Ông Vũ Quốc Hùng: “Tôi nhận thiếu sót khi giới thiệu anh Truyền”

Bảo Bình |

Ngoài ra, ông Hùng cũng bày tỏ sự đau xót đối với một cán bộ cao cấp có quyền lực sau khi những sai phạm của ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng thanh tra Chính phủ bị phát giác.

Người giới thiệu ông Trần Văn Truyền nhận thiếu sót

Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư (UBKTTƯ) - người làm việc với ông Trần Văn Truyền. Khi đó, ông Truyền giữ chức Phó Chủ nhiệm UBKTTƯ và ông Hùng là người giới thiệu ông Trần Văn Truyền cho Ban Bí thư bầu làm Phó Chủ nhiệm UBKTTƯ.

Ông Vũ Quốc Hùng

Theo báo Lao động trích đăng, ông Hùng đã nhận thiếu sót về việc này: Khi tôi đang làm Phó chủ nhiệm thường trực UBKTTƯ, tôi có trách nhiệm là cùng với UBKTTƯ đề xuất, giới thiệu chuẩn bị lực lượng nhân sự cho ban lãnh đạo UBKTTƯ, thời điểm này diễn ra sau Đại hội Đảng toàn Quốc lần thứ IX.

Tôi được anh em giới thiệu ông Trần Văn Truyền khi đó là Ủy viên Trung ương Đảng khóa IX, vừa được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, thấy đồng chí có khả năng làm cán bộ của UBKTTƯ.

Đáng nhẽ ra, để ông Truyền vào đội ngũ “Bao Công” này tôi phải xem xét, kiểm tra ông Truyền, tuy nhiên do cả tin vào 2 vòng kiểm tra trước đó. Vòng thứ nhất - vòng tuyển chọn ở tỉnh làm Bí thư Tỉnh ủy, vòng thứ hai - vòng kiểm tra của T.Ư để vào Ủy viên T.Ư Đảng.

Ông Truyền cũng có thành tích trong chiến đấu, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Đó là những yếu tố để tôi có thể giới thiệu ông Truyền cho Ban Bí thư bầu làm Phó Chủ nhiệm UBKTTƯ.

Ông Vũ Quốc Hùng nói thêm: Đây là việc tôi thấy đau xót đối với một cán bộ cao cấp có quyền lực. Tôi cho rằng, bây giờ mình không nên đưa ra bàn luận nhiều về con người này nữa, mà cần phải rút ra bài học chung, làm thế nào để không còn có những đồng chí đảng viên đương chức sai phạm và cả những đảng viên đã về hưu.

Phải xem xét kiểm tra, giám sát đảng viên, đặc biệt các đảng viên cao cấp, mọi lúc mọi nơi, tránh để xảy ra tình trạng sai phạm lâu rồi sau này mới phát hiện. Tiếp đó, thường xuyên kiểm tra giám sát các đảng viên đã về hưu chứ không phải về hưu là không giám sát nữa.

Hàng triệu công chức viên chức đang thuê nhà sẽ nghĩ gì?

Nói về vấn đề này, tờ Tuổi trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hương - nguyên phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương.

Ông Nguyễn Đình Hương. Ảnh: Tuổi trẻ

"Cả cuộc đời tôi đã chứng kiến rất nhiều cán bộ, công chức bình thường làm lụng 10 năm, 20 năm mới mua được căn hộ nho nhỏ trên dưới 50m2.

Tôi xin hỏi là cán bộ, công chức bình thường liệu có được cấp đất, được mua nhà giá rẻ, rồi được giao nhà công vụ giữa Thủ đô mà về hưu ba năm sau mới trả lại như ông Trần Văn Truyền?

Hàng triệu công chức, viên chức, người lao động đang ở nhà thuê nghĩ gì khi đọc danh sách nhà đất liên quan đến ông Truyền? Rõ ràng là đặc quyền, đặc lợi.

Chúng ta hãy thẳng thắn với nhau, tự hỏi xem vào các thời điểm năm 2002, 2003 và 2011 như trong kết luận của ủy ban Kiểm tra Trung ương, nếu là một người khác không có chức vụ gì thì có được giải quyết cho làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho thuê nhà, cho mua nhà dễ dàng như thế?

Năm 2011, khi nguyên tổng Thanh tra Chính phủ sắp hết nhiệm kỳ, đã trải qua nhiều năm giữ chức vụ cấp cao ở Trung ương và địa phương mà lại làm đơn trình bày hoàn cảnh khó khăn, bức xúc về nhà ở thì có hợp lý không? Có phải từ đặc quyền sinh ra đặc lợi?"

Ông Trần Văn Truyền thuộc diện cán bộ cấp cao, nhưng trong thời gian dài cấp có thẩm quyền quản lý ông Truyền không phát hiện những khuyết điểm, vi phạm của ông này. Hoặc có phát hiện nhưng không kiên quyết tham mưu cho cấp có thẩm quyền sớm xử lý, để kéo dài gây dư luận xấu.

Ông Hương cũng cho rằng đây là bài học lớn đối với công tác quản lý cán bộ.

                                                                                                                                   Tổng hợp

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại