Thủ khoa ĐH Luật gợi ý giải chi tiết môn Địa lý tốt nghiệp

PV (ghi) |

(Soha.vn) - Thủ khoa khối C, ĐH Luật đánh giá đề Địa lý năm nay vừa sức, không dài, chỉ cần nắm vững kiến thức, đọc kỹ đề bài có thể đạt điểm khá cao.

Nhận định chung về đề thi Địa lý tốt nghiệp năm nay, Nguyễn Thị Hương – thủ khoa khối C, ĐH Luật Hà Nội năm 2012 (tổng 26 điểm, trong đó môn Địa được 8,75) cho rằng đề năm nay vừa sức, không dễ hơn năm ngoái. Đặc biệt ở câu 3 đề cập đến vấn đề biển Đông nên có ý nghĩa thiết thực, mang tính thời sự và khiến học sinh thích thú.

Nguyễn Thị Hương (trái), thủ khoa khối C, ĐH Luật Hà Nội năm 2012.

Nguyễn Thị Hương (trái), thủ khoa khối C, ĐH Luật Hà Nội năm 2012 nhận xét đề năm nay vừa tầm với thí sinh.

“Các thí sinh chỉ cần đọc kỹ đề bài, trả lời đúng yêu cầu đề bài ra, đòi hỏi nắm vững kiến thức thì có thể đạt điểm cao. Nhưng phần lớn nhiều bạn hay nhầm ở ý 1 câu 2 do không đọc kỹ đề. Hoặc câu 2 ý 2 chỉ hỏi về xuất khẩu chứ không có nhập khẩu sẽ khiến nhiều bạn trả lời không trúng nên nhiều bạn sẽ thất vọng do sai sót đó”, Hương cho biết.

Hương đưa ra lời gợi ý chi tiết cho đề Địa lý kỳ thi tốt nghiệp vào buổi thi sáng nay như sau:

Câu 1:

Đặc điểm địa hình vùng núi Đông Bắc:

+ Giới hạn: nằm ở Tả ngạn sông Hồng.

+ Gồm 4 cánh cung lớn: sông Gâm, Ngân Sơn, Bắc Sơn, Đông Triều, chụm lại ở Tam Đảo, mở ra về phía bắc và đông.

+ Chủ yếu là địa hình núi thấp.

+ Hướng nghiêng: thấp dần từ phía Tây Bắc về Đông Nam.

Thế mạnh của nguồn lao động ở nước ta:

+ Số lượng: năm 2005, dân số hoạt động kinh tế ở nước ta là 42,53 triệu người, chiếm 51,2% tổng số dân. Với mức tăng nguồn lao dộng như hiện nay, mỗi năm nước ta có thêm hơn 1 triệu lao động.

+ Chất lượng:

Nguồn lao động nước ta cần cù, sáng tạo, có kinh nghiệm sản xuất phong phú gắn với truyền thống của dân tộc được tích lũy qua nhiều thế hệ.

Chất lượng lao động ngày càng được nâng lên nhờ những thành tựu trong phát triển văn hóa, giáo dục và y tế.

Việc làm đang là vấn đề kinh tế xã hội của nước ta hiện nay:

+ Số lượng lao động nước ta tương đối đông, trong khi nền kinh tế phát triển không tương ứng với sự gia tăng lao động nên việc làm là một vấn đề lớn trong xã hội nước ta hiện nay. Cả nước, tỉ lệ thất nghiệp là 2,1% và thiếu việc làm là 8,1%.

+ Ở các đô thị, số người thất nghiệp là 5,3%; thiếu việc làm lên tới 4,5%. Còn ở nông thôn, tỉ lệ thất nghiệp là 1,1%; thiếu việc làm là 9,3%.

Câu 2:

1. Vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ:

- Ở nước ta đã hình thành các vùng động lực phát triển kinh tế, vùng chuyên canh và khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất có quy mô lớn.

- Việc phát huy thế mạnh và đẩy mạnh phát triển kinh tế cùng tăng cường hội nhập quốc tế đã dẫn tới sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân hóa sản xuất giữa các vùng trong nước. Ví dụ: Đông Nam Bộ là vùng phát triển công nghiệp mạnh nhất, với giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 55,6% cả nước; Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, thực phẩm với giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm và thủy sản chiếm 40,7% cả nước.

- Trên phạm vi cả nước đã hình thành 3 vùng kinh tế trọng điểm: miền Bắc, miền Trung và phía Nam.

2. Những chuyển biến tích cực của hoạt động xuất khẩu nước ta trong thời kì đổi mới:

- Nhờ việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường, kim ngạch xuất khẩu của nước ta tăng liên tục. Năm 2005, giá trị xuất khẩu của nước ta là 32,4 tỉ USD.

- Các mặt hàng xuất khẩu ngày càng phong phú, bao gồm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản, hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp, hàng nông lâm thủy sản.

- Thị trường buôn bán ngày càng mở rộng, lớn nhất là Hoa Kì, sau đó là Nhật Bản và Trung Quốc.

Câu 3:

1. Ý nghĩa của việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các nước láng giềng trong giải quyết vấn đề biển đảo:

+ Là nhân tố tạo ra sự phát triển ổn định trong khu vực, bảo vệ được lợi ích chính đáng của Nhà nước và nhân dân ta, giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta.

+ Khẳng định chủ quyền trên biển Đông theo Luật biển năm 1982.

+ Phát triển tổng hợp kinh tế biển, tăng thu nhập cho người dân.

2. Vẽ biểu đồ kết hợp đường và cột, cột thể hiện diện tích, đường thể hiện cho năng suất:

+ Chú ý vẽ biểu đồ đúng, đầy đủ tên, chú giải, khoảng cách các năm phù hợp.

- Nhận xét:

+ Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có diện tích, năng suất lúa lớn nhất cả nước và tăng dần qua các năm (dẫn chứng).

+ Diện tích gieo trồng tăng (dân chứng) do đây là đồng bằng lớn nhất cả nước, diện tích ngày càng được mở rộng.

+ Năng suất tăng (dẫn chứng) do áp dụng các thành tựu khoa học kĩ thuật, công nghệ mới vào trong sản xuất nông nghiệp.

Câu 4a:

- Dựa vào Atlat địa lí Việt Nam kể tên các trung tâm công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm lớn của nước ta hiện nay: Hải Phòng, Nha Trang, Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Cần Thơ, Cà Mau.

- Nhận xét về sự phân bố: Các trung tâm công nghiệp nằm ở vị trí thuận lợi là các vùng đồng bằng, gần nguồn nguyên liệu và thị trường tiêu thụ rộng lớn (dẫn chứng), là nơi có nguồn lao động rẻ, dồi dào và có gần một số khu công nghiệp chế biến, có chính sách đầu tư phát triển của Nhà nước.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại