Tiến sỹ học thôi miên 3 ngày: "Không thể đánh giá ông Mạnh Quân"

Hoàng Đan |

Chủ tịch Tâm Việt Group Phan Quốc Việt cho biết, ông đã từng tham gia lớp học 3 ngày của chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân và thu được nhiều điều bổ ích.

Tiên phong trong lĩnh vực thôi miên ở VN

Những "lùm xùm" xung quanh câu chuyện bằng cấp cũng như năng lực của chuyên gia thôi miên, thạc sỹ Nguyễn Mạnh Quân đang gây sự chú ý của dư luận xã hội.

Để có cái nhìn khách quan hơn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi thêm với Tiến sỹ Phan Quốc Việt, Chủ tịch Tâm Việt Group, một người nổi tiếng với các lớp dạy kỹ năng mềm và là người trực tiếp học thôi miên ở lớp của ông Quân.

Ngay khi vừa nhắc đến chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân, TS Phan Quốc Việt đã cho biết ngay, ông rất trân quý ông Quân.

"Ông Quân là một chuyên gia giỏi và là nhà tiên phong trong lĩnh vực thôi miên ở Việt Nam, cá nhân tôi chưa biết người thứ hai", TS Việt chia sẻ.

Hai bằng gốc về thôi miên được chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân cung cấp cho phóng viên.

Hai "bằng" gốc về thôi miên và tâm lý được chuyên gia Nguyễn Mạnh Quân cung cấp cho phóng viên.

Theo TS Việt, khi ông Nguyễn Mạnh Quân mới về Việt Nam mở lớp dạy, ông đã được mời tham gia lớp học 3 ngày được tổ chức ở Hà Nội.

"Lúc đầu, tôi bỏ tiền ra đóng học phí để đi nghe và hoàn toàn tự nguyện để học, nhưng khi ông Quân biết tôi là một chuyên gia trong lĩnh vực đào tạo thì ông ấy mời chứ không thu tiền và tôi dự đủ 3 buổi đó", TS Việt cho hay.

Trong 3 ngày học, TS Việt cho biết, ông đã thu nhận được rất nhiều điều có ích và về mặt tâm lý đã mang lại hiệu quả thật sự.

"Tôi thấy, vấn đề quan trọng nhất trong lớp học chính niềm tin, ý chí, tinh thần và tự thôi miên, nhưng thực tế thôi miên là niềm tin thôi!

Nếu anh tin là khỏe anh sẽ khỏe, tin là tốt thì anh sẽ luyện tập theo hướng tốt còn không khi mất niềm tin sẽ mất hết. Thôi miên cũng dựa vào niềm tin.

Nhiều người tưởng rằng thôi miên nguy hiểm, sợ nhưng nếu ta không chấp nhận, không muốn thì không ai thôi miên được cả. Điều này giống như không muốn bác sỹ mổ thì không ai dám mổ cả.

Người muốn thôi miên phải rất thả lỏng, ngồi im, chấp nhận để người ta giúp, hỗ trợ thì mới làm được", TS Việt nói.

Đây được cho là tấm bằng thạc sỹ thôi miên của ông Nguyễn Mạnh Quân.
Đây được cho là tấm bằng thạc sỹ thôi miên của ông Nguyễn Mạnh Quân.
Bản dịch tấm bằng thạc sỹ thôi miên của ông Nguyễn Mạnh Quân.

Bản dịch tấm "bằng" thạc sỹ thôi miên của ông Nguyễn Mạnh Quân.

TS Việt cũng cho biết thêm, thực tế, trong lớp mà ông dự học, chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân có tiến hành thôi miên.

"Ở đây là niềm tin như ta dán thìa hay điện thoại vào người, nếu ta tin làm đươc thì sẽ làm được còn tin là rơi nó sẽ rơi.

Ông Quân là người có tài thật, có học, có nghề và làm được nhiều việc thực sự. Trong lĩnh vực thôi miên ở Việt Nam thì phải đánh giá, ông Quân là một chuyên gia giỏi, hàng đầu mà chưa ai làm được", TS Việt bày tỏ.

Cùng với đó, vị Tiến sỹ này nhấn mạnh, chuyên môn thực sự của ông Quân đến đâu thì ông không thể đánh giá được và nếu cần nên mời chuyên gia nước ngoài về đánh giá.

"Thôi miên là một ngành được thế giới công nhận, còn ông Quân là người giỏi nhưng giỏi đến đâu thì tôi không đánh giá được vì không có chuyên môn.

Nếu chúng ta không có chuyên môn mà đánh giá người thôi miên thì bậy hoàn toàn. Chúng ta không thể đánh giá ông Quân được!

Nếu ở Việt Nam chưa có chuyên gia thì có thể mời các chuyên gia thôi miên thế giới về đánh giá. Như thế mới có lợi cho đất nước, còn chưa biết mà ném đá thì không nên", TS Việt nhìn nhận.

"Bằng" thôi miên chỉ là "chứng chỉ"

Trong khi đó, từ thông tin về tấm bằng "thạc sỹ thôi miên" mà ông Nguyễn Mạnh Quân cung cấp, chúng tôi đã nhờ một số chuyên gia tại Viện Goeth (tổ chức văn hóa của CHLB Đức, hoạt động trên phạm vi toàn thế giới - PV) dịch lại và kết quả khá bất ngờ.

Theo thầy Nam Anh, một giảng viên tại Viện Goeth thì "bằng" liên quan đến thôi miên mà ông Quân cung cấp được Hypnosemaster akademie - basel cấp.

Tuy nhiên, chữ Urkunde trên tấm "bằng thạc sỹ thôi miên" mà ông Quân cung cấp không phải là "bằng" mà dịch sang tiếng Việt chỉ được hiểu là "chứng nhận".

Trong dòng chữ Hypnosemaster ghi trên "bằng" thì Hypnose là tiếng Đức được dịch ra là thôi miên còn master là tiếng Anh và ở Đức cũng có dùng từ này.

Theo thầy Nam Anh, nếu hiểu theo đúng nghĩa thì đây không nên dịch là thạc sỹ thôi miên mà chỉ là "sư phụ thôi miên".

Đồng quan điểm đó, một người từng có thời gian dài cộng tác với chuyên gia thôi miên Nguyễn Mạnh Quân cũng khẳng định, đã tìm hiểu rất kỹ và chữ Urkunde tiếng Đức dịch ra tiếng Việt chỉ là chứng nhận. Còn văn bằng ở tiếng Đức phải là diplome.

"Dòng chữ Hypnosemaster cũng không nên dịch là thạc sỹ thôi miên mà chỉ nên dịch là người thành thục, thành thạo về thôi miên", người này nói.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này đến bạn đọc...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại