Từ một cô gái đi làm từ thiện, chứng kiến những người vô gia cư và người tâm thần ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An (đóng tại xã Giang Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) sống trong cảnh thiếu thốn cả thức ăn lẫn quần áo mặc.
Chị Đàm Lan Anh (ảnh, 34 tuổi, ở TP Vinh, Nghệ An) đã quyết tìm chứng cứ, góp phần phản ánh tiêu cực.
Kết quả là Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An đã phanh phui việc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An “ăn chặn”, bớt xén hơn 750 triệu đồng.
Đây là số tiền chế độ, cấp mua thực phẩm, tư trang cho người tâm thần và người già cả neo đơn không nơi nương tựa, tiền mua thiết bị tại trung tâm.
Chứng minh điều ngược lại cán bộ nói
Phóng viên: Xuất phát từ đâu chị đến với những cảnh đời ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An?
+ Chị Đàm Lan Anh: Trước đây tôi cùng một số bạn bè thường đi tình nguyện, bỏ tiền túi giúp đỡ những người vô gia cư, hoàn cảnh khốn khó.
Từ năm 2012, tôi biết tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An có những hoàn cảnh rất khó khăn nên những ngày nghỉ chúng tôi chung tiền lại rồi nấu cơm cho họ ăn, uống; cắt tóc, tắm rửa cho những người tâm thần, người già.
Lúc đó tôi cứ nghĩ chế độ, chính sách dành cho những người ở trung tâm rất ít nên chúng tôi cũng muốn chung tay góp sức cùng.
Nhưng một thời gian sau, tôi trở lại đây thì thấy có nhiều người gầy yếu. Tôi hỏi thì những người này cho biết do ăn không đủ.
Tháng 8-2015, chúng tôi chung tay “giải cứu” khoai lang tím Vĩnh Long (do nông dân trồng khoai của nơi đây bị ép giá nên lỗ nặng).
Tôi mua khoai lang tím Vĩnh Long đưa lên trung tâm cho người tâm thần và người vô gia cư đúng ngay lúc họ đang dùng cơm.
Tôi sốc và bất ngờ khi tận mắt chứng kiến bệnh nhân tâm thần phải ăn bốc trong bữa cơm quá đạm bạc với chỉ vài ba miếng thịt mỡ và ít canh rau, họ phải ở lỗ (không mặc quần áo).
Tôi chụp ảnh cảnh này đưa lên Facebook cá nhân để bạn bè và mọi người hiểu hơn những con người bất hạnh. Những bức ảnh đó đã gây sốt trên cộng đồng mạng và cơ quan chức năng vào cuộc.
Lãnh đạo trung tâm và lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An lên báo chí trả lời rằng chế độ Nhà nước cho bệnh nhân chỉ như vậy, ăn như vậy đó là chuyện đương nhiên, không có chuyện bớt xén.
Họ lý giải người tâm thần nặng cho quần áo thì xé rách, vứt đi; và không được dùng thìa ăn cơm vì sợ dùng thìa làm hung khí đâm nhau...
Chị có gặp những trở ngại gì trong quá trình tố cáo? Chị có sợ mọi người nghi nghĩ chị cũng có tư túi khi làm từ thiện?
+ Sau khi tôi đưa những hình ảnh nói trên lên Facebook, nhiều người không tin đó là sự thật. Có những người cho rằng tôi muốn bôi nhọ hình ảnh của tỉnh Nghệ An.
Khi tôi quyết định tố cáo thì một số người khuyên tôi không nên vì sợ những người liên quan sẽ trả thù. Một số cán bộ cũng xin tôi không tố cáo.
Nhưng tôi không thể im lặng, tôi chỉ muốn trả lại quyền lợi cho những con người bất hạnh nơi đây.
Hình ảnh chị Đàm Lan Anh đưa lên Facebook cá nhân phản ánh bệnh nhân tâm thần ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An ăn cơm chỉ có vài ba miếng thịt heo và phải ăn bốc.
Âm thầm điều tra cán bộ sai phạm
Chị thu thập chứng cứ như thế nào?
+ Khi tiếp xúc cán bộ trung tâm, tôi âm thầm ghi âm lại làm bằng chứng, tìm hiểu chế độ, chính sách, rồi tôi bỏ thời gian đi đến những nơi cán bộ trung tâm đã mua thực phẩm để lấy ý kiến người bán hàng về số tiền chênh lệch đã bị bớt xén khi mua.
Qua các bệnh nhân tôi được biết trong năm năm liền, những bệnh nhân tâm thần nặng không hề được nhận một tí gì về quần áo, giày dép, chăn màn, chiếu, cặp lồng đựng cơm mà Nhà nước dành cho họ.
Do vậy nhiều người phải cởi lỗ hoặc mặc quần áo của những nhà hảo tâm cho. Chỉ có một số bệnh nhân tỉnh táo hơn được cấp tư trang để khi có đoàn kiểm tra thì người tỉnh táo trả lời được.
Tất cả những gì thu thập được tôi đã cung cấp cho Thanh tra Sở LĐ-TB&XH.
Chúng tôi đã phát quần áo cho họ mặc và phát chén, thìa cho họ ăn cơm, mua tivi cho họ xem… mang lại niềm vui tinh thần giúp các bệnh nhân sống khỏe và yêu đời hơn.
Tôi đã chứng minh được là người tâm thần không xé hết quần áo như cán bộ phát biểu trước đó; họ có thể cầm thìa, đũa ngồi vào bàn ghế ăn cơm nghiêm túc.
Chị có đồng ý với dự thảo kết luận thanh tra trung tâm của Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An?
+ Trung tâm bảo trợ xã hội là đỉnh cao của tính nhân văn, nhân đạo của Nhà nước dành cho những bệnh nhân tâm thần, người vô gia cư...
Nhưng cũng có những cán bộ của trung tâm sai phạm, làm xấu hình ảnh của Đảng và Nhà nước, gây thiệt thòi cho người bất hạnh.
Vừa qua Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An có thông báo việc thanh tra ở trung tâm mà tôi yêu cầu, tôi đã đồng ý với kết quả.
Tôi mong muốn Sở sẽ làm triệt để vấn đề này để làm gương cho lãnh đạo trung tâm nhân đạo khác, mang lại quyền lợi cho những người có hoàn cảnh bất hạnh.
Sẽ xử lý nghiêm minh những cán bộ sai phạm
Qua công tác thanh tra Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An, Thanh tra của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An đã phát hiện từ năm 2011 đến 2015, cán bộ của trung tâm đã “bớt xén” hơn 750 triệu đồng.
Đó là tiền chế độ cấp mua thực phẩm, tư trang cho người tâm thần và người già cả neo đơn không nơi nương tựa và mua trang thiết bị tại trung tâm...
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết hiện Thanh tra Sở chưa có kết luận thanh tra chính thức, số tiền trên Thanh tra đã truy thu lại.
Dự kiến trong tuần tới Thanh tra Sở LĐ-TB&XH sẽ có kết luận thanh tra chính thức và báo cáo sự việc với UBND tỉnh Nghệ An và cơ quan chức năng để xử lý.
Quan điểm của lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An là sẽ xử lý nghiêm minh những cán bộ sai phạm.
Tôi tìm hiểu, thu thập tài liệu, chứng minh rồi tôi viết tâm thư như là đơn tố cáo gửi lên cơ quan chức năng gồm các phần:
Bố trí quy hoạch cán bộ không hợp lý, bớt xén chế độ cơm, ăn chặn ăn bớt tiền trang cấp, nhân viên không làm đúng chức năng nhiệm vụ, giả mạo chữ ký, các bệnh nhân có chế độ ăn khác nhau nhưng ăn chung một khẩu phần.
Đồng thời, một số người có quyền lợi nơi đây bị bớt xén chế độ cũng làm đơn tố cáo lên Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An.
Chị ĐÀM LAN ANH