Loài bọ cạp núi (tên khoa học là bọ cạp Heterometrus petersii) nổi tiếng cực độc và nguy hiểm. Một lần được theo chân cánh thợ săn bọ cạp ở Phú Thọ, chúng tôi mới hiểu hết những nguy hiểm mà họ phải đối mặt.
Chương trình Chào buổi sáng trên VTV vừa kết thúc, đàn chó nhà anh Tuấn đã sủa ầm ĩ. Từ ngoài cổng, hai chiếc xe máy rồ ga phóng thẳng vào giữa sân.
Đứng trước mặt chúng tôi, Phan và Hưng đã quần áo chỉnh tề, chân đi ủng cao, trên tay cầm sẵn một chiếc xô nhựa cỡ lớn.
Bên trong lỉnh kỉnh những chiếc kẹp sắt, là dụng cụ để bắt bọ cạp. Theo chân cánh thợ săn bọ cạp lên đường, trong lòng tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác hồi hộp, lo lắng.
Vào thung lũng săn bọ cạp khổng lồ
Từ trung tâm xã Xuân Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ, chúng tôi đi theo hướng Tây Bắc trực chỉ khu vực có dãy núi đá vôi, nơi được cho là có loài bọ cạp núi khổng lồ ẩn náu.
Trên đường đi, Phan và Hưng luôn miệng dặn dò: “Các chú nhớ là không được tự ý bắt đâu nhé. Kể cả bọ cạp con cũng không được động vào. Loài bọ cạp núi này độc lắm.
Nó mà chích một cái coi như nằm liệt một chỗ mấy ngày, chân tay tê cứng, sưng phồng không đi nổi đâu”.
Sau khoảng một giờ đồng hồ di chuyển, chúng tôi đặt chân đến một thung lũng nằm giữa những dãy núi đá vôi lớn. Ở đây cây cối rậm rạp, ẩm ướt. Lớp mùn được tạo ra từ những mảng lá cây cũ mới xen kẽ rụng xuống dày cả gang tay.
Phan và Hưng quyết định dừng lại lấy đồ nghề để chuẩn bị săn tìm bọ cạp. Phan giải thích: “Giống này thích nhất ở những kẽ đá hoặc gốc cây mục, nơi có nhiều lá rụng và ẩm ướt. Chỉ cần vạch lớp lá và cành cây lên là thấy hang của chúng”.
Quả thật, chỉ sau một hồi vạch lá tìm kiếm, Phan đã hô lớn:
“Đây một chú. Hưng ơi, mau mang xô lại đây”. Chạy nhanh về phía Phan, chúng tôi như muốn đứng sững lại khi phía dưới đất, một con bọ cạp đen sì, bóng nhẫy đang tựa vào một tảng đá lớn, giơ chiếc đuôi cong vút lên với dáng vẻ vô cùng hung dữ để tự vệ.
Cầm chiếc kẹp sắt trên tay, Phan nhanh nhẹn đè con côn trùng xuống đất, kẹp chặt lại rồi giơ lên cho chúng tôi thấy rõ. Ước chừng con bọ cạp này phải dài gần 10 cm. Trên cái đầu nhỏ xíu của nó, cặp mắt đen tuyền ánh lên cái nhìn đe dọa.
Chiến lợi phẩm đầu tiên bắt được khiến chuyến đi săn của chúng tôi trở nên hào hứng hơn. Mỗi lần phát hiện ra một chú bọ cạp, Phan và Hưng lại gọi chúng tôi đến để xem và giải thích rất tỉ mỉ về cách bắt và công dụng của loài côn trùng nguy hiểm này. “Bây giờ dân nhậu chuộng bọ cạp lắm.
Anh nào có được khoảng chục con đem ngâm rượu thì sướng cứ gọi là như bắt được vàng. Nhưng không phải loài bọ cạp nào họ cũng chuộng đâu.
Riêng loài bọ cạp núi ở Phú Thọ này là đắt giá nhất. Mỗi con người ta thu mua đến vài chục nghìn đồng đấy”, Phan nói.
Theo lời kể của Phan, trước kia, khi số lượng bọ cạp núi còn nhiều và lượng người đi săn bắt chưa phổ biến, mỗi chuyến đi săn, Phan và Hưng có thể bắt được đến vài chục con. Đem bán vội cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng.
Nhưng gần đây, tình trạng săn bắt bọ cạp tràn lan khiến loài này ngày càng trở nên khan hiếm. Những chuyến đi rừng của “cặp đôi” này cũng khó khăn hơn.
Thường thì số bọ cạp bắt được chỉ đủ để họ ngâm rượu hoặc làm quà biếu cho những người thân thiết chứ không đủ để đem bán nữa.
Nghề nguy hiểm
Chuyến đi săn kết thúc khi mặt trời đã lên gần giữa đỉnh đầu. Chúng tôi không về nhà anh Tuấn nữa mà đến thẳng nhà anh Phan, cách đó chừng một cây số.
Cầm tay lắc lắc chiếc xô nhựa lúc nhúc bọ cạp, Hưng hồ hởi: “Chỗ này cũng gần hai chục con, bình thường bán cũng kiếm được vài trăm. Nhưng nay có khách quý phá lệ, làm bữa nhậu cho đã”.
Ngừng một lúc, Hưng tiếp lời: “Các chú đã được nhắm rượu với bọ cạp rán bao giờ chưa? Hôm nay cho các chú được thưởng thức món đặc sản này”.
Anh Phan chen vào: “Các chú yên tâm, riêng về khoản bếp núc thì lão Hưng này giỏi lắm. Hôm nay cho lão vào bếp. Anh em rửa tay chân lên nhà chờ sẵn thôi”.
Gần một tiếng sau, Hưng từ dưới bếp đi lên, trên tay là mâm nhậu đã chuẩn bị sẵn. Một chai rượu chuối hột màu vàng đục để sẵn bên cạnh đĩa bọ cạp rán đen sì, bóng nhẫy.
Đánh bạo gắp một con bọ cạp cho vào miệng cắn cái rốp, cảm giác đầu tiên của tôi là vị béo ngậy pha chút ngọt ngọt, hăng hắc tan nhanh trong miệng xen lẫn mùi vị vô cùng đặc biệt.
Trong phút trà dư tửu hậu, hai thợ săn Phan và Hưng mới bắt đầu bật mí cho chúng tôi những góc khuất thật sự đằng sau cái nghề nguy hiểm mà các anh theo đuổi suốt nhiều năm qua.
Theo lời kể của Phan, khoảng 5-6 năm trước, một nhóm người lạ từ Hà Nội xuất hiện ở đây và nhờ một số người dân địa phương dẫn đi rừng chơi.
Chẳng biết chuyến đi rừng đó họ thấy những gì, nhưng chỉ một tuần sau, họ quay lại và đặt vấn đề thu mua bọ cạp núi với người dân địa phương: “Hồi đó họ mua rẻ lắm, chỉ khoảng 2-3 nghìn đồng/con thôi.
Sau đó thì có nhiều đoàn khác cũng lên mua, giá bọ cạp cứ thế tăng dần. Bây giờ có khi 3-4 chục nghìn đồng/con là chuyện bình thường”.
Cũng vì nguồn lợi đó mà thợ săn bọ cạp từ khắp nơi cũng đua nhau đổ về Xuân Sơn kiếm ăn. Nhưng “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”. Cánh thợ săn bọ cạp, khối người mang tật suốt đời.
Thì ra, trường hợp “tai nạn nghề nghiệp” mà anh Phan nói tới chẳng phải ai xa lạ mà chính là “đầu bếp” của chúng tôi, đó là anh Hưng.
Anh Hưng kể, cách đây khoảng hai năm, trong một lần đi săn bọ cạp trong rừng, sau khi lật một hòn đá lên phát hiện một con bọ cạp lớn đang nép phía dưới, tưởng rằng có mỗi một con, anh thò kẹp xuống định bắt thì bất ngờ từ góc sau hòn đá một con bọ cạp khác xuất hiện chích thẳng vào ngón tay cái Hưng.
Rất may, nhóm người đi cùng phát hiện đã đưa anh đi cấp cứu nên không nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng do lượng nọc độc lớn tiêm vào, ngón tay cái của anh bị sưng vù, tê cứng và thối một mảng lớn.
“Đến bây giờ, ngón tay cái này hoạt động vẫn khó khăn lắm. Nhất là những lúc trái gió trở trời, nó lại đau buốt không chịu được”, anh Hưng giơ ngón tay cái với một vết sẹo to đùng nói với giọng trầm buồn.
Theo anh Hưng, cánh thợ săn bọ cạp bị “tai nạn nghề nghiệp” là chuyện xảy ra như cơm bữa. Có trường hợp một thợ săn bên Cẩm Khê còn bị bọ cạp tiêm nọc độc vào mắt suýt nữa bị mù.
Có lẽ vì nguy hiểm như thế nên thời gian gần đây, phong trào săn bắt bọ cạp ở Xuân Sơn đã dần lắng xuống. Chỉ có một số người địa phương như anh Phan, anh Hưng thi thoảng mới làm chuyến đi săn để đỡ “nhớ nghề”.
Bọ cạp là loài có độc với khoảng 1.500 loài trên thế giới. Trong nọc độc của bọ cạp chứa độc tố ảnh hưởng đến thần kinh, trong đó có chứa một lượng nhỏ protein, natri, cation kali.
Phần lớn bọ cạp có nọc độc không đe dọa tính mạng con người mà chỉ gây ra các phản ứng phụ như đau nhức, tê cứng, sưng nề, nặng hơi.
Tuy nhiên, với những người đề kháng kém, cơ địa mẫn cảm thì ngay sau khi bị cắn có thể chóng mặt, đổ mồ hôi, chảy nước mắt, nước mũi, buồn nôn, cứng chân tay, nặng hơn là co giật toàn thân, bị rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến tử vong.
Khi bị bọ cạp đốt cần làm sạch vết thương, sát trùng tại vết chích bằng povidine 10% hoặc cồn 70 độ, chườm lạnh để giảm sưng. Uống thuốc giảm đau như aspirin, paracetamol... và thuốc kháng histamin H1 làm dịu như phenergan, chlorpheniram, diphenhydramin.
Trong trường hợp vùng da bị đốt bị tổn thương thì dùng thêm corticosteroid, dapson để cải thiện tổn thương da.