"Tham nhũng có 16 tỷ đồng thì cũng chỉ là... con muỗi"

Độc giả Nguyễn Văn Tuấn |

(Soha.vn) - "Nếu nghi án tham nhũng 16 tỷ đồng của nhà thầu Nhật Bản đang gây xôn xao dư luận có thật đi chăng nữa thì tôi thấy cũng chỉ là "con muỗi" so với rất nhiều vụ khác".

Đó là ý kiến của độc giả Nguyễn Văn Tuấn gửi về tòa soạn chúng tôi sau khi "nghi án" nhà thầu Nhật Bản hối lộ quan chức ngành đường sắt Việt Nam 16 tỷ đồng "vỡ lở". Chúng tôi xin đăng toàn văn thư của độc giả này:

Những ngày qua, cá nhân tôi rất khỏi kinh ngạc trước thông tin báo chí Nhật Bản đưa ra về việc một công ty Nhật thừa nhận đã phải hối lộ số tiền tương đương 16 tỷ đồng Việt Nam cho quan chức ngành đường sắt để được trúng thầu một dự án ODA có số vốn rất lớn. Thực sự, nếu các cơ quan chức năng của chúng ta sau khi tiến hành xác minh, điều tra và xác định đây là thông tin chính xác thì rõ ràng vụ việc này là vấn đề hết sức nghiêm trọng.

Chắc hẳn chúng ta cũng chưa quên vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải và Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đại lộ Đông Tây thành phố Hồ Chí Minh, là người trực tiếp dính líu đến vụ hối lộ quan chức Việt Nam của PCI. Những tưởng các bản án sau vụ án này sẽ là bài học, sự răn đe với những kẻ còn đang có ý đồ tham nhũng đến nguồn vốn vay ODA nhưng vụ nghi án tại ngành đường sắt này lại đang đặt ra các câu hỏi lớn.

Mô hình dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên.
Mô hình dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên.

Và một câu hỏi khác mà nhiều người dân như cá nhân tôi cũng muốn đặt ra, đó là còn bao nhiêu vụ tham nhũng, đòi "lại quả" khác liên quan đến các dự án?

Từ thực tế thực trạng tham nhũng mà Đảng, Nhà nước ta đã và đang nêu ra thì cá nhân tôi cũng thấy, đây là vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Tham nhũng dù chỉ là 1 đồng của nhân dân, của đất nước thì cũng có tội nhưng tôi cảm thấy, việc "lót tay" đã xảy ra nhiều tới mức dân ta đã quen nghe báo chí đưa tin. Và tôi có 1 so sánh: Đối với vụ nghi án tham nhũng 16 tỷ đồng từ doanh nghiệp Nhật Bản này, cho dù có được chứng minh là có thật thì nếu so với những "đại án" tham nhũng lớn mà chúng ta đã triệt phá trong thời gian qua thật là quá nhỏ bé, nếu không nói là... muỗi.

Chắc hẳn chúng ta cũng chưa quên, trong buổi làm việc với Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh vào tháng 9/2013, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã nêu mười vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được coi như “đại án”.

Đáng kể rất có thể thấy là đại án tham nhũng Vinalines với hàng loạt quan chức cao cấp bị bắt, khởi tố trong đó có nguyên Cục trưởng Cục hàng hải Dương Chí Dũng...

Theo kết luận thanh tra về tình hình hoạt động của Vinalines vào năm 2012 đã chỉ ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng như mua tàu cũ, đầu tư kinh doanh không hiệu quả,…

Thanh tra Chính phủ cho biết trách nhiệm dẫn tới các hạn chế và sai phạm trong đầu tư, kinh doanh thuộc về tập thể lãnh đạo Tổng Công ty mà đứng đầu là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc và các trưởng ban qua các thời kỳ thuộc giai đoạn 2005-2010.

Kết luận nói Vinalines cũng đã sử dụng nguồn vốn huy động từ trái phiếu sai mục đích, quản lý nguồn vốn, quản lý nợ phải thu chưa tốt, có khoản nợ với số tiền 23.062 tỉ đồng (trên 1 tỷ đôla) kéo dài nhiều năm chưa thu được và có nguy cơ không thu được.

Những bản án nghiêm khắc nhất sau đó đã được tuyên đối với các bị cáo.

Vụ tham nhũng tại Tập đoàn Vinashin cũng đã khiến dư luận phẫn nộ, xôn xao. Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, bị cáo Phạm Thanh Bình, nguyên chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Vinashin, cùng các đồng phạm đã sai phạm trong việc cố tình mua tàu Hoa Sen trái với chỉ đạo của Thủ tướng gây thiệt hại hơn 470 tỷ đồng; bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang không xin ý kiến tập đoàn.

Phê duyệt thực hiện đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định) khi chưa có ý kiến thẩm định của các cơ quan chức năng; nhập các thiết bị công nghệ lạc hậu, gây thiệt hại trên 313 tỷ đồng. Tổng thiệt hại về tài chính tại Vinashin được xác định là hơn 900 tỷ đồng... Không chỉ gây thất thoát lớn cho Việt Nam, Vinashine còn nổi tiếng với khoản nợ vào thời điểm đó lên tới 4 tỷ USD..

Cùng với đó là các vụ tham nhũng xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính 2 (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn - Agribank) với tổng số tiền gây thiệt hại lên tới hơn 530 tỷ đồng. 

Vụ án kinh tế tại Ngân hàng ACB liên quan đến “bầu” Kiên. Trong vụ này, không chỉ bị chiếm đoạt hơn 700 tỷ đồng khi đem đi gửi tại ngân hàng khác, ACB còn thiệt hại gần 688 tỷ đồng trong thương vụ đầu tư cổ phiếu do ông Nguyễn Đức Kiên đạo diễn.

Vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn tại Ngân hàng TMCP Công thương VN liên quan đến Huỳnh Thị Huyền Như. Trong vụ này số tiền chiếm đoạt lên tới hơn 4.900 tỷ đồng và là vụ án lớn nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. Đã có 9 công ty, 4 ngân hàng và 3 cá nhân bị lừa đảo, chiếm đoạt tiền...

Còn nhiều nữa những vụ "đại án" tham nhũng với số tiền thiệt hại lên tới hàng chục, trăm, hàng ngàn tỷ đồng... mà tôi không đủ thời gian và dung lượng nêu ra ở đây...

Những khoản tiền đó ở đâu ra? Ai chịu trách nhiệm về số tiền đó? Tôi cho rằng, chúng tôi là người dân, chỉ biết đặt câu hỏi thắc mắc, không bao giờ nhận được câu trả lời!

Nhìn lại mới thấy rõ ràng, những vụ việc này đã cho thấy thực trạng tham nhũng ở nước ta đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, tinh vi. Con số tham nhũng ngày càng có chiều hướng lớn hơn và những tổn thất, hậu quả cũng theo tỷ lệ thuận.

Như tôi đã nói ở trên, mọi sự so sánh có thể là khập khiễng nhưng nhìn vào thực tế thì chắc hẳn nhiều người sẽ đồng tình với tôi là, đối với khoản tiền 16 tỷ đồng trong nghi án tham nhũng từ đơn vị của Nhật Bản đang gây xôn xao dù có thật đi chăng nữa thì so với những vụ đại án ở trên thì cũng chỉ là... con muỗi mà thôi,

*/ Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại