Thu nhập "khủng" nhờ... nuôi bò

Bảo Bình |

Với quyết tâm đổi đời cùng với sự cần cù, sáng tạo, nhiều hộ nông dân đã vươn lên làm giàu trên chính quê hương của mình.

Với quyết tâm đổi đời, khi học hết lớp 7 anh Hoàng Văn Tánh đi làm thợ xây kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Năm 1993 sau khi lập gia đình, anh rời quê hương xã Triệu Trung, huyện Triệu Phong, Quảng Trị lên vùng kinh tế mới ở vùng gò đồi thôn Trung Long lập nghiệp với muôn vàn khó khăn. Đó là tấm gương vươn lên làm giàu được phản ánh trên tờ Dân việt.

“Ngày đó vùng này hoang vu lắm, có đêm nằm ngủ trong lều, thú dữ cứ gầm rú bên ngoài sợ đến kinh hoàng. Bữa ăn thì chỉ toàn rau rừng, lâu lâu đi chặt bó củi về miền xuôi bán mới mua được miếng thịt cải thiện bữa ăn”, anh Tánh nhớ lại tháng ngày cơ cực.

Với lòng quyết tâm làm giàu, anh Tánh đã vượt qua mọi khó khăn để khai hoang và trồng 20 ha tràm, trung bình 5 - 6 năm thu hoạch 1 lần, bình quân cho anh trên 150 triệu đồng mỗi năm.

Cùng với khai hoang trồng rừng, năm 1996, anh Tánh mua thêm một cặp bò nuôi gây đàn và bán dần. Từ năm 2008 đến nay, đàn bò của gia đình anh Tánh duy trì 30 con, có 15 con bò cái sinh sản giúp anh tự cung cấp giống. Bò giống nuôi một năm có thể xuất bán với giá 12 - 18 triệu đồng/con. Mỗi năm anh bán 15 con bò giống và bò thịt, lợi nhuận bình quân được khoảng 170 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Tánh còn giúp đỡ người dân địa phương về nguồn vốn, kỹ thuật trồng rừng, nuôi bò để cùng phát triển làm giàu. Nhờ những thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế, nhiều lần anh Tánh vinh dự nhận bằng khen và danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi.

Một trường hợp điển hình khác trong việc sản xuất, kinh doanh giỏi được ghi nhận tại ngã ba biên giới (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên). Đó là "tỷ phú" nuôi bò Chang Vãng Sinh - người được mệnh danh là "Vua bò".

Đàn bò của ông Chang Vãng Sinh. Ảnh: Báo tin tức

Theo thông tin Báo tin tức ghi nhận được về người nông dân "tỷ phú" này thì từ khi còn còn nhỏ, ngày ngày ông Sinh lùa 3 con trâu của gia đình vào núi thả. Mơ ước lớn nhất hồi ấy của ông chỉ mong muốn làm sao sau này mình gây dựng được đàn trâu, bò đông đúc, gia đình đủ cái ăn, thoát cái đói.

Thế rồi mơ ước của ông cũng thành hiện thực khi năm 1998, gia đình ông được giao cho 10 con bò bố mẹ nuôi trong 3 năm theo Chương trình 135. Sau 3 năm bò bố mẹ sẽ thuộc về gia đình khác nuôi tiếp, còn bò con sẽ là của gia đình.

Tuy chính sách hay và thiết thực là vậy, nhưng lúc đó nhiều hộ dân trong bản chưa dám nhận bò về nuôi bởi lẽ có nuôi, cũng chỉ để giết thịt, bán rất khó vì giao thông cách trở.

Nhưng ông Sinh lại có suy nghĩ khác: Nuôi trâu, bò ở đây rất nhàn, cỏ trên đồi tươi tốt, nuôi trâu, bò sẽ rất nhanh lớn. Nếu đường giao thông khó khăn không mang xuống được chợ huyện thì khi nào có chợ phiên biên giới cách nhà gần 5 km dắt bò xuống bán cho lái buôn Trung Quốc cũng có giá.

Với suy nghĩ và quyết tâm như vậy, ông đã mạnh dạn nhận nuôi 10 con bò dự án. Không những thế, ông còn vay tiền của bà con và Ngân hàng Chính sách Xã hội để mua thêm 7 con bò nữa về nuôi.

Sau 3 năm nhận nuôi bò của dự án, được Bộ đội biên phòng hướng dẫn cách chăn nuôi và làm chuồng theo đúng quy trình, cách phòng tránh và chăm sóc gia súc; tận dụng thức ăn từ ngô, lúa, rồi lên đồi cắt cỏ chăm chút cho đàn bò, cuối cùng ông đã thành công.

Khi hoàn trả 10 con bò bố mẹ cho dự án để luân phiên cho hộ khác nuôi, ông vẫn còn 15 con bò giống cùng 5 con trâu của gia đình nuôi từ trước. Từ những lợi thế có sẵn của gia đình, ông Sinh đã gây dựng nên đàn trâu bò đông nhất nhì vùng Tây Bắc. Năm 2009 đàn trâu của ông lên tới 40 con, đàn bò lên đến 150 con. Năm 2011, dù bị dịch bệnh nhưng đàn bò của ông vẫn còn tới 120 con, trâu 20 con. Bình quân hàng năm, thu nhập từ bán trâu, bò, gia đình ông cũng đạt gần 100 triệu đồng.

Tổng hợp

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại