Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, 180 tư liệu, bản đồ được trao tặng là một phần trong số các tư liệu thu thập được từ Việt Nam và các nước trên thế giới.
Đây là những tư liệu có giá trị pháp lý và lịch sử mạnh mẽ trong việc khẳng định và chứng minh Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với Trường Sa và Hoàng Sa từ rất sớm.
Thậm chí, nhiều tư liệu, bản đồ do Nhà nước phương Tây và chính Trung Quốc công bố hàng trăm năm qua cho thấy Trung Quốc không có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Bộ bản đồ và tư liệu được sắp xếp thành 4 nhóm, gồm các văn bản do triều đình phong kiến Việt Nam ban hành từ thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX; Tập bản đồ 60 bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với Trường Sa, Hoàng Sa do Việt Nam, phương Tây và Trung Quốc công bố từ thế kỷ XVI đến nay; phiên bản 15 văn bản hành chính thuộc Pháp và Việt Nam Cộng hòa về việc thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa; Một số hình ảnh về Trường Sa hôm nay và những đóng góp của ngành Thông tin và Truyền thông, lực lượng Bộ đội Biên phòng trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
“Các tư liệu này thuộc Triển lãm có chủ đề ‘Trường Sa, Hoàng Sa của Việt Nam-Những bằng chứng lịch sử’ đã được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan, các nhà khoa học, các địa phương tổ chức sưu tầm, thẩm định và tổ chức 22 cuộc triển lãm tại 15 tỉnh, thành phố trong cả nước, bao gồm cả đảo Sinh Tồn, Nam Yết, Trường Sa lớn thuộc quần đảo Trường Sa,” Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
Thiếu tướng Lê Thái Ngọc, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, thông qua hai bộ bản đồ này, các cán bộ, chiến sĩ và tầng lớp nhân dân sẽ hiểu rõ hơn về quá trình xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa từ thế kỷ XVI, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia.