GS. Võ Tòng chia sẻ: “Tư duy về nước mặn là kẻ thù không còn hợp thời nữa. Phải coi nước mặn là bạn, giúp nông dân ven biển làm giàu với tôm, cua... một cách bền vững hài hòa.
Chẳng hạn, trồng lúa trong mùa mưa và mưa dứt thì cho nước mặn vào nuôi tôm.
Trong tham luận trên Facebook dài ngoằng của mình, GS. Võ Tòng không đả động tới nước sạch cho dân cũng như những vấn đề liên quan tới cân bằng sinh thái.
Như để giảm độ mặn của thiên tai, trong những ngày gian khó, Cần Thơ đã thêm vị ngọt ngào nồi lẩu truyền thông bằng cách tổ chức một buổi tọa đàm về… cầu tình yêu.
Quan viên các cơ quan đã tranh luận gay gắt và biểu quyết xung quanh vấn đề nên chăng gắn khóa tình yêu ở cầu Cần Thơ.
Kết quả, có 41/63 phiếu đồng ý cho phép gắn khóa tình yêu để tạo điểm nhấn du lịch; 22/63 phiếu không cho phép với lý do: làm xấu cảnh quan, gây lãng phí tiền bạc, hư hỏng, quá tải cầu…
Trao đổi với Tin Cuội từ Cần Thơ, Chuyên gia Phát triển, TS Mát Thị Xa chia sẻ: Ninh Kiều là điểm đến du lịch nức tiếng cả nước.
Về định lượng, nếu tính về mật độ nhà nghỉ, khách sạn ở Ninh Kiều, Cần Thơ tự tin có thể sánh ngang các khu du lịch Quất Lâm, Đồ Sơn ở miền Bắc.
Còn về định tính, Cần Thơ tự tin có tổ hợp dịch vụ hàng đầu mà không đâu đồng bộ bằng với các dịch vụ phụ trợ như: Massage, Karaoke, Gội đầu,…
“Phương án chuyển từ lúa sang tôm của GS Võ Tòng chưa phải là phương án táo bạo nhất. Theo tôi, Cần Thơ nên mạnh dạn chuyển hẳn từ lúa sang du lịch (bỏ qua giai đoạn công nghiệp có khói).
Bà Xa cho biết, hoàn toàn đồng tình với việc gắn khóa tình yêu lên cầu. Thứ nhất, nó sẽ giúp người dân gắn khóa để quên đi đói nghèo. Thứ hai, nó cũng sẽ cung cấp thêm gói du lịch tạo ưu thế cạnh tranh riêng có của Cần Thơ.
“Ví như sẽ có combo: Massage, gội đầu, Karaoke, gắn khóa tình yêu khắc tên của các ông chồng chính chuyên với người vợ ở nhà.
Giải pháp này sẽ giúp các ông chồng vừa có ảnh selfie khoe vợ về mức độ chung tình, vừa có thể yên tâm tham gia các hoạt động giải trí ở Cần Thơ”.
Cộng tác viên của Tin Cuội sau nhiều tháng nhập vai ở bến Ninh Kiều gọi điện cập nhật tình hình thực tế: “Theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại, các dịch vụ du lịch của Cần Thơ đã phát triển tới đỉnh của đồ thị hình Sin.
Nếu không có những động thái đổi mới, nhiều khả năng, ngành công nghiệp không khói của Cần Thơ sẽ tụt dốc. Đặc biệt, tình trạng “chảy máu” nhân lực khi lao động trẻ tha phương tứ xứ.
Chưa kể, tình trạng “hàng giả” Cần Thơ, “hàng giả” miền Tây đã xuất hiện nhiều. Kết luận: Làm cầu tình yêu giữa thiên tai cũng là một cách để “cầm máu” và kích cầu du lịch.”
TS. Biết Tuốt, chuyên gia tất cả các lĩnh vực chia sẻ: Công việc của tôi là sáng sáng pha ấm trà, đọc báo, đợi phóng viên gọi điện phỏng vấn, nên tôi nhìn câu chuyện ở một bức tranh rộng hơn.
Theo ông, Cần Thơ hay Miền Tây có chuyển hẳn sang công nghiệp không khói thì vẫn gặp rất nhiều thách thức. Đơn cử là tiếng ồn. Đặc thù các hoạt động giải trí của Cần Thơ có thể gây ô nhiễm tiếng ồn cực lớn và lộn xộn…
Trong lúc bà con đang đứng ngồi không yên vì thiên tai, bên cạnh tọa đàm tình yêu, chúng ta cần mở nhiều hơn nữa các cuộc tọa đàm về: Phong thủy, cướp giật, chặt chém khách… Thậm chí cả tọa đàm khoa học về showbiz.
Bởi, chúng ta cần nhìn rộng để giải quyết rốt ráo vấn đề. Hơn nữa, có tọa đàm về những vấn đề trên, truyền thông và nhân dân cả nước mới nhớ tới Miền Tây.
Chị Chinh Nguyễn, một người Miền Tây xa xứ luôn đau đáu với quê hương chia sẻ: Một khu vực cung cấp hơn 50% lúa cho cả nước không lý gì giờ lại “cạp đất mà ăn”.
Nên, tôi nghĩ Cần Thơ chuyển sang du lịch chữa bệnh thì tốt hơn. Bởi nước nhiễm mặn, chúng ta có thể chuyển sang du lịch chữa ghẻ, hắc lào.
Nói chung, những vấn đề da liễu thì điều trị dễ. Chỉ sợ ghẻ, hắc lào nhiễm vào tư duy thì đúng là bó tay!