> Mời xem bài trước: GĐ BV Phụ sản Trung ương: "Từ chối do bệnh nhân chỉ mổ dịch vụ"
"Tôi sẽ từ chối và giới thiệu cho một đồng nghiệp khác"
Liên quan tới câu chuyện của TS. Vũ Bá Quyết – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương được cho rằng “từ chối mổ bệnh nhân vì là người viết báo”, các bác sỹ trong ngành y đã lên tiếng.
Bệnh nhân trong câu chuyện này được xác minh tên Trang, có khối u ở tử cung chỉ ở dạng u xơ, nếu có tiến hành mổ cũng chỉ định mổ nội soi bóc tách u xơ. Trang hiện đang là cộng tác viên cho một tờ báo.
Trước làn sóng dư luận với nhiều ý kiến trái chiều, TS. Vũ Bá Quyết cho biết, bệnh nhân không mổ cấp cứu mà là mổ dịch vụ nên bác sỹ được quyền từ chối.
Hơn nữa, ông cũng bận rộn cả ngày với rất nhiều ca cấp cứu khác chứ không phải vì là người viết báo nên ông từ chối.
Trao đổi với chúng tôi, Thạc sỹ - Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp (Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) nêu quan điểm, một bác sỹ phẫu thuật không thể làm nhiều vì khi mệt mỏi rất dễ xảy ra sai sót.
Việc bác sĩ Quyết cảm thấy không đủ thời gian, sức khỏe hơn nữa tâm lý không đủ thoải mái thì không nên tiến hành mổ cho bệnh nhân và có quyền từ chối để chuyển ca mổ đó cho đồng nghiệp khác.
Sự từ chối đó không phải vì bác sỹ ghét bỏ bệnh nhân mà bởi họ không có thời gian để làm.
Bác sỹ Nguyễn Trung Cấp đang thăm khám bệnh cho bệnh nhân
“Bác sỹ Quyết từ chối không mổ ca đó nhưng người bệnh vẫn “ép” bác sỹ mổ cho mình là điều cực kì sai.
Phẫu thuật, mổ không phải là công việc chân tay đơn thuần mà đòi hỏi sự chính xác, tỉnh táo cao, tư duy chắc. Công tác chữa bệnh là như vậy, đặc biệt với những người phải thực hiện các khâu đòi hỏi kĩ thuật cao.
Cái gì có thể cố được chứ phẫu thuật không thể cố được. Khi bác sỹ cảm thấy không làm tốt được ca bệnh mà người bệnh vẫn "ép" họ làm thì sẽ không bao giờ đảm bảo kết quả tốt được và rất dễ dẫn tới hậu quả xấu cho cả bác sỹ và bệnh nhân.
Nếu tôi ở trường hợp của bác sỹ Quyết, tôi cũng sẽ từ chối và giới thiệu cho một đồng nghiệp khác tiếp nhận ca này" - Thạc sỹ Cấp nhấn mạnh.
Chia sẻ về câu chuyện cấp cứu, BS Cấp cho hay, trong công việc cấp cứu thường xuyên có tình trạng người bệnh có những triệu chứng hoàn toàn bình thường nhưng luôn thúc ép thầy thuốc và quan trọng hóa vấn đề, cung cấp những thông tin mang tính chất báo động giả.
Tình huống đó rất nguy hiểm bởi lẽ, đầu phiên trực làm cho bác sỹ kiệt sức thì cuối phiên trực không thể đảm bảo họ tỉnh táo được. Khi không tỉnh táo, những sai sót rất dễ xảy ra ở cuối phiên trực.
“Điều giúp cho bác sỹ đủ sức khỏe và tỉnh táo là việc giữ cho được sự an toàn của người bệnh.
Chính vì thế khi có dấu hiệu nào quan trọng, đặc biệt, điều dưỡng sẽ phát hiện và báo cáo. Từ phía người nhà bệnh nhân không nên thúc ép bác sỹ vì điều ấy có thể gây ra những phản ứng ngược cho bệnh nhân.
Thực ra, chúng tôi không quan tâm tới việc nghề nghiệp của bệnh nhân vì có những bệnh nhân nhiễm HIV, nghiện, tội phạm được công an áp giải tới… chúng tôi vẫn chữa nên không thể nghĩ là người viết báo thì chúng tôi từ chối.
Đối tượng của Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng như thế” – bác sỹ Cấp nói.
Chính vì thế, vị này cũng đặt ra câu hỏi: Tại sao lại nghĩ mình là người viết báo mà không bằng các đối tượng kia? Mình phải có tự hào nghề nghiệp của mình.
"Rõ ràng, bạn ấy quá "mặc cảm" nghề nghiệp của mình hoặc tìm cách tự mình hạ thấp mình, hạ thấp danh dự nghề nghiệp của mình" - ông nói.
Bệnh nhân đặt nặng quan điểm thành ra hiểu nhầm
Ở một khía cạnh khác, thầy thuốc ưu tú, Bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Hồng Siêm – Chủ tịch Hội Đông y TP. Hà Nội đưa ra quan điểm: “Nếu đặt nặng quan điểm lên thì vấn đề sẽ trở nên nặng nề. Còn theo tôi, bác sỹ Quyết cũng chỉ nói vô tư thôi!
Bệnh nhân yêu cầu nhờ bác sỹ Quyết mổ nhưng bác sỹ từ chối vì rất bận.
Tùy bệnh mà có thể đánh giá được người thầy thuốc đó có đạo đức, có tâm và có làm hết nhiệm vụ của mình hay không. Nhưng không thể nói mình là người làm báo mà bác sỹ không mổ cho. Theo tôi, cần xem lại cụ thể bệnh nhân đó.
Nếu cấp cứu thì bằng giá nào cũng phải tiến hành để cứu người bệnh. Còn bệnh nhân mổ có chỉ định thì có thể bình tĩnh làm và có thời gian".
Đồng thời, bác sỹ Nguyễn Hồng Siêm cũng chia sẻ về nguyên tắc của người thầy thuốc: Không phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp mà chỉ chọn người bệnh để chữa.
Điều đó có nghĩa, bệnh nhân nào nặng thì ưu tiên chữa trước. Đó là xét về mặt chuyên môn chứ không vì bệnh nhân giàu mà bác sỹ phải chữa trước.
“Có nhiều trường hợp gặp mình không giải quyết vì có nhiều bệnh nhân nặng hơn, họ lại không vừa lòng. Khi rơi vào trường hợp nhạy cảm, bệnh nhân lại đặt nặng quan điểm thành ra hiểu nhầm” – bác sỹ Siêm nhấn mạnh.
Liên quan tới sự việc này, Bộ Y tế cũng đã có công văn gửi Bệnh viện Phụ sản Trung ương yêu cầu xác minh thông tin Giám đốc bệnh viện từ chối mổ bệnh nhân.
Đồng thời Bệnh viện Phụ sản Trung ương phải có báo cáo gửi về Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế để tổng hợp báo cáo trước ngày 27/3.