Thịt thối vào nhà hàng “đãi tiệc năm mới”
Miếng ăn đang bị đầu độc khi những con lợn chết thối chỉ cần qua vài thao tác sẽ trở thành lợn quay vàng ươm, thơm phức. Các loại phế phẩm lợn, bò, gà vịt… thối cũng “lên đời” dễ dàng để vào các nhà hàng sang trọng.
Trong tháng 12/2015, lực lượng chức năng đã bắt hàng trăm vụ vận chuyển thịt heo, nội tạng heo thối, không rõ nguồn gốc xuất xứ vào TPHCM.
Tuy nhiên, đó chỉ là phần nổi của “tảng băng” thực phẩm bẩn. Đáng báo động hơn khi loại thực phẩm độc hại này không chỉ tuồn ra các khu chợ dân sinh mà còn lọt vào ở các quán ăn, nhà hàng sang trọng.
Tối 31/12/2015, tổ công tác liên ngành gồm Trạm kiểm dịch Động vật Thủ Đức, (TPHCM) phối hợp với lực lượng CSGT Đội Rạch Chiếc kiểm tra trên tuyến quốc lộ 1A. Đây là tuyến đường “nóng”, các loại thực phẩm bẩn từ các tỉnh phía Bắc, Đồng Nai… tràn vào TPHCM đều phải chạy qua.
Khi đến đoạn qua trước cổng khu du lịch Suối Tiên thuộc địa bàn phường Linh Trung, quận Thủ Đức phát hiện chiếc xe khách giường nằm mang biển số 63B – 008.07 lưu thông theo hướng Đồng Nai đi TPHCM do tài xế Lê Minh Điệp điều khiển.
Dừng xe kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện ba bao tải đang rỉ nước, bốc mùi hôi thối chứa 176 con heo sữa tổng trọng lượng 230kg.
Tài xế Điệp khai số heo trên được một thương lái thuê vận chuyển từ huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, toàn bộ không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không nguồn gốc xuất xứ.
“Nếu vận chuyển trót lọt, 200 con heo sữa thối này sẽ được tuồn vào một nhà hàng có tiếng để “đãi khách mừng năm mới”, Diệp thú nhận.
Nếu vận chuyển trót lọt, 200 con heo sữa thối này sẽ được tuồn vào một nhà hàng có tiếng để “đãi khách mừng năm mới”.
Một cán bộ thú y cho biết, số heo sữa thối này được các đầu nậu thu mua từ các hộ dân nuôi heo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai trong thời gian dài về rồi đóng bao, tuồn vào TPHCM và các tỉnh miền Tây để chế biến thành heo sữa quay.
“Số heo sữa này đã chết từ lâu, nếu không may tuồn ra ngoài chế biến cho người tiêu dùng ăn thì cực kỳ nguy hiểm”, cán bộ này nói.
Chỉ trước đó vài ngày, vào sáng 22/12, cơ quan chức năng ập vào căn phòng trọ nằm tại số 108/2, quốc lộ 1A, phường Đông Hưng Thuận, quận 12, phát hiện hàng chục thùng xốp có chữ Trung Quốc chứa đầy thịt heo đã rỉ dịch vàng chảy ra nền nhà. Tổng cộng số hàng hơn 2 tấn gồm thịt ba rọi và vú heo sữa bốc mùi hôi thối.
Ông Cao Chí Đông, chủ lô hàng thừa nhận số hàng được vận chuyển từ miền Bắc vào và sẽ được phân loại để nhập vào các nhà hàng đã đặt mối ở TPHCM “đãi tiệc năm mới”.
Các loại thịt bẩn bốc mùi hôi thối, rỉ dịch.
Đủ kiểu đầu độc người dân
Vào một cơ sở sản xuất chà bông ở quận 12 (TPHCM), hàng tấn chà bông thành phẩm vàng óng bắt mắt, tỏa mùi thơm ngào ngạt.
Mới nhìn qua ai cũng nghĩ đó là sản phẩm sạch, tuy nhiên giá bán của loại chà bông này chỉ chưa đến 40.000 đồng/kg, bằng 1/10 giá thành thị trường. Sở dĩ có giá “bèo” như vậy bởi chủ cơ sở này hằng ngày đi săn lùng các loại gà chết thối, gà tiêm kháng sinh ép đẻ, gà thải… từ các trang trại với giá chỉ chưa đầy 20.000 đồng/kg về sản xuất chà bông.
Nhìn khuôn viên cơ sở sản xuất không khỏi rùng mình, các dụng cụ sản xuất cáu bẩn, bốc mùi. Chà bông thành phẩm được trải lớp bì mỏng rồi đổ tràn lan trên nền nhà.
Mỗi ngày cơ sở này sản xuất rồi tuồn ra thị trường hàng trăm kg chà bông với giá rất rẻ để trục lợi.
Thịt các loại ôi thối được “mông má” đưa vào các nhà hàng dễ dàng, các loại phụ phẩm lại được “ngậm” hóa chất trở thành “đặc sản” quán nhậu.
Mới đây, Trạm kiểm dịch động vật quận Thủ Đức phát hiện gần 7 tấn phụ phẩm bò và heo được vận chuyển từ miền Bắc và Đồng Nai lên TPHCM tiêu thụ.
Tất cả số phụ phẩm trên đều đã ôi thối. Tuy nhiên, tài xế chở lô hàng cho biết họ chỉ chở đến giao cho một người kinh doanh ở quận 12 để chế biến cho quán nhậu.
Đoàn liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm huyện Bình Chánh cũng phát hiện hàng trăm kg nội tạng bò, lợn đang được ngâm hóa chất ở một cơ sở tại xã Vĩnh Lộc A.
Chủ cơ sở này cho biết, sau khi thu gom nội tạng thối với giá rẻ từ Đồng Nai lên, chúng được “tẩy trắng” bằng hóa chất ở chợ Kim Biên, sau đó bán ra các quán nhậu.
Ông Trương Trần Phúc Nguyên- Trưởng trạm thú y huyện Bình Chánh nói rằng các đối tượng vận chuyển thực phẩm bẩn giấu hàng rất tinh vi, ngụy trang bởi nhiều lớp hàng hóa khác nhau nhằm qua mắt cơ quan chức năng.
Trong khi các cơ sở chế biến đều hoạt động chui ở các ngõ ngách khó phát hiện, dùng hóa chất để chế biến nên rất độc hại.
Gà chết được mua về làm chà bông.
Xử không xuể
Chỉ trong vòng một tuần cuối tháng 12/2015, các cơ quan ban ngành trực thuộc trên địa bàn thành phố đã phát hiện trên 50 trường hợp vận chuyển, buôn bán các loại thực phẩm không có giấy tờ kiểm dịch, không nguồn gốc xuất xứ với số lượng hàng trăm tấn.
Đa số thực phẩm này là thịt và phụ phẩm động vật các loại đã ôi thối.
Theo Chi cục thú y TPHCM, công nghệ chế biến, phù phép thực phẩm bẩn thành tươi ngon rất tinh vi, các đối tượng vận chuyển thực phẩm bẩn như heo, phụ phẩm heo, bò, gia cầm… không có giấy tờ kiểm dịch, không có nguồn gốc xuất xứ giấu hàng bằng nhiều thủ đoạn.
Những chiếc xe khách giường nằm được sử dụng để tuồn hàng vào nội thành bằng cách cho thịt bẩn vào các thùng xốp, dùng băng keo dán kín rồi nhét vào trong cùng của hầm xe.
Những thùng hàng này được che bởi nhiều lớp hàng hóa khác bên ngoài, nếu kiểm tra không kỹ sẽ rất khó phát hiện.
Ông Phạm Quý Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết cuối năm, tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển các loại thực phẩm bẩn sẽ tăng mạnh.
Vì vậy, Chi cục Quản lý thị trường thành phố tiếp tục chỉ đạo các đội Quản lý thị trường trên địa bàn các quận, huyện phối hợp cùng các lực lượng khác đẩy mạnh công tác kiểm tra kiểm soát để kịp thời phát hiện các mặt hàng này.
Khó kiểm soát thực phẩm bẩn tuồn ra thị trường
TS.Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thừa nhận, nguy cơ thực phẩm bẩn có thể tuồn ra thị trường bất cứ lúc nào…
Ông Phong cho hay để hạn chế đến mức tối đa thực phẩm bẩn, Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn vệ sinh thực phẩm đã ban hành kế hoạch về việc triển khai công tác bảo đảm An toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa Lễ hội Xuân 2016. Theo đó, thành lập các đoàn thanh tra liên ngành từ trung ương đến cấp xã, phường từ ngày 20/12/2015 đến hết 25/3/2016 nhằm bảo đảm số cơ sở được thanh tra, kiểm tra trên cả nước tăng 10% so với cùng kỳ năm 2015.
Cục sẽ thành lập 6 đoàn liên ngành, tiến hành thanh tra ở 12 tỉnh, thành phố trọng điểm các mặt hàng tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như: Rượu, bia, nước giải khát, thịt, các loại bánh truyền thống. Cơ sở nào không đảm bảo thì rút giấy phép. Thái Hà