Sự “thanh thản” của ông Lê Thanh Thản

Bùi Hải |

Không chỉ khi xảy ra vụ hỏa hoạn kinh hoàng ở khu chung cư Xa La (Hà Đông, Hà Nội), người ta mới đặt câu hỏi về sự "lặng lẽ" của ông Thản.

Rất nhiều người đã “lên tiếng” trong vụ cháy: Nạn nhân thì kêu khóc, hoảng loạn; người thân thì la hét, cầu trời; chiến sĩ cảnh sát PCCC thì vật lộn với khói lửa, lạc giọng gọi, cứu người.

Chỉ có một người không xuất hiện và gần như im lặng hoàn toàn. Đó là ông chủ của chung cư - đại gia điếu cày Lê Thanh Thản.

20 tiếng sau vụ cháy, khi nạn nhân còn chưa hết bàng hoàng, những người đã đặt mua chung cư khác của ông Thản chưa hết lo ngại, thì ông Thản nhẹ nhàng cúp máy sau khi trả lời phóng viên một câu ngắn gọn về trách nhiệm của mình:

“Đi xuống Ban quản lý xem đi, tôi đi công tác”.

Lực lượng công an giải cứu người dân trong vụ hỏa hoạn tối 11/10 tại tòa nhà CT4 của chung cư Xa La, Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn/Zing.vn.
Lực lượng công an giải cứu người dân trong vụ hỏa hoạn tối 11/10 tại tòa nhà CT4 của chung cư Xa La, Hà Đông, Hà Nội. Ảnh: Anh Tuấn/Zing.vn.

Như thường lệ, ông chủ của hệ thống chung cư giá rẻ, khách sạn giá cao Lê Thanh Thản, chọn cách ẩn mình một cách “thanh thản” nhất.

Vụ con hổ ở khu sinh thái Trại Bò của ông cắn cụt tay nữ khách ở Nghệ An, dư luận ồn ã một thời gian, rồi cũng im.

Ông Thản không lên tiếng. Theo lý thuyết của các chuyên gia truyền thông, im lặng là cách để sự việc chìm xuồng nhanh nhất.

Tất nhiên, ông Thản có cái lý của mình: Thuộc cấp của ông ở trại sinh thái phải chịu trách nhiệm, không phải cái gì cũng quy cho ông chủ.

Nhưng mấy con thú thì có thể hơi xa với nghề và sự quan tâm của ông, còn các công trình chung cư thì lại là một phần không thể tách rời của ông Thản.

Dù vậy, gần như ông luôn chọn cách im lặng.

Khi 4.000 dân khu chung cư Đại Thanh chịu cảnh mất nước, không cả đủ nước để dội nhà xí trong nhiều tháng trời, hàng sáng phải dậy từ 4h xếp hàng xách từng xô nước, thì ông Thản vẫn cực kỳ kiệm lời.

Dường như người ta chỉ thấy ông lên tiếng một lần duy nhất.

Đương nhiên, đó không phải lời xin lỗi những “thượng đế” khốn khổ của ông, mà là sự đổ lỗi cho công ty cung cấp nước.

Tất nhiên, để bảo vệ mình, công ty cấp nước đã phải tung bằng chứng chứng tỏ chủ đầu tư mới là người có lỗi.

Ở chung cư ông Thản, nhiều người đã quen với việc đi kiện. Kiện vì thang máy gặp sự cố, hầm gửi xe quá tải, rò rỉ ống nước, chất lượng nhà.

Nhiều hộ dân khác còn kiện vì ông Thản bắt họ phải trả cả phần diện tích bao gồm cả tường phủ bì bao ngoài căn hộ, điều mà họ không tìm thấy cả trong hợp đồng lẫn trong các quy định của nhà nước.

Như thể đã quen với các đơn kiện, ông Thản ngắn gọn: “Người dân thích kiện thì cứ đi mà kiện”, dù ông đã phải thừa nhận sai sót đó là do… “khâu đánh máy” và “đã cho nhân viên đánh máy nghỉ việc”.

Tony Fernandes - ông chủ hãng hàng không giá rẻ có lượng khách lớn nhất châu Á AirAsia, không chọn cách im lặng và đổ lỗi, khi khủng hoảng xảy ra.

Ngay sau khi được báo một thông tin kinh hoàng: Chiếc máy bay QZ8501 của AirAsia chở 162 hành khách, bị mất tích, Tony đã lên một máy bay khác đến hiện trường.

Trong sự hoang mang tột cùng, ông vẫn đến bắt tay từng thân nhân hành khách và an ủi, xin lỗi họ.

Dũng cảm đối mặt và minh bạch là cách giúp Tony vượt qua thảm kịch chưa có tiền lệ đó, để tiếp tục trở thành doanh nhân thành công tầm cỡ thế giới.

Ông Thản, với hệ thống tài sản của mình, thậm chí còn có thể giàu hơn Tony (tổng tài sản gần 500 triệu đô la).

Nhưng nếu so về cách hành xử, xử lý khủng hoảng truyền thông của ông Thản với Tony, thì đẳng cấp và sự đàng hoàng thuộc về ai, có lẽ không cần nói.

Những chung cư của ông Thản tạo cơn sốt rất giỏi, dù cực ít người có thu nhập thấp sờ tay được vào các căn hộ giá gốc. Muốn mua, họ phải bỏ ra khoản chênh nhiều khi tới hàng trăm triệu.

Khi dư luận đặt vấn đề có chiêu trò, thì tội nâng giá được đẩy cho “cò”, cho nhà đầu tư chứ ông Thản vô can vì “thị trường tự do, đâu ai cấm được ai mua đâu”.

Khi báo chí và dư luận ồn ã về một vài công trình lớn xây dựng trái quy định, thì ông Thản cũng chẳng cần lên tiếng. Và cuối cùng, chỉ một thời gian ngắn sau, các công trình ấy đều ổn cả.

Tóm lại, trong mọi chuyện lùm xùm, ông Thản đều chọn cách “đứng ở phía sau” giông bão.

Tuy nhiên, bao giờ cũng vậy, giông bão, sau khi quét qua, thường để lại những đổ vỡ.

Sau khi có được căn hộ, “thượng đế” mới ngộ ra rằng: Mình mua nhà để sống, chứ không phải để lo sợ và càng không phải để có thể chết. Chung cư thì còn có thể có giá rẻ, nhưng tính mạng thì không.

Thượng đế quay lưng mới là đổ vỡ lớn nhất trên con đường im lặng của ông Thản.

Quay trở lại vụ cháy ở Xa La, nhiều người dân nói rằng: “Sau vài lần chạy cháy giả, nhiều người tỏ ra thờ ơ với báo động”.

Nguyên nhân là cái còi báo cháy ở chung cư này thỉnh thoảng lại kêu ré lên, dù không hề có cháy.

Cái còi báo cháy này “hồn nhiên” ngược với sở thích ẩn mình của ông chủ Lê Thanh Thản.

Ông Thản cũng thường được biết đến với hình ảnh đi dép lê, ngồi hút thuốc lào dân dã.

Nếu ai nhìn ảnh, rồi nhắm mắt lại mà nghĩ, hẳn sẽ thấy: Chỉ có chiếc điếu cày là dại, phát ra những tiếng lọc xọc khi hút, còn ông chủ của nó, thì luôn biết cách kiệm lời.

Nhưng rõ ràng ở thời đại thông tin này, im lặng nhiều khi không phải là vàng.

Pháp luật sẽ không bỏ qua nếu ai đó im lặng trước tiếng kêu cứu của người dân, trước sự đe dọa tính mạng và tài sản nhọc nhằn của họ.

Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Phó GĐ Sở PCCC Hà Nội cho biết: "Nếu đủ căn cứ thì cần khởi tố vụ án hình sự, để điều tra xử lý các hành vi sai phạm có liên quan".

Không ai có thể im lặng khi tiếng còi hụ xe cứu hỏa vang lên.

Bởi khi ấy, im lặng, sẽ trở thành kẻ thù của “thanh thản”!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại