trưởng thành từ La Masia thi đấu trong trận chung kết Champions League 2011 tại Wembley, 5 người có màn ra mắt trong khoảng thời gian từ 1998 đến 2004, giai đoạn có thể coi là "chạm đáy" của Barcelona. Có lẽ nếu những Sergi Samper hay Adama Traore nổi lên trong giai đoạn ấy, họ đã có thể được đá chính. Hoặc không...
Đội bóng nào cũng thay đổi. Sẽ không bao giờ xuất hiện một thế hệ cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo đạt đến đẳng cấp như thế hệ La Masia dưới thời Barca do Guardiola cầm quân. Áo đấu của Barca sẽ không bao giờ trở lại những tháng ngày không in thương hiệu quảng cáo.
Có lẽ ai đó sẽ hối hận, nhưng nếu muốn chơi bóng ở đẳng cấp cao nhất ở thời đại hiện nay, đó đơn thuần là cái giá phải trả để làm kinh doanh.
Barcelona hiện nay không rơi vào khủng hoảng. Ở một góc độ nào đó, những khó khăn họ đang phải đối mặt cũng là một phần của mô hình mà họ đang theo đuổi. Với mô hình này, một thảm họa thôi chưa là gì, phải nhiều thảm họa gộp lại mới đủ để kéo Barcelona thực sự rơi vào khủng hoảng một lần nữa.