Một bạn đọc cho chúng tôi biết, danh bạ điện thoại của Thành ủy và UBND TP. Hồ Chí Minh cũng như các sở, ban ngành TP từ trước đến nay đều là "tài liệu mật".
Nghĩa là rất khó để người dân muốn phản ánh nhanh, trực tiếp các vấn đề đến các quan chức.
Nay Bí thư Thăng mở đường dây nóng, dân rất mừng là có dịp được bày tỏ những điều dân muốn nói, thậm chí là một số bức xúc của họ với các vấn đề nhức nhối ở thành phố thường ngày.
Từ đó, nhiều người đặt vấn đề rằng, thành phố nên công khai số điện thoại lãnh đạo của tất cả các sở, ban ngành, thay vì đóng dấu mật cuốn danh bạ điện thoại đó.
Tuy nhiên, các luật sư lại phản đối việc làm này.
Cuộc sống riêng của lãnh đạo sẽ bị đảo lộn
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng, hãng luật Giải Phóng cho biết ông không ủng hộ hành động của các lãnh đạo công bố số điện thoại cá nhân.
Theo ông Hưng, việc lập đường dây nóng rồi dẫn line từ tổng đài về các phòng ban thì hợp lý hơn.
"Văn phòng của tôi đã áp dụng đường dây nóng kiểu này và nhà cung cấp dịch vụ tính khá rẻ, chỉ vài trăm nghìn, bao gồm cả lưu dữ liệu.
Ở cấp thành phố hay sở ban ngành thì áp dụng điều này còn có ý nghĩa giám sát xem thời gian trả lời, thái độ trả lời của nhân viên nhà nước với người dân. Đối chiếu dữ liệu là thanh tra nhà nước biết ngay và dễ xử lý".
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng
Theo ông Kiều Hưng, cuộc sống riêng tư của các cán bộ sẽ đảo lộn hoàn toàn nếu bị công bố số điện thoại cá nhân.
Đặc biệt, không phải tỉnh thành nào cũng có chủ trương công bố số điện thoại cá nhân lãnh đạo và không phải lãnh đạo nào cũng đồng ý điều này.
"Muốn giải quyết tất cả vấn đề của một thành phố cả triệu dân bằng cách công bố số điện thoại cá nhân là điều không tưởng. Làm như vậy có thể làm rối thêm quy trình hành chính và tăng thêm việc không đáng có cho lãnh đạo."
Không cần thiết phải công bố
Luật sư Nguyễn Tấn Thi, văn phòng luật sư Hoa Sen nhận định: "Tôi nghĩ có 1 sự hiểu lầm khi yêu cầu công khai tất cả các số điện thoại lãnh sở, ban ngành. Vì nhà nước cũng có những bí mật nhà nước theo quy định pháp luật.
Hiện nay các cơ quan nhà nước đa phần đều công bố số điện thoại trực ban để phản ánh. Những có quan có tính chất quan trọng như bệnh viện, phòng cháy chữa cháy và công an thậm chí còn có đường dây riêng.
“Như vậy, việc công khai số điện thoại từng cán bộ là không cần thiết”, LS Thi nói.
Luật sư Nguyễn Tấn Thi
Theo ông Tấn Thi, việc công khai số điện thoại hay không còn phải căn cứ vào quy chế người phát ngôn. Vì người phát ngôn là một nhân vật cụ thể được giao nhiệm vụ phát ngôn về một vấn đề nào đó.
Nếu người không có nhiệm vụ mà lại phát ngôn hoặc chưa đủ thông tin mà phát ngôn thì có thể gây hiểu lầm đáng tiếc.
"Tất cả số điện thoại cơ quan nhà nước lưu hành nội bộ là để cơ quan nhà nước trao đổi thông tin và giải quyết các nhu cầu từ thông tin đó.
Nhưng những số điện thoại tiếp nhận thông tin và số điện thoại phản hồi thông tin có thể khác nhau và quy trình từ tiếp nhận đến phản hồi có một khoảng cách về thời gian."- ông Tấn Thi nhận định.
Luật sư Nguyễn Tấn Thi cho biết: "Lãnh đạo phải giải quyết công việc chung, việc cụ thể do nhân viên khác giải quyết.
Sự kiện các lãnh đạo như ông Đinh La Thăng công bố số điện thoại chẳng hạn, theo tôi là việc tự nguyện biến số điện thoại quen thuộc thành kênh tiếp nhận thông tin mà thôi".