[TOÀN VĂN] Bài viết của Telegraph vạch rõ sự lột xác "Real hóa" của Barca (phần 1)

Trần Loan |

Trong bài viết mới đây đăng trên báo Anh The Telegraph, tác giả Jonathan Liew đã vạch trần quá trình "Madrid hóa" biến Barcelona trở thành thương hiệu toàn cầu.

Phần I: Đế chế Barca

"Barca là một đội bóng tầm cỡ thế giới. Nhưng thế giới này rộng lớn lắm, và ngay lúc này đây chúng ta đang chỉ chiếm một phần rất nhỏ của nó" - Chủ tịch CLB Josep Bartomeu.

Tháng Chín năm ngoái, Barcelona mở đại bản doanh đầu tiên của mình tại New York, và họ quyết định phải có một màn ra mắt thật ấn tượng.

Cứ thế, cờ Barcelona bay phấp phới bên cạnh quốc kì Mỹ treo trước cửa khách sạn 5 sao Waldorf Astoria, nơi ở tạm thời của các quan chức CLB. Khi mặt trời lặn, tòa nhà Empire State lập tức sáng rực hai màu đỏ-xanh truyền thống của Barca.

[TOÀN VĂN] Bài viết của Telegraph vạch rõ sự lột xác Real hóa của Barca (phần 1) - Ảnh 1.

Cựu danh thủ Ronaldinho cũng bất ngờ xuất hiện tại một trường cấp hai ở quận Bronx để chơi bóng cùng những đứa nhóc vừa đá vừa há hốc mồm vì sốc. "Chúng tôi muốn gần gũi hơn với các fan của mình" - chủ tịch Bartomeu giải thích.

Nhưng để thấy được lý do thực sự đằng sau màn đổ bộ của Barcelona tới New York, bạn sẽ phải tìm đến một nhà hàng thượng lưu ở trung tâm Manhattan. Tại đây, trên bàn tiệc với món mực hạng sang, Bartomeu và phó chủ tịch Manel Arroyo đang trò chuyện rôm rả cùng lãnh đạo của các công ty lớn bậc nhất Phố Wall: Morgan Stanley, PricewaterhouseCoopers, KPMG, Blackrock.

Kể từ khi Bartomeu đảm nhiệm vị trí lãnh đạo CLB vào năm 2014, ông đã xác định rõ hai mục tiêu chính: đánh bóng tên tuổi CLB trên phạm vi toàn cầu, và tận dụng tên tuổi đó để hái ra tiền.

Ông muốn biến Barcelona trở thành CLB đầu tiên trong lịch sử vượt mức 1 tỉ euro lợi nhuận. Barcelona đã hái ra hàng đống tiền ở Tây Ban Nha, do đó Bartomeu hiểu rằng, phần lớn lợi nhuận còn lại "sẽ phải đến từ thị trường quốc tế".

[TOÀN VĂN] Bài viết của Telegraph vạch rõ sự lột xác Real hóa của Barca (phần 1) - Ảnh 2.

Ronaldinho trong ngày Barcelona "đổ bộ" xuống New York.

New York là đại bản doanh thứ hai của Barcelona đặt bên ngoài lãnh thổ Tây Ban Nha (ngoài ra còn trụ sở ở Hong Kong). Đây là một phần của chiến dịch thúc đẩy quảng bá thương hiệu Barcelona trên thị trường Bắc Mỹ. Một hệ thống các học viện bóng đá Barcelona đã được thành lập ở nhiều nơi trên lãnh thổ Mỹ và Canada.

Bản thân Bartomeu cũng từng đích thân xuất hiện qua video trên các giảng đường khoa Kinh doanh - Đại học Harvard. Tại đây, ông nói với các sinh viên rằng: "Barcelona muốn trở thành đội bóng được hâm mộ nhất, được nhắc đến nhiều nhất, và tầm cỡ toàn cầu nhất thế giới".

Trong năm nay, Barcelona dự kiến sẽ mở thêm hai đại bản doanh nữa tại Thượng Hải (Trung Quốc) và Sao Paulo (Brazil).

Trong khi đó, bộ phận kinh doanh của CLB đã và đang vắt óc tìm ra những phương án thu về lợi nhuận mới.

Một số ví dụ có thể kể đến là giờ bạn có thể có một tấm bằng đại học mang tên FC Barcelona trong nhiều lĩnh vực, từ kiến trúc đến tâm lý học hay phân tích dữ liệu; bạn có thể mua một chai rượu vang đỏ Tempranillo mang thương hiệu FC Barcelona; bạn thậm chí còn có thể bỏ tiền ra thuê một chiếc xe buýt FC Barcelona để làm gì tùy thích.

[TOÀN VĂN] Bài viết của Telegraph vạch rõ sự lột xác Real hóa của Barca (phần 1) - Ảnh 3.

Barcelona, một CLB bóng đá do Joan Gamper thành lập vào đầu thế kỉ 20 như một cách thể hiện bản sắc văn hóa địa phương của xứ Catalan, giờ đã trở thành một thương hiệu toàn cầu được đem lên bàn đàm phán vì những mục đích chẳng liên quan gì mấy đến bóng đá.

Hai ngày sau khi mừng lễ khánh thành một trụ sở với chỉ vỏn vẹn 4 nhân viên, lãnh đạo Barcelona trở về Nou Camp, và chứng kiến đội nhà bị Alaves đánh bại với tỉ số 2-1.

Phần II - Phía cuối con đường

"Một năm tại Barcelona chắc phải bằng hai năm ở bất kì nơi nào khác" - Victor Valdes, cựu cầu thủ Barcelona.

Các CĐV gọi tên Luis Enrique vào giờ nghỉ giữa hiệp trong trận đại thắng 5-0 trước Celta Vigo. Lionel Messi lại có tên trong danh sách ghi bàn, và đó lại là một tuyệt-phẩm-chẳng-tốn-giọt-mồ-hôi mà trước đây chúng ta đã thấy đến cả trăm lần. Barcelona lại trở về ngôi đầu La Liga.

"Lucho, chúng tôi yêu anh, xin hãy ở lại" - các CĐV hát vang. Nhưng nó giống một lời chào tạm biệt hơn là một lời động viên, bởi Enrique đã tuyên bố sẽ ra đi.

Enrique vẫn chơi 3 môn phối hợp trong thời gian rảnh rỗi, nhưng chỉ 3 mùa giải tại Barcelona đã vắt kiệt toàn bộ sức lực của vị HLV trẻ tuổi. So với những người tiền nhiệm, thành tích của Enrique không tồi chút nào.

[TOÀN VĂN] Bài viết của Telegraph vạch rõ sự lột xác Real hóa của Barca (phần 1) - Ảnh 4.

Sau Thế chiến II, chỉ 2 HLV Barca giữ được ghế quá 4 mùa giải. Frank Rijkaard "thọ" được 5 năm, nhưng sau đó tiều tụy hẳn, còn sự nghiệp huấn luyện bị phá hủy hoàn toàn. Johan Cruyff ngồi trên băng ghế chỉ đạo 8 mùa liền, sau đó bị bệnh tim.

Những sóng gió trong nội bộ Barcelona khiến chiếc ghế HLV tại đây trở thành một trong những công việc vắt kiệt năng lượng kinh khủng nhất giới bóng đá.

Đa số các CLB tại Anh áp dụng cấp bậc quyền lực theo chiều dọc: trên có chủ tịch, dưới có các fan. Ngược lại, Barcelona thuộc sở hữu của các fan: đó là 177.000 con người không chỉ đơn thuần theo dõi các trận đấu của CLB, mà còn tham gia bỏ phiếu bầu chủ tịch, có quyền thể hiện sự bất bình, và tạo cơ hội cho giới truyền thông gây bão dư luận.

"Một ngọn núi lửa chỉ chực phun trào" - Cruyff đã ví nội tình CLB như vậy.

[TOÀN VĂN] Bài viết của Telegraph vạch rõ sự lột xác Real hóa của Barca (phần 1) - Ảnh 5.

Nếu phải chỉ ra đích xác một khoảnh khắc khiến Enrique quyết định không còn muốn ngồi trên miệng ngọn núi lửa ấy nữa, thì đó chính là tiếng còi kết thúc trận đấu 3 tuần trước tại Công viên các Hoàng tử. Đêm đó, một Barcelona bạc nhược đã bị Paris Saint-Germain hủy diệt 4-0 trong trận đấu thuộc vòng 1/8 Champions League.

Chứng kiến PSG xé nát đội bóng của Enrique thành từng mảnh thật sự là một trải nghiệm gây sốc, một nốt trầm trong trang sử hào hùng của một đội bóng vĩ đại. Kể từ khi kỉ nguyên vàng của CLB bắt đầu hơn một thập kỉ trước, Barcelona không phải là chưa bao giờ bị đánh bại. Họ từng thua tâm phục khẩu phục. Nhưng lần này khác hẳn. Họ thật sự đã bị "đè đầu cưỡi cổ".

Sau đó, Enrique đã không giữ nổi sự bình tĩnh. Khi bị người dẫn chương trình chỉ trích về mặt chiến thuật trên sóng truyền hình Catalan, Enrique đáp: "Được, tôi nhận mọi trách nhiệm. Nhưng phải nói luôn là kể cả khi Barca thắng, trong các cuộc phỏng vấn sau đó các anh cũng đối xử với tôi y hệt bây giờ, cũng dùng cái giọng điệu mà anh đang dùng để chất vấn tôi lúc này".

[TOÀN VĂN] Bài viết của Telegraph vạch rõ sự lột xác Real hóa của Barca (phần 1) - Ảnh 6.

Tưởng chừng như trận thắng 4-0 của PSG đã hạ gục hoàn toàn một Barca kiêu hãnh.

Một vài nguồn tin cho biết, Enrique và người dẫn chương trình vẫn tiếp tục lời qua tiếng lại dù buổi ghi hình đã kết thúc, và sau đó suýt chút nữa đã dẫn đến "động chân động tay" nếu không có người can ngăn.

5 ngày sau, sân Nou Camp nhất loạt la ó Enrique trong chiến thắng 2-1 của Barca trước Leganes.

10 ngày sau, Enrique từ chức.

Phần III - Vành đai lửa

"Tiền không phải là thứ quan trọng nhất. Trên hết vẫn phải có những nguyên tắc, những giá trị cần tuân thủ. Nhưng Barca đã đánh mất chúng" - Johan Cruyff, 2015.

Dù có nhiều bất ổn cả trong lẫn ngoài sân cỏ, song không thể nói Barcelona đang gặp khủng hoảng. Ba chiến thắng quan trọng đã đưa họ trở lại ngôi đầu La Liga, và mới đây nhất là cuộc lội ngược dòng ngoạn mục trước PSG để tiếp tục nuôi hi vọng tại đấu trường châu lục.

Nhưng vẫn có một cuộc chiến ngầm đang âm thầm tiếp diễn trong nội bộ Barcelona, với mức độ nghiêm trọng vượt xa sự ra đi của Enrique. Ở một góc độ nào đó, đây có thể coi là một trận chiến vì linh hồn của đội bóng xứ Catalan.

[TOÀN VĂN] Bài viết của Telegraph vạch rõ sự lột xác Real hóa của Barca (phần 1) - Ảnh 7.

Joan Laporta giữ chức chủ tịch Barcelona trong khoảng thời gian 2003-2010, khi đội bóng trải qua màn lột xác phi thường nhất trong lịch sử. Khi ông nhậm chức, Barcelona vừa trải qua một mùa giải mà họ chỉ đứng thứ 6 tại La Liga, xếp hạng thấp nhất của đội bóng kể từ thập kỉ 80.

Chỉ trong 3 năm sau đó, Frank Rijkaard đã đưa Barcelona tới danh hiệu Champions League đầu tiên trong lịch sử. Khi Rijkaard ra đi, chính Laporta là người đưa ra quyết định không mang về Jose Mourinho, mà thay vào đó đưa một Pep Guardiola còn non kinh nghiệm vào vị trí HLV.

Đối với một bộ phận fan Barcelona, "triều đại" Laporta giống như sự trở về với những tháng ngày huy hoàng xưa cũ. Ông bổ nhiệm huyền thoại Johan Cruyff vào vị trí chủ tịch danh dự kiêm cố vấn. Ông đầu tư quy mô lớn vào lò đào tạo La Masia, và gọi đây là "nhà máy sản xuất những giấc mơ" của CLB.

Ông tôn sùng triết lý bóng đá Cruyff, và cứ thế lối đá phối hợp tốc độ cao được áp dụng từ đội U-7 lên tới đội một. Trong những năm ấy, ở cả trong lẫn ngoài sân cỏ, Barcelona đã chiếm được cảm tình của người hâm mộ trên toàn thế giới.

[TOÀN VĂN] Bài viết của Telegraph vạch rõ sự lột xác Real hóa của Barca (phần 1) - Ảnh 8.

Txiki Begiristain, Joan Laporta, Johan Cruyff và Pep Guardiola bên nhau năm 2010.

Nhưng vào năm 2010, Laporta đã phải nhường lại vị trí cho cựu phó chủ tịch Sandro Rosell, một người có tầm nhìn khác về tương lai CLB. Cựu lãnh đạo tập đoàn Nike cho rằng Barcelona cần chấp nhận đối mặt với thực tế về thị trường, nếu không sẽ bị bỏ lại phía sau.

Ông cáo buộc Laporta đã để lại cho CLB một khoản nợ nặng nề, và cam kết sẽ thiết lập một mô hình tài chính năng động hơn, giúp Barcelona có đủ nguồn lực để cạnh tranh chữ kí của những cầu thủ xuất sắc nhất hành tinh.

Với tư duy ấy, Neymar và Luis Suarez đã được mang về Nou Camp với tổng số tiền chuyển nhượng khoảng 120 triệu bảng, giúp Barcelona sở hữu một trong những hàng tấn công đáng sợ nhất trong lịch sử bóng đá thế giới.

Năm 2014, Rosell đã bị ép phải nhường vị trí chủ tịch cho Bartomeu, một đồng minh và cũng là một người bạn của ông. Nhưng sự thay đổi này vẫn không ngăn cản Barca tiếp tục gặt hái những danh hiệu.

Dưới sự dẫn dắt của Enrique, đội bóng xứ Catalan đoạt cú ăn ba năm 2015 và cú đúp trong mùa giải trước. Tuy nhiên, mọi thứ đang không được thuận buồm xuôi gió cho lắm ở mùa giải năm nay, trong đó nổi lên nhiều vấn đề vốn đã tồn tại từ lâu.

[TOÀN VĂN] Bài viết của Telegraph vạch rõ sự lột xác Real hóa của Barca (phần 1) - Ảnh 9.

Một trong số đó là vấn đề nhân sự: trừ trường hợp của Suarez, lịch sử chuyển nhượng gần đây của Barca chẳng khác nào một catalog những bản hợp đồng đắt đỏ nhưng thất bại thảm hại.

Những Arda Turan, Andre Gomes hay Paco Alcacer dù được đánh giá cao khi tới Nou Camp nhưng chưa để lại dấu ẩn đáng kể. Những vị trí quan trọng như Dani Alves được để cho ra đi mà không có một sự thay thế xứng đáng. Hệ quả là một đội hình rất thiếu đồng đều: vẫn đủ mạnh để hạ bất cứ đội nào, nhưng trở nên yếu đuối đến kì lạ trong những ngày "trái nắng trở trời".

Trong khi đó, lò đào tạo danh tiếng La Masia đang cho thấy những dấu hiệu cạn kiệt nhân tài. Tương tự với người tiền nhiệm Tata Martino, Enrique bị một bộ phận CĐV Barcelona chỉ trích đã và đang bỏ bê lò đào tạo. Nhưng sự thực là trong 3 mùa giải vừa qua, Enrique đã cho 16 "sản phẩm" của lò La Masia được ra sân thử lửa.

Và trong khi những Munir hay Rafinha đã phần nào cho thấy tiềm năng, thì đa phần số còn lại thực sự không đáp ứng đủ trình độ. Những tài năng trẻ có triển vọng khác như Alex Grimaldo hay Gerard Deulofeu thì đã rời Nou Camp. Và Barcelona lại phải phụ thuộc vào một nhóm các siêu sao không thể thay thế: Messi, Neymar, Suarez, Iniesta, Busquets, và Pique.

[TOÀN VĂN] Bài viết của Telegraph vạch rõ sự lột xác Real hóa của Barca (phần 1) - Ảnh 10.

Mỗi cá nhân trong bộ 6 nói trên đều đã đạt ngưỡng "không ai dám động đến", điều đó đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết trong một phi vụ xảy ra hồi tháng Giêng vừa qua, khi một quan chức CLB có tên Pere Gratacos đã dám thể hiện một quan điểm chẳng khác nào "báng bổ" đối với ban lãnh đạo đội bóng.

Ông nói: "Leo là một trong những cầu thủ quan trọng nhất trong đội bóng. Nhưng Leo mà không có Neymar, Suarez, Iniesta, hay Pique thì cũng không thể đá hay được đến thế, dù không thể phủ nhận Leo là cầu thủ xuất sắc nhất".

Chỉ vài giờ sau phát biểu trên, Gratacos bị sa thải.

[TOÀN VĂN] Bài viết của Telegraph vạch rõ sự lột xác Real hóa của Barca (phần 1) - Ảnh 11.

Dù đang thi đấu không tốt và HLV trưởng vừa nộp đơn từ chức, song Barcelona mới đây cũng đón nhận một vài tin tốt. Danh sách Deloitte Money League mới nhất ghi nhận Barcelona đã đạt doanh thu 620 triệu euro, lần đầu tiên vượt qua Real Madrid kể từ khi tập đoàn Deloitte bắt đầu tổng hợp danh sách này 20 năm trước.

Con số này vẫn còn kém khá xa so với mục tiêu 1 tỉ euro của Bartomeu. Song vẫn phải công nhận rằng, bên ngoài sân cỏ, Barcelona đang có những bước tiến vượt bậc.

Nhưng không phải ai cũng phản ứng tích cực trước thông tin này. Laporta, người giờ đây đang bị cho "ra rìa", đã và đang không ngớt lời chỉ trích ban lãnh đạo hiện tại. "Bộ sậu hiện nay đã phá hủy Barcelona được một thời gian rồi. Thứ duy nhất họ đang làm là lợi dụng những gì chúng tôi để lại, và tập trung kiếm lời cho bản thân" - ông phát biểu.

Như vậy, hiện trạng của Barcelona năm 2017 có thể được tóm gọn lại như sau: một đội bóng thiếu cân bằng do công tác tuyển trạch yếu kém nhưng được một bộ phận các cầu thủ siêu sao "gánh", cùng với đó là một phòng thay đồ được phân biệt rõ thành hai giai cấp, một học viện bóng đá bị lãng quên, và một mức doanh thu lớn chưa có tiền lệ.

Sự kết hợp này khiến bạn nhớ tới gì?

Phần 2: Barcelona - giá mà được như Man United thì thích nhỉ?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại