Vụ đi tàu chui: 2 nhân viên ăn tiền bao khách bị sa thải

Ban Biên Tập |

(Soha.vn) - Theo công văn 1910/TXSG-NVVT của Xí nghiệp Toa xe Sài Gòn thì Phó tàu phụ trách an toàn Nguyễn Văn Linh và nhân viên Phan Văn Tuyển phụ trách toa CVPĐ đều bị sa thải.

Sau khi Báo điện tử Trí Thức Trẻ đăng tải loạt bài điều tra về hiện tượng các trưởng tàu, nhân viên nhà tàu đưa hành khách đi chui trốn vé trên các tuyến Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Lào Cai, ngày 18/11/2013, chúng tôi đã nhận được công văn số 1910/TXSG-NVVT của Xí nghiệp Toa xe Sài Gòn do Giám đốc Đoàn Long ký thông báo về việc xử lý kỷ luật các trưởng tàu, nhân viên vi phạm trong vụ việc bao khách trên tàu. 


	Nhân viên Phan Văn Tuyển khẳng định có thể

Nhân viên Phan Văn Tuyển khẳng định có thể "gửi" khách đi chuyển nào cũng được, kể cả chuyến anh ta không đi phục vụ trên tàu.

Nội dung công văn nêu rõ: "Ngày 12/11/2013, Xí nghiệp Toa xe Sài Gòn đã lập Hội đồng kỷ luật do Giám đốc Xí nghiệp chủ trì và tổ chức họp phân tích, xử lý kỷ luật các trưởng tàu, nhân viên liên quan trong vụ việc nhân viên nhà tàu tiêu cực bao khách lấy tiền mà báo điện tử Trí Thức Trẻ đã đăng tải các ngày 01, 02 và 04/11/2013. Căn cứ Nội quy lao động của Xí nghiệp và mức độ vi phạm của các cá nhân liên quan, Hội đồng kỷ luật quyết định xử lý kỷ luật với các hình thức cụ thể như sau:

1. Đối với tổ tàu SE3 chạy Hà Nội ngày 18/10/2013 do trưởng tàu khách Đặng Ngọc Quát phụ trách: 

- Trưởng tàu khách Đặng Ngọc Quát xử lý với hình thức kỷ luật: Chuyển công việc khác có mức lương thấp hơn trong thời gian 3 tháng.

- Phó tàu phụ trách an toàn Nguyễn Văn Linh xử lý với hình thức kỷ luật: Sa thải.

- Nhân viên Thiều Quang Tám phụ trách toa 7 xử lý với hình thức kỷ luật: Khiển trách.

2. Đối với tổ tàu SE3 chạy Hà Nội ngày 24/10/2013 do trưởng tàu khách Trần Xuân Hùng phụ trách:

- Trưởng tàu khách Trần Xuân Hùng xử lý với hình thức kỷ luật: Kéo dài thời hạn nâng lương trong thời gian 6 tháng, thôi bố trí làm trưởng tàu khách.

- Nhân viên Phan Văn Tuyển phụ trách toa CVPĐ xử lý với hình thức kỷ luật: Sa thải".

Công văn trên cũng cho biết, qua vụ việc trên, Giám đốc Xí nghiệp Toa xe Sài Gòn đã yêu cầu các Trạm công tác trên tàu Sài Gòn, Đà Nẵng phổ biến đến các tổ tàu, trưởng tàu, nhân viên thuộc các trạm phụ trách học tập, rút kinh nghiệm trong công tác nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, đặc biệt là công tác chống bao khách, bao hàng. 

Trước đó, Báo điện tử Trí Thức Trẻ cũng đã nhận được công văn số 1550/XKHN do Phó Giám đốc Xí nghiệp vận dụng toa xe khách Hà Nội - Hà Thanh Bình ký gửi Báo điện tử Trí Thức Trẻ báo cáo kết quả xử lý những sai phạm xảy ra ở đơn vị này. Theo đó, nhân viên Đào Văn Linh phụ trách toa số 03 tàu SP3 xuất phát Hà Nội ngày 5/9 được coi là "không thực hiện đúng tác nghiệp quy định, không quản lý tốt mật độ hành khách trong toa, để hành khách không có vé đi tàu, vi phạm khoản 04, 07 Điều 19 Nội quy lao động xí nghiệp. Hình thức kỉ luật: Chuyển làm công tác khác (trên mức khiển trách) và chuyển làm công tác vệ sinh toa xe

Nhân viên Đỗ Việt Đức phụ trách toa hành lý phát điện (báo nêu toa 1A) tàu SP4 xuất phát Lào Cai ngày 6/9: Không thực hiện đúng tác nghiệp theo quy định, để hành khách lên tàu không có vé. Vi phạm khoản 04, 07 Điều 19 Nội quy lao động xí nghiệp. Hình thức kỉ luật: Chuyển làm công tác khác (trên mức khiển trách) và chuyển làm công tác vệ sinh toa xe".

Ngay sau khi nhận được công văn trên của Xí nghiệp vận dụng toa xe khách Hà Nội, chúng tôi đã có những phân tích để thấy rằng mức xử lý vi phạm được đưa ra không phù hợp với nội quy, quy định của chính đơn vị này và của ngành đường sắt. 


	Xí nghiệp vận dụng toa xe khách Hà Nội đã không xử lý nghiêm nhân viên đưa khách đi tàu chui?

Xí nghiệp vận dụng toa xe khách Hà Nội đã không xử lý nghiêm nhân viên đưa khách đi tàu chui?

Trước đó, trao đổi với phóng viên Trí Thức Trẻ khi loạt bài chưa đăng tải, ông Hà Thanh Bình cho biết: "Đối với nhân viên mà bao khách, bao hàng, có số tiền từ 300.000 đồng trở lên thì hình thức xử lý sẽ là chấm dứt hợp đồng và sa thải, thậm chí 100 – 200.000 đồng đã phải chịu mức xử lý là khiển trách, chuyển sang công việc khác, không được đảm nhiệm công việc đang làm".

Như chúng tôi đã phản ánh, ngày 5/9/2013, tại ga Hà Nội, nhân viên Đào Văn Linh đã chủ động mời khách nằm giường ghép ở toa số 3 của đoàn tàu SP3 đi Lào Cai mà không cần mua vé tàu theo quy định. Sau khi đưa khách đi tàu chui trót lọt, Linh thu của khách 400.000 đồng và đưa cho khách 1 vé đón tiễn để ra khỏi nhà ga. 

Với hành vi trên, có thể khẳng định nhân viên Đào Văn Linh không chỉ "không thực hiện đúng tác nghiệp quy định, không quản lý tốt mật độ hành khách trong toa, để hành khách không có vé đi tàu" như công văn nêu mà đã cố tình đưa khách đi tàu không vé, dùng vé tiễn qua mặt cửa soát vé để trục lợi cho cá nhân mình. Số tiền Linh lấy của khách là 400.000 đồng, cao hơn mức mà ông Bình từng cho biết sẽ xử lý chấm dứt hợp đồng và sa thải nhân viên vi phạm.

Trên chuyến tàu SP4 xuất phát từ Lào Cai đi Hà Nội tối 6/9/2013, khi chúng tôi vào mua vé thì thấy nhân viên bảo vệ đeo phù hiệu tên Nguyễn Văn Giang cùng 1 nhân viên bảo vệ nhà ga nữa túc trực tại quầy bán vé. Họ đứng chắn ngay cửa bán vé, bất kỳ ai muốn vào mua vé đều phải qua “cửa kiểm soát” bất đắc dĩ này. Nhân viên Giang còn nói, hết vé rồi, chỉ có “vé tập thể” để đi cùng tổ tàu. Sau khi mua 2 "vé tập thể" của Giang và 1 người tên Hà, chúng tôi được sắp xếp chỗ nằm ở buồng chỉ huy toa 1A là toa cuối cùng của đoàn tàu. Buồng chỉ huy chỉ có 4 giường nằm nhưng chúng tôi bị nhồi nhét cùng 9 hành khách khác. 

Những hành khách này cho biết, họ đi du lịch Sa Pa nhưng bị nhỡ tàu về nên chấp nhận đi cùng tổ tàu. Giá bao sân cho 9 người về ga Hà Nội là 1.800.000 đồng. Con số này cũng vượt xa với mức 300.000 đồng mà ông Bình từng nói ở trên. Tuy nhiên, nhân viên Đỗ Việt Đức cũng chỉ bị chuyển sang làm công tác vệ sinh toa xe mà không bị sa thải như quy định.

Trong khi đó 2 nhân viên Nguyễn Văn Linh và Phan Văn Tuyển mắc cùng lỗi như nhân viên Đào Văn Linh và Đỗ Việt Đức thì đã bị Xí nghiệp Toa xe Sài Gòn sa thải. 

Kể từ khi bài viết "Nhân viên nhà tàu đưa khách đi chui chỉ bị chuyển làm vệ sinh" được đăng tải ngày 13/11/2013, đến nay đã 7 ngày trôi qua nhưng chúng tôi vẫn không nhận được phản hồi tích cực nào từ phía Xí nghiệp vận dụng toa xe khách Hà Nội. 

Để góp phần làm trong sạch ngành đường sắt, đặc biệt trong những ngày Tết cổ truyền dân tộc Giáp Ngọ đang đến gần, nhu cầu sử dụng tàu về quê ăn Tết của người dân tăng cao, Báo điện tử Trí Thức Trẻ sẽ tiếp tục phản ánh các chiêu trò bao người, bao hàng trên các tuyến tàu để hành khách nâng cao cảnh giác. 

Báo điện tử Trí Thức Trẻ cũng sẽ đề nghị các lãnh đạo cao nhất của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải vào cuộc, xử lý nghiêm các sai phạm mà chúng tôi phản ánh. 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại