“Tôi lấy đầu mình để khẳng định đó không phải cây vàng tâm”

Thiên Di |

Ông Lê Huy Cường (Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp) dám lấy đầu ra để khẳng định 100% cây trên đường Nguyễn Chí Thanh không phải vàng tâm.

100% không phải cây vàng tâm

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có văn bản chính thức trả lời 21 câu hỏi của các phóng viên đưa ra tại cuộc họp báo trước đó liên quan đến vấn đề chặt cây.

Văn bản này khẳng định, cây được trồng thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh là vàng tâm - loại cây có giá trị, nằm trong sách đỏ, cần phải bảo tồn và phát triển.

Trao đổi nhanh với chúng tôi, chuyên gia lâm nghiệp Lê Huy Cường (Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp) tái khẳng định: “Tôi xin nói lại với báo chí rằng, tôi có đủ bằng chứng về hình ảnh của hoa, thân, lá của cây vàng tâm.

Chuyện đó là không thể chối cãi được. Kể cả những cây trồng mới trong đêm vẫn là cây mỡ thôi!”.

Cây được cho là vàng tâm trồng dọc đường Nguyễn Chí Thanh gây tranh cãi. (ảnh Dân Việt)

Cây mới thay thế lần hai trên đường Nguyễn Chí Thanh. (Ảnh: Dân Việt)

Trước lời khẳng định của Sở Xây dựng về “danh tính” của cây này, ông Cường nói thêm, những người nghiên cứu lâm nghiệp lâu năm chắc chắn nhìn cây là biết được mỡ hay vàng tâm.

Hơn nữa, trong buổi tọa đàm vài ngày trước tổ chức ở Hà Nội, các nhà khoa học cũng đã đưa ra bằng chứng, kết luận của mình cho báo chí đó là cây mỡ.

Hình ảnh hoa cây mỡ. Ảnh do ông Cường cung cấp.
Hình ảnh hoa cây mỡ. Ảnh do ông Cường cung cấp.

Mặt khác, những người nghiên cứu ở Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, chuyên gia về giống cây như GS. TS Lê Đình Khả cũng khẳng định từ xưa đến nay, cả Viện chưa bao giờ nghiên cứu để gieo trồng giống vàng tâm.

“Vậy thì tôi hỏi lấy đâu ra giống cây vàng tâm mà trồng bây giờ? Lấy đâu ra cả trăm cây mà trồng thay thế các tuyến phố Hà Nội như vậy?

Đánh trên rừng à? Rừng bây giờ hầu như không còn cây này, cả đời tôi đi rừng, nghiên cứu và trồng rừng nhưng chưa bao giờ thấy cây vàng tâm to như cây trồng ở đường Nguyễn Chí Thanh.

Tôi chẳng phải đánh cược. Tôi là người trồng rừng, nghiên cứu bao nhiêu năm và tôi lấy cái đầu của mình ra để bảo lãnh cho chuyện này. Tôi khẳng định 100% đó là cây mỡ”, ông Cường nhấn mạnh.

nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giống và Công nghệ sinh học lâm nghiệp
GS.TS Lê Đình Khả
Tôi chắc chắn một điều những cây đang trồng ở Hà Nội là cây mỡ. Để có cây giống vàng tâm thật sự, với số lượng lớn như đang trồng ở Hà Nội thì chắc chắn không thể có.

Những ngày vừa qua, ông Cường cũng là một trong những người cất công đến đường Nguyễn Chí Thanh – tuyến đường trồng cây được cho là vàng tâm để thu thập bằng chứng.

“Tôi để cho các nhà khoa học lên tiếng. Tôi vẫn giữ quan điểm của mình. Thử hỏi, nếu Sở Xây dựng khẳng định đó là vàng tâm, vậy có thể đọc tên khoa học của nó không và chỉ cho chúng tôi chỗ đánh cây trồng?”, ông Cường quả quyết.

"Tôi không tin có một cây vàng tâm xanh tươi ở Hà Nội”

Còn thông tin hiện nay có một số cây vàng tâm đã được trồng xanh tốt trên đường phố Hà Nội, chuyên gia lâm nghiệp này khẳng định: “Tôi không tin có một cây vàng tâm xanh tươi ở Hà Nội”.

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sỹ Đặng Văn Hà, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và nội thất, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lâm nghiệp đô thị (ĐH Lâm nghiệp) cũng lắc đầu không nghĩ cây vàng tâm đã được trồng xanh tươi ở Hà Nội.

Ông dẫn chứng: “Cây vàng tâm là gỗ quý hiếm trong sách đỏ cần được bảo tồn, chỉ có trong tự nhiên và ở một số vùng cao có khí hậu mát.

Rất khó để đánh cây này trên rừng về được, hơn nữa cũng chẳng trồng được vì đây là loại cây lâu năm.

Nếu ai nói ở Hà Nội có cây vàng tâm xanh tốt thì chỉ tôi, tôi sẽ xuống để xem. Tôi rất tò mò vì chưa bao giờ tôi thấy cây đó ở thành phố.

Môi trường sống ở Hà Nội rất khó để cây vàng tâm phát triển đặc biệt là vào mùa hè nhiệt độ rất cao”.

Tán của một cây mỡ trồng từ năm 2009 ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc (ảnh Dân Việt).

Tán của một cây mỡ trồng từ năm 2009 ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Ảnh: Dân Việt).

Về phát ngôn của Sở Xây dựng khẳng định cây được trồng thay thế trên đường Nguyễn Chí Thanh là vàng tâm, ông cho biết nhiều người đã từng tiếp xúc với cây này rồi là có thể biết được.

“Bản thân các nhà khoa học đầu ngành chuyên nghiên cứu về họ cây này cũng đã khẳng định trên báo và tôi nghĩ họ nói không sai.

Quan điểm của thành phố thì tôi không bình luận thêm, sẽ chờ kết quả của hội đồng các nhà khoa học đến “giám định””, TS Hà chia sẻ.

 
TS Đặng Văn Hà - ĐH Lâm Nghiệp
Dù cây thay thế là vàng tâm hay mỡ đều không phù hợp làm cây đô thị ở Hà Nội. Cây mỡ dễ trồng, sinh trưởng nhanh hơn vàng tâm, nhưng tán thưa, tạo bóng mát kém. Cây mỡ thích hợp với đất feralit đỏ vàng, không khí ẩm, thường trồng ở Phú Thọ, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái và một số tỉnh miền Trung.

Câu trả lời của Sở Xây dựng về “danh tính” cây trồng trên đường Nguyễn Chí Thanh:

Phóng viên Báo Người đưa tin: Nhiều chuyên gia nói cây được chọn thay thế đường Nguyễn Chí Thanh có vòng đời sinh trưởng lâu, tán cây không rộng, liệu chọn có hợp lý không?

Tuyến đường Nguyễn Chí Thanh được trồng bằng cây vàng tâm, đây là cây có giá trị, nằm trong sách đỏ, cần phải bảo tồn và phát triển.

Cây cao trung bình 25 - 30 m, đường kính thân cây 70 - 80 cm. Vỏ cây có màu xám trắng, thịt vàng nhạt, dày khoảng 1 cm. Cành non, lá non có lông tơ màu nâu.

Lá chất da, dày, hình mác bầu dục dài, dày 5 - 17cm, rộng 1,5 - 6,5 cm, đầu nhọn, gốc hình nêm, mép lá nguyên, cuống lá 1,4 cm, màu nâu đỏ. Hoa lưỡng tính, mọc đơn độc ở đầu cành.

Cuống hoa dài 1 - 2 cm, bao hoa màu trắng. Trên thực tế cây vàng tâm đã được trồng xanh tươi ở một vài nơi trên đường phố Hà Nội.

 

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại