Thợ săn thành phố

Ngô Bình |

Giữa thành phố phồn hoa với dày đặc những nhà cao tầng, khu công nghiệp, nhưng vẫn còn đó những người thợ săn, len lỏi ở những bờ kè, nắp cống, nơi đáy sông để tìm con mồi.

Có những gia đình suốt đời sống trên chiếc ghe nhỏ lênh đênh theo con nước lớn, nước ròng để kiếm kế mưu sinh. Cũng có những người ngồi hàng giờ bên miệng cống để… giải trí.

Bài 1: Chim trời, cá... phóng sinh

Đặt từng cái bẫy dọc bờ kênh với vài con chim và một ít thóc làm mồi nhử, hằng ngày bà Mười bắt được vài chục con chim sẻ và đó cũng là nguồn thu chính nuôi sống gia đình bà. Còn ông Ái sống với nghề chài lưới hàng chục năm nhưng nay chỉ trông đợi vào nguồn cá phóng sinh vì cá tự nhiên đã cạn kiệt.

Hơn chục năm nay, bà Mười (ngụ phường Tân Định, quận 1, TPHCM) gắn với nghề bẫy chim sẻ. Bà Mười cho biết, cuộc sống gia đình rất khó khăn nên bà làm đủ nghề. Trong một lần đi ngang chợ, thấy người ta mua bán chim sẻ, về nhà thấy có rất nhiều chim thường ăn ở trước cửa nên bà nghĩ cách bẫy chim để bán.

Săn lùng loài cỏ có giá lên tới trăm triệu đồng Săn lùng loài cỏ có giá lên tới trăm triệu đồng

Loài cỏ kim tuyến khô được bán với giá 100 triệu đồng/kg.

Thời gian đầu chưa có bẫy, để nhử chim, mỗi buổi sáng bà mang thóc, cơm nguội ra rải cho chim ăn, vài lần chim quen rồi bà dùng rổ để sập chim. Có lúc được vài ba con, có khi chim bay đi hết. Bẫy chim bằng cách này, đồ nghề của bà là một khúc cây chừng một gang tay được buộc một sợi dây dài nối từ trong nhà ra rồi dùng khúc cây đó chống chiếc rổ. Bên trong bỏ một ít thóc làm mồi nhử, chim vào ăn bà giật chiếc dây, khúc cây ngã xuống và những con chim đang ăn mồi sập bẫy.

“Phải buộc cục đá to vào chiếc rổ để khi giật dây rổ đè xuống, chim không bay đi được. Khi sập được thì khẽ nâng chiếc rổ lên rồi thò tay vào bắt chim, có khi vừa nâng rổ lên thì chim lao ra, bay mất”, bà Mười nói.

Bà Mười cho biết, bẫy kiểu này khiến chim sợ, có khi không dám quay lại nữa nên mỗi địa điểm bà chỉ sập được vài lần là phải đi nơi khác. Sau nhiều lần đi bán chim, bà được những người bẫy chim khác chỉ cho cách trang bị bẫy sập và chim mồi.

Theo bà Mười, những chiếc bẫy này rất tiện dụng và khi sập cũng không làm những con chim khác hoảng sợ. Bằng cách này, mỗi ngày bà bắt được hàng chục con chim và không cần phải di chuyển địa điểm.

“Thời đó dòng sông rất nhiều cá, mỗi ngày hai vợ chồng cũng kiếm được cả chục kí cá, tôm các loại. Cá đánh được, những con nhỏ, chết thì để lại ăn còn lại đem ra chợ bán mua gạo, nước. Cuộc sống thời đó không khấm khá nhưng cũng không đến nỗi khó khăn, ngày hai bữa vẫn lo được”.

Ông Nguyễn văn Ái

Chính vì bẫy được nhiều chim mà mỗi ngày số bẫy chim của bà tăng lên, đến nay, bà sắm hàng chục chiếc bẫy. Bẫy chim của bà Mười được thiết kế với chiếc lồng ở giữa dùng để thả chim mồi, bốn bên được chia thành nhiều ô, mỗi ô có que gài và nắp sập. Khi chim nhảy vào đụng phải que gài có lò xo thì cửa ô đó sẽ sập xuống nhốt con chim lại, còn những ô khác vẫn mở cửa đợi chim nên một chiếc lồng như thế bà có thể bẫy được cả chục con.

“Ô ở giữa để thả chim mồi, có chim mồi trong đó nó kêu thì những con chim trời nghe thấy sẽ bay đến ăn. Nếu nhảy vào ô chứa thóc thì dính bẫy là cái chắc”.

Mỗi buổi sáng, bà mang hàng chục chiếc bẫy ra đặt dọc bờ kênh, rải nắm thóc làm mồi nhử, ngày đi thăm vài lần, bẫy nào dính chim bắt xong bà lại gài lại như cũ. Hằng ngày bà bắt hàng chục con chim bán với giá 5.000 đồng/con, mỗi ngày kiếm được một hai trăm nghìn nuôi cả gia đình.

Về công việc của mình, bà Mười nói: “Đó là cái nghiệp chứ không phải nghề, chim thì bán cho các đầu mối. Nhưng khi mua về họ nhốt trong lồng dày đặc, có khi họ đâm mù mắt, cắt lông cánh để chim không bay xa được.

Khi có người mua chim để phóng sinh thì chim chỉ bay luẩn quẩn rồi họ bắt lại, bán tiếp. Mình làm như thế này cũng là việc ác. Nhưng nếu không nhờ những con chim trời này thì không biết sống bằng cách nào”.

Trông chờ cá phóng sinh

Dọc bờ sông Sài Gòn, nhiều gia đình không nhà, không đất, họ chỉ có một cái ghe nhỏ để cả gia đình ba bốn người chui ra chui vào, vừa là phương tiện mưu sinh cũng là nơi trú ngụ.

Hằng ngày, họ giăng lưới, quăng chài bắt cá kiếm cơm. Khi nguồn cá thiên nhiên gần như cạn kiệt, họ chỉ trông chờ vào cá phóng sinh. Hễ thấy có người chở những bao tải cá ra giữa lòng sông đổ xuống là họ lại dong xuồng ra quây khu vực gần đó để bắt. Gia đình ông Nguyễn Văn Ái (53 tuổi, quê Nam Định) là một trong số đó.

Mỗi chiếc bẫy được thiết kế nhiều lồng riêng để bẫy được nhiều chim.

Ông Ái cho biết, cách đây hơn chục năm ông cùng vợ rời quê vào Sài Gòn kiếm sống, không có nghề nghiệp gì, ông theo một người dân chài khác rồi sắm được một chiếc ghe nhỏ. Hai vợ chồng cùng đứa con lấy ghe làm nhà, mọi sinh hoạt đều trên ghe. Lúc ông mới hành nghề, cá trên sông Sài Gòn còn rất nhiều, chỉ cần vài ba lần quăng chài là có. Thế nhưng, đến nay thì đánh cả ngày cũng chỉ được vài con cá lia thia.

Ông Ái nói: “Thời đó dòng sông rất nhiều cá, mỗi ngày hai vợ chồng cũng kiếm được cả chục kí cá, tôm các loại. Cá đánh được, những con nhỏ, chết thì để lại ăn còn lại đem ra chợ bán mua gạo, nước. Cuộc sống thời đó không khấm khá nhưng cũng không đến nỗi khó khăn, ngày hai bữa vẫn lo được”.

Kỳ thú chuyện săn lùng ở “nghĩa địa” cá hô Kỳ thú chuyện săn lùng ở “nghĩa địa” cá hô

Khúc sông rộng ấy trở thành nơi chết chóc của loài cá "khủng" nặng hàng trăm ký. Nó được mệnh danh là con sông tử địa hay nghĩa địa của loài cá hô.

Tuy nhiên, càng ngày dòng sông càng bị ô nhiễm và cá cũng ít dần. Cả ngày lênh đênh trên sông có khi chỉ kiếm được vài kí cá rô, cá trê. “Ngày trước còn kiếm được đồng ra đồng vào, dư dả chút ít. Nay thì đánh cả ngày vẫn cũng chỉ đủ mua được hơn kí gạo với vài cọng rau.

Cuộc sống của người ta ngày càng ổn định thì mình ngày càng đi xuống. Giờ già cả rồi cũng không biết làm gì, đành cố gắng bám sông kiếm cơm cháo qua ngày. Không có tiền tu sửa nên chiếc ghe lâu dần hư hỏng, bạt che cũng rách nát, mưa xuống là tạt tứ phía.

Có hôm, buổi tối ngủ quên, nước lên thấm vào, ghe chìm, lưng ướt mới tỉnh dậy. Bao nhiêu đồ đạc, cơm gạo gì cũng ướt hết” - ông Ái kể.

Cũng như ông Ái, gia đình ông Nguyễn Văn Chúc đã gắn với chiếc ghe hơn bốn chục năm qua. Tuy nhiên, ngày nay nghề chài lưới không còn là đường kiếm cơm của ông. Sau hàng chục năm gắn bó với nghề chài lưới và con sông, nay ông chuyển nghề, chủ yếu là chở người đi thả cá phóng sinh, tìm người mất tích dọc sông Sài Gòn hay ai thuê gì làm nấy cũng chỉ cố kiếm được hai bữa cơm.

Mỗi lần có người chở cá đến thả là vài ba chiếc xuồng của dân chài lại mấp mé bên bờ. Khi người thả cá rời khỏi là họ vây quanh khu vực vừa thả cá để đánh. Theo ông Chúc, cá phóng sinh chủ yếu là cá nhỏ, có đánh được thì bán cũng chẳng được bao nhiêu và mang thêm cái tội vào người. “Sống nhờ vào ba con cá phóng sinh, bắt thì thấy kì, mà không bắt thì không có gạo mà sống”, ông Chúc nói.

Mỗi buổi sáng bà Mười đặt bẫy chim sẻ dọc bờ kè.

Theo ông Chúc, làm nghề chài cá này khổ nhất là lúc quăng chài, thả lưới mà bị vướng phải đá hay cành cây dưới đáy sông. Mỗi lần bị vướng là phải lặn xuống dòng nước đen kịt để gỡ ra.

“Ngâm nước nhiều năm bây giờ các khớp xương như bị rão hết. Mỗi khi trái gió trở trời là lại đau nhức. Thế nhưng cũng không thể rời khỏi dòng sông này được. Dòng sông này như người mẹ nuôi tôi từ khi còn trẻ đến khi gần đất xa trời”.

Tận diệt

Quăng chài, thả lưới cả ngày cũng không đủ sống họ tìm cách khác, sắm chích điện để bắt tất cả những sinh vật gì có thể bắt được. Hằng ngày, hai bên bờ sông Sài Gòn có rất nhiều người dùng chích điện để bắt cá.

Khi bị chích điện, từ cá lớn, cá bé đến các loại tôm tép chỉ bằng cái tăm sống dọc hai bên bờ sông đều chết nổi bụng. Người ta lựa những con to, còn lại đa số bị chích điện chết rồi bỏ lại. Mỗi lần có ghe chích điện đi qua đoạn nào là phía sau đủ các loại tôm cá nổi trắng phau trên mặt nước.

Thanh minh cho việc làm của mình, anh Nguyễn Xuân Hoàng (người chuyên chích điện bắt cá) nói: “Giờ cá trên sông thì ít, người đánh bắt thì nhiều. Hơn nữa, lòng sông nước sâu và ô nhiễm nên dùng chài lưới mà đánh thì cả ngày có khi không đủ bữa cơm”.

Tuy tiêu diệt rất nhiều loài sinh vật hai bên bờ sông nhưng những người đánh cá bằng cách chích điện cũng chỉ thu về được những con cá nhỏ, chủ yếu là cá phóng sinh do chưa thích ứng được với nguồn nước nên dồn vào bờ để bám trụ. “Dùng chích điện đi dọc bờ sông như thế này cũng chỉ đánh được các loại cá nhỏ như ngón tay là chủ yếu, cá lớn sống ở vùng nước sâu hơn”.

Còn nữa

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại