Từ chối vận chuyển người khuyết tật: Vietjet đã vi phạm pháp luật

Hoàng Đan - Đỗ Tính |

Theo Luật sư Cường, việc Vietjet không bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên trợ giúp hành khách là người khuyết tật mà từ chối vận chuyển là đã vi phạm pháp luật.

Vi phạm pháp luật

Vào chiều 2/4, khi vừa ra làm thủ tục bay từ Đà Nẵng trở ra Hà Nội, chị Nguyễn Thảo Vân, một người khuyết tật nặng đã bị hãng hàng không Vietjet từ chối vận chuyển.

Trước đó, chị đã đặt vé khứ hồi Hà Nội - Đà Nẵng và được hãng này vận chuyển chiều vào từ Hà Nội.

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng VP Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay, theo Luật người khuyết tật, khi sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, người khuyết tật được ưu tiên mua vé, được giúp đỡ, sắp xếp chỗ ngồi thuận tiện.

Đặc biệt, với các hãng hàng không, hành khách là người khuyết tật phải được quan tâm chăm sóc trong quá trình vận chuyển (Đ. 145 kh. 2 Luật Hàng không dân dụng năm 2006).

Tuy nhiên, tại khoản 7.3 trong Điều lệ, Vietjet có quy định hành khách bị hạn chế khả năng di chuyển/ Hỗ trợ đặc biệt:

"Vì lý do an toàn, Vietjet chỉ có thể chuyên chở trên một chuyến bay tối đa 5 hành khách bị hạn chế khả năng di chuyển.

Yêu cầu dịch vụ xe lăn trong sân bay (Ramp) và dịch vụ xe nâng (dành cho khách không thể tự lên xuống cầu thang máy bay). Trong các trường hợp nhất định, có thể yêu cầu hành khách đó phải có người đi kèm.

Hành khách có yêu cầu hỗ trợ đặc biệt hoặc hành khách bị bệnh, bao gồm cả những người cần thiết bị theo dõi hoặc trợ giúp y tế trên máy bay.

Cần phải thông báo cho chúng tôi ít nhất 48 giờ trước giờ khởi hành dự kiến để chúng tôi sắp xếp trước loại thiết bị hỗ trợ đặc biệt theo yêu cầu.

Việc không thông báo cho chúng tôi sẽ có hệ quả là không có thiết bị khi Quý khách đến sân bay và Quý khách sẽ bị từ chối vận chuyển.

Vì lý do sức khỏe và an toàn, hành khách có yêu cầu đặc biệt phải làm thủ tục đăng ký chuyến bay tại sân bay.”

Theo Khoản 2, Điều 14, Chương III của Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người khuyết tật quy định:

Đơn vị tham gia vận tải công cộng có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên để trợ giúp hành khách là người khuyết tật lên, xuống phương tiện giao thông thuận tiện.

Phương án trợ giúp phải được thông báo tại các nhà ga, bến đón, trả hành khách tại những nơi dễ thấy.

Chị Nguyễn Thảo Vân, hành khách khuyết tật bị Vietjet Air từ chối vận chuyển.
Chị Nguyễn Thảo Vân, hành khách khuyết tật bị Vietjet Air từ chối vận chuyển.

Thông tư số 26/2009/TT-BGTVT ngày 28/10/2009 của Bộ Giao thông vận tải (Thông tư 26) quy định về việc vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung.

Các Điều 5, 8 Chương III của Thông tư quy định việc đăng ký điều lệ vận chuyển, nghĩa vụ của hãng hàng không Việt Nam trong trường hợp chậm chuyến, huỷ chuyến, gián đoạn, không chấp nhận vận chuyển và vận chuyển hành khách đặc biệt.

Do đó các hãng hàng không và các đơn vị tham gia vận tải công cộng phải có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên trợ giúp hành khách là người khuyết tật.

"Như vậy, giữa quy định về việc vận chuyển hành khách là người khuyết tật trong các văn bản pháp luật và Điều lệ của Vietjet có sự khác nhau.

Pháp luật yêu cầu các hãng hàng không phải có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên trợ giúp hành khách là người khuyết tật.

Tuy nhiên, trong Điều lệ Vietjet lại không có trách nhiệm bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên trợ giúp hành khách là người khuyết tật nếu như họ không thông báo trước mà sẽ từ chối vận chuyển.

Vậy việc Vietjet không bố trí thiết bị, công cụ và nhân viên trợ giúp hành khách là người khuyết tật mà từ chối vận chuyển là đã vi phạm pháp luật.

Kèm theo thái độ ứng xử của nhân viên Vietjet khi đưa ra lý do vì chị là người tàn tật nặng nên theo quy định của hãng có quyền từ chối vận chuyển là thiếu tôn trọng chị Vân.

Do đó, Vietjet đã vi phạm một trong những hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 1 Điều 14 Luật người khuyết tật là phân biệt đối xử với người khuyết tật", Luật sư Cường nhấn mạnh.

Phạt hai nhân viên VietJet, mỗi người 5 triệu đồng

Liên quan đến việc từ chối vận chuyển chị Vân, chiều 3/4, Cục Hàng không Việt Nam cho biết đã chỉ đạo Cảng vụ Hàng không miền Trung xử phạt hai nhân viên của Vietjet.

Hai nhân viên của Vietjet là Lê Vũ Nhiệm và Lê Nguyễn Minh Tuyết từ chối làm thủ tục cho hành khách là vi phạm Thông tư 36 của Bộ Giao thông vận tải quy định chất lượng dịch vụ hành khách tại Cảng Hàng không sân bay.

Và vi phạm Thông tư 39 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kết cấu hạ tầng giao thông, công cụ hỗ trợ và chính sách ưu tiên người khuyết tật tham gia giao thông công cộng.

Hai nhân viên cũng vi phạm Thông báo của Vietjet về việc ban hành chính sách phục vụ hành khách cần hỗ trợ xe lăn, cụ thể là hai nhân viên trên chưa căn cứ vào đối tượng hành khách và tình hình thực tế tại sân bay đã từ chối vận chuyển.

Theo điểm a, khoản 3, điều 15 của Nghị định 147 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Và áp dụng tình tiết tăng nặng tại điểm m, khoản 1, điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính do vi phạm đối với người khuyết tật, mức phạt tối đa đối với mỗi nhân viên là 5 triệu đồng.

CAA chỉ đạo công ty cổ phần Vietjet tiếp tục xử lý nghiêm đối với Trưởng đại diện và Phó trưởng đại diện của Hãng tại Cảng Hàng không Quốc tế Đà Nẵng. Công khai xin lỗi hành khách Nguyễn Thị Vân.

Nghiêm túc triển khai, quán triệt tới toàn thể cán bộ, công nhân viên của Hãng trong việc thực hiện văn hóa ứng xử với hành khách sử dụng dịch vụ theo phương châm 4 xin, 4 luôn của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại