Hãi hùng thời đâm chém chỉ để… “lấy số”
Trong chuyến du xuân đầu năm tại lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), chúng tôi ghé vào quầy thư pháp của một “ông đồ” khá trẻ để xin chữ. Trong trang phục truyền thống, “ông đồ” này viết chữ rất đẹp và được nhiều du khách chú ý.
Cuộc trò chuyện khiến chúng tôi bất ngờ bởi “ông đồ” trước mắt lại chính là Ngọc “sát thủ” – một cái tên khét tiếng trong giới giang hồ Quảng Ninh vào khoảng cuối thập niên 90 thế kỷ trước.
Ngọc “sát thủ” tên thật là Đàm Quang Ngọc (sinh năm 1978), quê ở phường Tân An, thị xã Quảng Yên. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình gia giáo, ông nội vốn là nhà Nho, từ nhỏ Ngọc đã được dạy Tam tự kinh, nghe giảng Kiều, bói Lục...
Nhưng Ngọc không theo nghiệp chữ nghĩa mà cuộc đời lại rẽ theo một hướng khác. Học hết cấp ba, thi đại học không đỗ, Ngọc tìm cách vượt biên sang Hồng Kông vì nghe nói bên đó dễ kiếm tiền.
Cuộc sống nơi đất khách đầy những cạm bẫy đã đưa Ngọc vào con đường giang hồ tứ chiếng. Sau những lần gây gổ, đánh nhau, Ngọc “sát thủ” tiếp tục lao vào con đường giang hồ với những trận đâm chém kinh hoàng để “lấy số”.
Với bản tính giang hồ, Ngọc “sát thủ” gây dựng cánh đàn em bảo kê khu người Việt. Tuổi đời lẫn “tuổi nghề” khi ấy còn “non choẹt”, song nhờ biết cách đãi ngộ đàn em, lại có độc chiêu dùng “đệ” toàn đám choai choai, vô công rồi nghề…
Ngọc nhanh chóng có đám tay sai đông đảo.
Nghe danh, nhiều nhóm giang hồ bản địa đã tìm đến Ngọc “sát thủ” để “tính sổ”. Cùng độ liều lĩnh, manh động, Ngọc “sát thủ” đã liều mình trong nhiều cuộc thanh toán đẫm máu.
Về sau, khi bè cánh bị “chặt đứt” dần, Ngọc phải chạy dạt khắp đất Hồng Kông để bảo toàn mạng sống.
Cho đến bây giờ nhớ lại, anh vẫn không khỏi rùng mình. Ngày đó, tiền kiếm được không là bao, Ngọc luôn phải sống cảnh đói ăn, thiếu mặc.
Hơn thế, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị trả thù, bị bắt, bị bỏ tù, bị tống về nước. Cuộc đời trùm giang hồ khét tiếng một thuở Đàm Quang Ngọc, có những lúc tưởng như đã bỏ đi.
Ngọc “sát thủ” chia sẻ, cuộc đời có lẽ sẽ cứ chìm sâu mãi tròng vòng xoáy lỗi lầm như thế nếu như không có những biến cố thăng trầm xảy ra trong cuộc sống gia đình.
Giữa năm 2004, nghe tin bố mẹ đau bệnh, ốm yếu, Ngọc mới nhận ra những tình cảm lớn lao trong cuộc sống. Rũ bỏ tất cả hư danh giang hồ, anh tìm đường trở về nhà…
Cô hàng xóm khiến trái tim kẻ giang hồ “loạn nhịp”
Đầu xuân, khách đến xin chữ đông nên chị Mưa đưa cả con nhỏ đến Yên Tử phụ việc cho chồng.
Cuộc sống sau ngày về cố hương với Ngọc “sát thủ” không hề dễ dàng. Với hai bàn tay trắng, Ngọc bắt đầu làm lại cuộc đời bằng việc vẽ thuê. Thời gian đó, Ngọc tranh thủ ôn thi tiếp vào Trường Mỹ thuật Yết Kiêu.
Nhưng máu yêng hùng xưa thi thoảng vẫn trỗi dậy. Trong một cuộc xô xát với nhóm giang hồ, bàn tay Ngọc đã không còn nguyên vẹn. Khi đó anh mới chua chát nghĩ về tương lai phía trước.
Bước ngoặt cuộc đời khi anh bén duyên cùng chị Lê Thị Mưa, là con gái Quảng Ninh, kém chồng gần chục tuổi.
Ngày anh rời quê ra đi chị hãy còn là cô bé con, mấy năm sau anh trở về thấy cô em hàng xóm đã trở thành một cô gái duyên dáng, nết na và hiền lành.
Ưng cô hàng xóm vì cái nết, mặt khác trong lòng cũng mong muốn có một người vợ hiền đảm để những khi anh “nóng” còn có người “lạnh” bù trừ cho nhau thì trong nhà mới êm ấm được.
Về phần chị Mưa, chị ấn tượng vì cái “ngây ngô, không biết tán gái” của anh. Mỗi lần đến nhà, sau mấy câu chào hỏi song thân, anh chỉ ngồi im như thóc mà không biết nói gì.
Thấy kì kì, hay hay, cho dù lời tiếng về quá khứ giang hồ của anh cũng khiến chị có phần e sợ, nhưng càng tiếp xúc, càng thấy anh thật mạnh mẽ, là người chị an tâm để trao gửi cuộc đời mình.
Lấy nhau xong, anh đưa chị lên Bát Tràng (Hà Nội) để mưu sinh. Trong túi anh lúc bấy giờ thậm chí không có đủ tiền để mua một con gà, làm một bữa cơm thết đãi bạn bè.
Vợ anh, trước giờ chỉ biết trường lớp, bếp núc, chợ búa, đến lúc đi làm thuê cho người ở làng nghề thì không khỏi ngỡ ngàng.
Được chồng dạy cho những kĩ thuật căn bản, chị cũng xách bút đi vẽ thuê. Vốn không quen việc nên khi đi vẽ không được như ý gia chủ, thỉnh thoảng lời qua tiếng lại, đêm về chị tủi thân úp mặt vào vai chồng mà khóc.
Thương vợ, anh quyết định tách ra làm riêng vì dù sao làm cho mình thì cũng thoải mái hơn. Khó khăn những ngày ban đầu không sao kể hết.
Ở giữa một làng nghề nức tiếng lâu năm, nhà nào cũng phải có bí kíp riêng của mình để giữ vững thương hiệu gia truyền.
Hàng xóm có thể cùng nhau “trà dư tửu hậu”, “tắt lửa tối đèn có nhau” nhưng cái bí kíp thì không thể nào san sẻ, huống gì anh lại là dân ngụ cư.
Có cái lò nung be bé mà hai vợ chồng đã phải chạy vạy khắp nơi mới có đủ tiền dựng. Nhiều lúc xuất lò, sản phẩm không như mong đợi, đổ vỡ, nứt, mẻ, màu sắc không như ý, khiến có lần anh chán nản muốn buông xuôi.
Mỗi lần sản phẩm ra lò hỏng là một lần thêm nợ, công anh đi làm thuê không bù lại được. Có những lúc bế tắc, hai vợ chồng chỉ biết nhìn nhau lo lắng rồi lại tiếp tục động viên nhau.
Giữa lúc ấy, cô con gái nhỏ ra đời, khó khăn lại tiếp tục dội lên vai hai vợ chồng. Anh không đi làm thuê nữa mà chỉ ở nhà chăm vợ con và vẽ tranh gốm cho riêng mình.
Quyết định này có vẻ liều lĩnh nhưng hóa ra lại đúng đắn và mở ra những thuận lợi. Những bức tranh gốm do anh vẽ ngày càng đẹp và bắt mắt hơn.
Những ngày tháng khó khăn nhất của hai vợ chồng cũng dần qua, khách quen ngày càng nhiều, những người khách ái mộ tài hoa và sự niềm nở của gia đình anh cũng giới thiệu thêm những khách hàng mới.
Một đồn hai, hai đồn ba, cứ thế những bức tranh gốm của anh ngày càng đi xa.
Chia sẻ nỗi lòng qua trang giấy
Trải qua bao thăng trầm cuộc đời, giờ đây gã giang hồ xưa đã thành danh nhờ nghề viết thư pháp.
Ngồi kể chuyện xưa, anh cười chua chát: “Nếu không có cái nghề vẽ tranh viết chữ, có lẽ giờ tôi vẫn còn đang dật dờ ở đâu đó. Mấy năm trước về làng, có người còn không nhận ra, họ tưởng tôi đã chết bờ chết bụi ở đâu rồi”.
Có trong tay chút vốn liếng, vợ chồng anh khăn gói về quê mưu sinh. Nơi anh tìm đến là núi Yên Tử - mảnh đất được mệnh danh “đất tổ của Phật giáo Việt Nam”.
Anh Ngọc kể rằng, từ nhỏ mình đã có căn cơ với Yên Tử. Có thể vì thế mà sau bao nhiêu năm phiêu bạt xứ người anh vẫn an toàn trở về được.
May mắn, anh được Ban Quản lý di tích & rừng Quốc gia Yên Tử sắp xếp cho một vị trí ngồi viết thư pháp ở lối lên chùa Giải Oan trong khuôn viên lễ hội.
Thời gian đầu anh gặp khó khăn bởi khách ít, lại chật vật với khoản kinh phí mua bút mực. Nhưng anh không nản bởi anh coi thư pháp như một người bạn luôn gắn liền với tâm hồn.
Khi đọc những câu thơ đúng với tâm ý, anh liền cầm bút để thổi hồn và chia sẻ nỗi lòng mình trên từng trang giấy.
Vẽ đẹp nhất nhì trong nhóm “ông đồ” nơi đây, lại thêm tính tình phóng khoáng, mau miệng hay cười nên anh Ngọc được nhiều du khách quý mến.
Lượng khách ngày càng đông, chị Mưa, vợ anh dù mới sinh thêm con gái thứ hai cuối năm 2013 vẫn quyết tâm theo chồng lên núi Yên Tử để phụ giúp chồng viết chữ.
Có gian nan, thử thách, con người mới có thêm động lực để tiếp tục cháy với đam mê của mình. Giờ đây, cuộc sống hai vợ chồng anh Ngọc đã đi vào ổn định, kinh tế cũng được xếp vào dạng khá giả trong làng.
Điều đặc biệt là cả hai cô con gái của anh đều thích thú xem bố viết chữ.
Tất nhiên, anh và vợ đều rất vui về điều đó. Anh bảo sau này các con lớn lên, anh sẽ truyền dạy cách viết chữ với những gam màu đầy cảm xúc để truyền tải nghệ thuật thư pháp Việt nói riêng và nét đẹp dân dã của giá trị truyền thống Việt Nam nói chung…
Không xin – cho chữ tùy tiện
“Ngoài việc bán những xấp giấy viết sẵn chữ Tâm, Nhẫn, Phúc, Lộc... ai muốn chữ nào thì tiền trao - chữ nấy, thì việc tư vấn cho khách chọn chữ rất quan trọng. Tùy lứa tuổi, thành phần xã hội, già hay trẻ, gái hay trai mà cho chữ phù hợp.
Người cho chữ cũng không được ngẫu hứng, mà phải suy xét kỹ chữ nghĩa mình định cho để tránh sai phạm ngoài chủ định.
Xin chữ tùy quan điểm, mong ước về những giá trị của cuộc sống, nhưng dù xin chữ gì, điều đầu tiên mỗi người phải tự hiểu mình và cố gắng vì điều mình mơ ước”, Đàm Quang Ngọc tâm sự.