Dùng mình thử độc rắn, chữa nọc độc bằng 'ngải'
Để tìm hiểu ngọn ngành câu chuyện, chúng tôi đã tìm về một ngôi chùa nằm heo hút trong dãy núi trùng trùng, huyền ảo tại vùng núi Thất Sơn.
Nhâm nhi ly trà nóng, một vị sư khoác bộ Phật y khoảng 30 tuổi bước ra trò chuyện với phóng viên và tự giới thiệu mình là Châu Kim Sa trụ trì đời thứ hai của chùa Phnom Pi Lơ (tại ấp Phnom Pi, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, An Giang).
Nói về cuộc đời vị trụ trì quá cố Châu Sôm mà mình hay sư gọi là ông ngoại, sư ông. Sư ông Châu Sôm ngay từ thuở nhỏ đã quy y cửa phật, còn là hiện thân của đức phật để “cứu nhân độ thế”.
Suốt cuộc đời sư ông sống vì người dân và tận tụy với đời, dù là lúc nào ông cũng luôn nghiêm khắc dạy bảo với các đệ tử trong chùa phải luôn sống sao cho thật có ích.
Chùa hiện tại đã gần 100 năm tuổi. Cũng đã trải qua hai đời sư trụ trì.
Thuở sơ khai, chùa còn rất nhiều thiếu thốn khi đó ông ngoại tức là sư Châu Sôm (là người sáng lập ra chùa) trụ trì của chùa thường phải rong ruổi nay đây mai đó mới có thể lập chùa.
Ngày ngày sống phải vác dao lên núi để đốn cây, dùng búa để đục đẽo những viên đá lớn trên núi để xây chùa.
Khi chúng tôi nhắc đến biệt tài của sư Châu Sôm là “di sơn, phá thạch” thì vị trụ trì cười lớn một tiếng rồi trả lời: “Người dân trong vùng cứ đồn thổi vậy thôi chứ sư tổ làm gì có khả năng trời phú đến thế.
Tại vì ban ngày người ta thấy sư tụng kinh niệm phật, ban đêm lại lên núi. Mỗi ngày mỗi ít, rồi dần dần ngôi chùa cứ thế hình thành trong sự bất ngờ của người dân địa phương.
Cũng chính vì thế mà người dân trong vùng hay nhắc tới sư là người có khả năng “di sơn, phá thạch”.
Nói về nguồn gốc của cách chữa rắn cắn bằng “ngải” có thể coi là “độc nhất vô nhị” trên đất nước Việt Nam, vị trụ trì kế vị một mạch cho biết nguồn gốc của “ngải” cũng hết sức huyền ảo.
Theo đó, ngày trước vùng Tri Tôn rắn xuất hiện rất nhiều. Sáng sớm người dân chỉ cần mở cửa là rắn đã bò vào trong nhà. Có khi nó còn bò vào nhà ngủ chung với chủ nhà.
Khi ấy người chết vì rắn cắn nhiều vô số kể. Về phần mình, sau khi chứng kiến cảnh người dân bị rắn cắn, rắn “hành” kẻ chết người sống trong cảnh sợ hãi, sư Châu Sôm cũng đứng ngồi không yên.
Ông cũng bắt đầu mày mò, tìm hiểu về thảo dược, rồi đi khắp nơi tìm thầy lang có thể chữa trị được độc rắn để xin học.
Cho đến khi nghe tin ông Tà Huol ở vùng cạnh bên có bài thuốc nam chuyên chữa rắn cắn rất hiệu nghiệm.
Sư Châu Sôm bèn tính cách băng rừng vượt núi hiểm trở để đến tận vùng Sà Tôn (thị trấn Tri Tôn) để bái sư xin học thuốc.
Với bài thuốc nam bí truyền chuyên đặc trị các loại độc của rắn trong tay sư Châu Sôm trở về quê nhà với một tinh thần vô cùng hứng khởi.
Cho đến nay, bài thuốc ấy đều được các môn nhân của sư Châu Sôm tin dùng. Các thành phần trong bài thuốc gồm: thuốc xỉa ăn trầu, trái trút, phèn chua và củ môn rừng.
Sau đó, đem tất cả cho vào cối giã nhuyễn cho thêm tý rượu và đắp lên vết thương.
Nhưng ở vùng đất này, việc phòng tránh rắn cắn, xua đuổi rắn ra xa khu vực dân cư còn là một công việc vô cùng khó khăn cho người dân.
Một câu hỏi luôn nung nấu trong đầu của vị tổ sư chùa Phnom Pi Lơ là phải tìm ra phương pháp nào đó đuổi rắn đi. Tìm thứ gì đó có thể được coi là khắc tinh của loài rắn.
Gặp gỡ với chúng tôi là sư Kim Tok (73 tuổi) là một trong những người đầu tiên phát hiện ra cây Pti puok- sau này được người trong vùng gọi là “ngải” rắn.
Sư Tok kể, trong một lần đi lên rừng hái thuốc, ông và sư Châu Sôm phát hiện một loại cây rất kỳ lạ mọc rất nhiều trên rừng.
Điều đặc biệt là loại các cây này mọc thành bụi, thành đám lớn um tùm, rậm rạp nhưng thay vì bên trong có ổ rắn ẩn nấp thì khi các sư lại gần không hề thấy bóng dáng con rắn nào.
“Đang thắc mắc, muốn đem về làng hỏi người dân về loại cây kỳ lạ này.
Sư ông liền nhổ một cây, ngay tại đó sư đập dập cây vắt nước để tìm hiểu thì ngửi thấy một mùi hương lạ thoát ra từ nước cây, những con rắn xung quanh thì bắt đầu bò lơ lơ, loạng choạng có con thì gục hẳn.
Vui mừng quá, cả đám người chạy một mạch về tìm gặp các lão làng để rõ ngọn ngành câu chuyện. Rồi từ đó, các vị cao niên trong làng bảo nhau rằng đó chính là khắc tinh của loài rắn”, sư Kim Tok chia sẻ.
Được các bậc bô lão trong làng chỉ điểm, sư ông bắt đầu cho đệ tử lên rừng đem những cây “khắc tinh” của rắn về chùa để tiến hành trồng và thử nghiệm.
Để không làm hại đến tính mạng của bệnh nhân, chính sư Châu Sôm là bệnh nhân bất đắc dĩ đầu tiên để thử “ngải rắn”.
Vì người dân, sư ông có thể làm tất cả. Miễn sao thấy người dân sống trong êm ấm, hạnh phúc.
Ngày ấy, ông đem thân mình ra để cho rắn cắn. Sau đó dùng “ngải rắn” chữa độc, rồi một thân một mình tay không vào núi dùng nước cây “ngải” để xua đuổi rắn.
Đức Phật không phụ lòng người trong những lần thử nghiệm, cây “ngải” rắn luôn tỏ ra hiệu nghiệm giúp ông vượt qua cơn nguy kịch.
Hàng trăm người dân được cứu sống từ tay tử thần
Đến nay, dù y học rất phát triển nhưng có thể nói phương pháp chữa bệnh bằng “ngải” của các vị sư chùa Phnom Pi Lơ vẫn đạt tỷ lệ thành công rất cao.
Hằng năm, tại chùa có hàng trăm người bị rắn cắn được đưa đến và đều khỏi hẳn khi ra về.
Chỉ tính những tháng mùa mưa, sư Kim Sa đã cứu sống gần 70 người bị rắn độc cắn trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong đó có rất nhiều loại nọc rắn cực độc như cạp nong, hổ mang chúa, lục đuôi đỏ...
Đặc biệt, là mọi chi phí chữa bệnh điều miễn phí hoàn toàn. Hơn nữa trước khi ra về, phía nhà chùa cũng không quên tặng một phần “ngải” rắn cho người dân đem về nhà sử dụng.
Ở miền Tây, những tháng mùa mưa các loài rắn bắt đầu sinh sôi, hung tợn hơn rất nhiều, hầu như chúng có mặt khắp mọi nơi tìm thức ăn. Vì người dân không để ý, hay vì rủi mà bị rắn cắn rất nhiều.
Trường hợp mới cách đây 3 ngày, chị Trần Thị Thúy Vy (39 tuổi, quê Châu Đốc, An Giang) bị rắn hổ chúa cắn khi đi hái rau trên núi.
“Gia đình đã đưa chị đến bệnh viện nhưng vì nọc độc quá nặng nên nạn nhân đã rơi vào tình trạng nguy kịch.
Các bác sĩ ở bệnh viện đã hướng dẫn gia đình chuyển xuống chùa để dùng “ngải” chữa trị. Khi tới chùa, mặt chị Vy đã biến sắc tím tái, vết thương sưng to, hơi thở đứt quãng.
Nhưng sau 20 phút lấy nọc và dùng ngải thổi thì nạn nhân đã tỉnh dậy và có thể đi lại tự nhiên”, sư Kim Huol kể lại.
Đa số những trường hợp bị rắn cắn có thể nhanh chóng chuyển đến trạng thái nguy hiểm, do nhiều người không biết cách sơ cứu, hoặc chủ quan.
Là người từng được sư Kim Sa cướp mạng sống về từ tay của tử thần, anh Trần Văn Hải (47 tuổi, ngụ ấp An Thuận, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, An Giang) chia sẻ: "Hôm đó, trời đã tối khuya nên tôi mở cửa ra ngoài để đi vệ sinh.
Nhưng không ngờ, khi đi lại giẫm phải một con rắn nên bị nó cắn. Ban đầu cứ tưởng con gì cắn chứ không nghĩ là rắn cắn nên tôi vẫn ung dung đi vào nhà như chưa hề có chuyện gì xảy ra"
Nào ngờ trong vòng 30 phút, ông bắt đầu nôn mửa, chân sưng to và đau nhức dữ dội. May mắn là nhà chỉ cách chùa 3 km nên ông nhanh chóng được người nhà đưa đến chùa để sư cứu giúp.
"Các sư ấy nói, chỉ cần chậm thêm ít phút nữa thì tôi đã chết rồi", ông Hải nói.
“Ngải” rắn bây giờ không còn gì là xa lạ với người dân địa phương. Tiếng lành đồn xa hiện tại không người dân trong nước mà cả bên phía bên kia biên giới như Campchia, Lào cũng nhiều lần cắt cử người sang xin học.
Điều đặc biệt, chỉ có những vị sư tu ở chùa Phnom Pi Lơ mới có thể tiếp thu tinh hoa về ngải rắn hoàn thiện nhất.
“Các chùa phía bên Campuchia, Lào đều cho người sang để học phương pháp ngải. Các phật tử nếu có nhu cầu chúng tôi điều sẵn sàng truyền dạy lại toàn bộ cách sử dụng ngải.
Nhưng tất cả dường như có sắp đặt chỉ có những sư ở đây mới có khả năng sử dụng ngải”, một sư chia sẻ.
Hiện, ở chùa Phnom Pi Lơ có 7 vị sư có khả năng dùng ngải để chữa nọc độc rắn bao gồm cả sư Châu Kim Sa.
Theo đó, cả 7 người điều có một biệt tài riêng biệt khi dùng ngải rắn nhưng tất cả đều đề cao tính mạng của người bệnh.
Ví dụ như Kim Sa thì có khả năng rắc ngải, Kim Huol thì lại dùng ngải với thuốc nam để tẩy nọc, Châu Tal thì có khả năng dùng ngải thổi độc…
Nói về phương pháp dùng ngải các sư trong chùa cũng không giấu giếm mà trình bày. Người bệnh đưa vào chùa sẽ được các sư bắt mạch, tìm hiểu nọc độc.
Sau đó, đến giai đoạn quan trọng nhất là thổi nọc ra ngoài. Nếu tình hình nghiêm trọng thì sẽ dùng tới ngải. Ngải rắn, vắt ra nước rồi đắp lên vết thương.