Dự án luật Tiếp cận thông tin lần đầu tiên được đưa ra lấy ý kiến tại UBTVQH sáng nay.
Bàn về giới hạn quy định mở tiếp cận thông tin cho người dân có ý kiến nêu về hội chứng "mật", Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn phàn nàn tài liệu được đóng dấu "mật, tối mật, tuyệt mật" được áp dụng tràn lan.
Thậm chí thư mời đi họp cũng ghi là mật.
Không ít việc khó hiểu như chuyện sức khoẻ ông Nguyễn Bá Thanh cũng bị coi là mật.
Theo Phó Chủ tịch QH, trong khi đó, người dân muốn hỏi về thông tin đang tràn lan trên mạng có thật không nhưng căn cứ vào “mật” thì cơ quan chức năng có quyền từ chối.
“Sức khoẻ ông Nguyễn Bá Thanh sao phải mật? Sao không cung cấp sớm cho báo chí, để báo chí phải canh chụp từ xa, rồi độc quyền ảnh…”- ông góp ý quy định của luật phải mở tối đa quyền tiếp cận thông tin, những gì được coi là mật, tối mật quốc gia cũng phải quy định cụ thể để không trả lời.
Sao không cung cấp thông tin?
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước băn khoăn dự thảo luật chỉ quy định trách nhiệm cung cấp thông tin giới hạn trong các cơ quan nhà nước.
Trong khi các tổ chức chính trị, xã hội đều liên quan đến công dân nên phải bổ sung như đối tượng có trách nhiệm cung cấp thông tin.
Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng quy định cung cấp thông tin do nhà nước nắm giữ như dự thảo luật sẽ tạo ra sự bất bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư, những đơn vị ngoài công lập sẽ có cớ không cung cấp thông tin như học phí, viện phí.
“Cùng là viện phí, học phí nhưng trường công, bệnh viện công phải công bố còn trường tư, bệnh viện tư không cung cấp?”, ông Thi đặt câu hỏi tình huống.
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng thắc mắc những dạng thông tin về kinh doanh xăng dầu, điện nước nếu người dân có yêu cầu có được cung cấp không?
Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa nêu thực tế một người làm ở văn phòng là người cung cấp thông tin không thể hiểu đâu là bí mật quốc gia, an ninh quốc phòng mà chỉ có nơi tạo ra thông tin mới hiểu.
Vì vậy ông cho rằng, trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin phải tính đến trách nhiệm của cơ quan nhà nước và các cơ quan khác có liên quan. Nếu tập trung vào đối tượng cung cấp thông tin thì chưa đồng bộ, thống nhất.
Bí mật đời tư bộ trưởng được thông tin?
Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thắc mắc dự thảo luật quy định việc cung cấp thông tin thực hiện theo các quy định pháp luật, trong đó có thông tin bí mật đời tư.
"Hiến pháp nói thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.
Tôi không rõ bí mật đời tư của anh Cường (Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường - người vừa đọc tờ trình dự thảo luật - PV) có được hiểu thuộc nhóm này của Hiến pháp không?” - bà Mai hỏi.
Theo bà Mai, cần rà soát lại hệ thống pháp luật để phân loại thông tin bí mật, không được cung cấp và thông tin mở để luật được xây dựng rõ ràng, không mơ hồ.
Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn phản ánh quy định về khiếu nại tố cáo tập trung vào người cung cấp thông tin là chưa hợp lý.
Một mặt dự luật cho phép người cung cấp thông tin được từ chối khi thông tin có thể ảnh hưởng đến gia đình, cá nhân, một mặt luật cũng quy định chỉ cần lí do từ chối không phù hợp là bị khởi kiện ngay.
“Tôi là chánh văn phòng QH đọc cái này xong cũng run luôn”, ông bày tỏ.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý nghi ngại "cứ cấm, cứ hạn chế thì dân làm sao tiếp cận thông tin".
"30 năm kinh tế cởi trói rất nhiều rồi, làm sao để cởi trói cho dân tiếp cận thông tin tốt hơn. Tôi đề nghị kèm theo luật, rà soát và có danh mục những thông tin nào bí mật, thông tin nào không.
Giấy mời họp cũng bí mật thì làm gì có cái gì công khai nữa”, ông Lý nói.
Ông nhấn mạnh, cần xóa bỏ văn hóa bí mật trong điều hành đất nước và xác định rõ nguyên tắc thông tin bí mật công tác, bí mật nhà nước, bí mật đời tư là không cung cấp, còn lại đều có thể cung cấp cho dân.
Dự thảo luật quy định chi phí tiếp cận thông tin nếu muốn in ấn, sao chép, chụp, gửi hồ sơ, tài liệu qua đường bưu điện trước khi nhận được thông tin theo yêu cầu khiến Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội phàn nàn.
Bà Mai cho rằng, quy định này sẽ dẫn đến tình trạng “không có tiền không có thông tin”.
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách thì nhắc nguyên tắc Nhà nước là phục vụ công dân.
Dự luật phải quy định người nhận thông tin không phải trả phí trong trường hợp nào, phải trả trong trường hợp nào, đến mức nào.