Bên lề kỳ họp Quốc hội Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy banvăn hóa giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội trao đổi với báo chí về thông tin một công ty y khoa của Mỹ hối lộ quan chức Việt Nam.
Ông Lê Như Tiến cho biết, ông chưa tiếp cận được thông tin này. Nhưng, theo ông Tiến, nếu chuyện này có thật thì phải làm thật nghiêm như các dự án ODA về giao thông. “Tuyệt đối không thể để như thế được! Dù là viện trợ hay tiền ngân sách nhà nước thì cũng chính là tiền thuế của nhân dân. Chúng ta phải bỏ ra một khoản tiền lớn như thế nhưng nó lại chảy vào túi cá nhân”- ông Lê Như Tiến nói.
Ông Tiến cũng cho rằng, có thể giá các thiết bị y tế đó bị nâng lên, lúc đó chính người dân, những người tham gia vào dịch vụ y tế sẽ lãnh đủ. Vì số tiền thất thoát ấy cuối cùng rơi vào giá thành.
“Dân gánh chịu hệ quả, còn lợi ích lại rơi vào túi cá nhân. Cuộc sống người dân đã khó khăn rồi, lại phải sử dụng các dịch vụ y tế như vậy thì không thể chấp nhận được” – ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Về mức độ nghiêm trọng trong việc chi nhận hoa hồng ở lĩnh vực y tế, ông Tiến cho rằng “còn nghiêm trọng hơn các lĩnh vực khác, vì các tiêu cực kia là những dự án về giao thông, còn việc này lại liên quan trực tiếp đến sức khỏe, đến tình mạng con người”. Vì thế, ông Lê Như Tiến kiên quyết cho rằng: “Không thể để tình trạng này diễn ra được, nhất là khi đã có nhiều dự án nước ngoài xảy ra trước đó”.
Ở nước ta đã có tình trạng thiết bị y tế cũ, khi xét nghiệm toàn sai lệch. Chẩn đoán sai thì phương thức điều trị sai, lúc đó tính mạng của người dân bị ảnh hưởng, đe dọa, nên nó nguy hại hơn nhiều so với các lĩnh vực khác.
Ông Lê Như Tiến đề nghị trước hết phải xác minh thông tin trên xem có thực sự chuẩn xác không, từ đâu ra? Muốn biết thông tin chuẩn xác hay không thì các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra phải vào cuộc để khẳng định.
“Khi đã khẳng định rồi thì theo tôi phải xử lý thật nghiêm, không thể để tình trạng đã có cảnh báo từ nhiều dự án của nước ngoài trước đó diễn ra” – ông Tiến nói.
Ông Lê Như Tiến cũng đề nghị, Bộ Y tế phải tổng rà soát lại tất cả những sản phẩm, thiết bị y tế nói chung và những nguồn cung cấp dược từ trước tới nay trong cả nước đối với các cơ sở y tế khám chữa bệnh của người dân.
“Cần phải xem xem các thiết bị, dược phẩm đó về nước bằng nguồn nào? Có chuẩn mực không? Có đúng với hợp đồng cam kết không? Mặt bằng giá chung ở trong nước cũng như thế giới có đảm bảo không?...”
Đại biểu Lê Như Tiến ví dụ thiết bị cũ đã qua sử dụng, hoặc ở ngoài gắn mác châu Âu nhưng ruột lại châu Á, hoặc nội địa. Nhiều máy móc nói là mới nhưng lại đã qua sử dụng, đó rõ ràng là một tiếng chuông cảnh báo cần phải ngăn ngừa.
Trước đó, có thông tin về việc Công ty Bio-Rad Laboratories Inc của Mỹ bị cáo buộc giả mạo chứng từ để che giấu các khoản thanh toán và đã trả 7,5 triệu USD tiền hối lộ cho các quan chức tại ba quốc gia: Nga (4,6 triệu USD), Thái Lan (hơn 700 ngàn USD) và Việt Nam (2,2 triệu USD) trong nhiều năm để giành hợp đồng.