"Mắc nợ" vấn đề Biển Đông
Chia sẻ với chúng tôi, đại biểu Nguyễn Anh Sơn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định, người có nhiều phát ngôn mạnh mẽ về Biển Đông cho biết, do hết tuổi nên nhiệm kỳ khóa XIV ông sẽ không tiếp tục tham gia ứng cử.
Ông Sơn cho hay, dù chỉ làm ĐBQH một nhiệm kỳ nhưng khi chuẩn bị rời khỏi đây, ông vẫn còn rất nhiều trăn trở, "mắc nợ" với cử tri, nhân dân.
Vấn đề trăn trở nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay là thái độ của Quốc hội đối với việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và ông thấy mình chưa đáp ứng được kỳ vọng của cử tri về nhiệm vụ thiêng liêng này.
"Tôi hiểu rằng đây là vấn đề cử tri, nhân dân đòi hỏi rất cao đối với chúng tôi, những đại biểu Quốc hội được bầu ra để đại diện cho họ lo việc nước.
Nhưng cho đến thời điểm này, Quốc hội vẫn chưa có văn bản chính thức nào tỏ rõ thái độ mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền Biển Đông, có chăng chỉ là thể hiện trong các diễn văn khai mạc, bế mạc kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội và phát biểu riêng rẽ của từng đại biểu.
Gần đây Trung Quốc họp Quốc hội, họ đã dành thời gian bàn về biển đảo, trong đó có nhiều phát ngôn của các nhân vật cao cấp tỏ rõ bản chất hăm dọa chúng ta.
Nhiệm kỳ vừa qua, chúng tôi là những đại biểu ngồi họp trong phòng Diên Hồng, cái tên gắn với sự kiện lịch sử nói lên hào khí của cha ông ta chống giặc ngoại xâm.
Nay, một phần máu thịt của Tổ quốc vẫn đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp. Sự day dứt, trăn trở của mỗi ĐBQH phải biến thành hành động của Quốc hội, nếu không thì chúng ta sẽ có lỗi với cha ông và mắc nợ con cháu sau này", ông Sơn nhấn mạnh.
Là ĐBQH phải đủ sức khỏe
Về việc trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tới, có rất nhiều các văn nghệ sỹ tham gia ứng cử, ông Sơn đã bày tỏ sự đồng tình và ủng hộ chuyện nhiều người thuộc nhiều thành phần, nhiều giới khác nhau tham gia tự ứng cử.
"Điều này chứng tỏ họ thực sự quan tâm tới hoạt động của Quốc hội, họ đã tìm hiểu nên muốn tham gia và đóng góp cho Quốc hội.
Hoạt động của Quốc hội hiện rất bình đẳng và sôi nổi, từ những ĐBQH là giáo viên, bác sĩ... cho tới những vị lãnh đạo cấp cao, đều trao đổi với nhau rất thẳng thắn trên cương vị là ĐBQH đại diện cho cử tri, không hề có sự phân biệt", ông Sơn nêu.
Đánh giá cao người tự ứng cử, nhưng ông Sơn cũng chia sẻ thật là khi nhìn vào danh sách 47 người tự ứng cử ở Hà Nội và 40 người tại TP.Hồ Chí Minh, có những trường hợp ông thấy rất đáng suy nghĩ.
"Có những người hiện đang ngồi ở hội trường Quốc hội với tư cách ĐBQH và kỳ tới vẫn tiếp tục tái ứng cử. Tôi phì cười khi nhìn vào danh sách ĐBQH khóa XIII tự ứng cử và nghĩ, không hiểu vì sao những người này lại tự ứng cử lần 2.
Vào Quốc hội không phải là cuộc dạo chơi, không phải là nơi để họ PR hình ảnh, lấy danh tiếng ... Ai nghĩ vào Quốc hội tìm danh tiếng, tìm quyền lợi này kia sẽ thất bại và bị bật ra ngay.
Thực tế đã chứng minh, những người vào Quốc hội với mục đích “lobby” (vận động hành lang - PV) bản thân đã “lộ” ra ngay", ông Sơn nhận định.
Tuy chỉ làm ĐBQH một khoá (5 năm) nhưng ông Sơn cho hay, ông có điều kiện quan sát và theo ông, làm ĐBQH anh phải có đủ sức khoẻ, năng lực trí tuệ...
"Nếu không đủ sức khoẻ cả về thể chất, tinh thần thì làm sao tham gia được? Đặc biệt với những người là ĐBQH nhưng để lại ấn tượng không mấy tốt đẹp ở khoá trước, khoá sau vẫn tái cử, thì phải nghiêm túc cân nhắc", ông Sơn nhấn mạnh.