Rùa Đồng Mô hiện ra sao?

Hoàng Đan |

Theo ông Tim, từ năm 2007, ATP đã xác nhận được một cá thể rùa hoang dã cùng loài với rùa Hồ Gươm đang sống ở hồ Đồng Mô và hiện được theo dõi thường xuyên.

Sự ra đi của "cụ rùa" hồ Gươm đã nhận được nhiều sự chú ý của dư luận xã hội. GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, từ lâu hồ Hoàn Kiếm luôn gắn với hình ảnh rùa Hồ Gươm.

Do đó, ông đề xuất đưa rùa hồ Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) - là họ hàng cùng loài để về thay thế. Xung quanh đề nghị này đã có nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau.

Để có cái nhìn rõ ràng hơn về rùa Đồng Mô hiện nay ra sao, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Tim McCormack, Giám đốc Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP), tổ chức đang theo dõi, bảo vệ, chăm sóc rùa Đồng Mô.

Theo ông Tim McCormack, tại hồ Đồng Mô, chỉ có cá thể rùa hoang dã cùng loài Rafetus swinhoei được xác nhận từ năm 2007 cho đến thời điểm này.

"Rùa được theo dõi thường xuyên bởi đội ngũ nhân viên của chúng tôi. Con rùa này còn khá trẻ, khoảng 40-50 tuổi, tình trạng sức khỏe tốt và nhiều khả năng đã lớn lên trong hồ từ những năm 70", ông Tim McCormack cho hay.

Cũng theo ông Tim McCormack, hiện chương trình đã đạt được thỏa thuận với chủ hồ và ngư dân trong khu vực về việc thiết lập một khu cấm đánh bắt tại hồ này để bảo vệ con rùa kể trên.


Ảnh rùa Đồng Mô được cứu hộ năm 2008. Ảnh do chương trình ATP cung cấp.

Ảnh rùa Đồng Mô được cứu hộ năm 2008. Ảnh do chương trình ATP cung cấp.

"Các lực lượng chức năng của địa phương đã luôn ủng hộ chúng tôi trong việc tuyên truyền các biện pháp tăng cường hiểu biết của người dân để bảo vệ rùa.

Ngoài ở đây, tại các sông hồ khác của Việt Nam, người dân cần được giải thích để hiểu rõ việc sử dụng cần câu hay lưới bắt cỡ lớn để bắt rùa có thể gây ảnh hưởng tới sinh thái.

Chúng tôi cũng rất mừng là hiện không ai tìm cách bắt rùa Đồng Mô", ông Tim McCormack thông tin.

Về thông tin cho rằng rùa Đồng Mô có nhiều nét tương đồng với rùa Hoàn Kiếm và rằng, 2 con rùa này là cùng loài, theo ông Tim McCormack, cộng đồng quốc tế công nhận 2 con rùa này cùng một loài.

"Một bản báo cáo di truyền học cũng chứng minh điều này", ông Tim cho biết thêm.

Trước đề nghị nên đưa rùa Đồng Mô về thay thế "cụ rùa" Hồ Gươm mới qua đời, ông Tim đã bày tỏ, đây là một giải pháp không phù hợp.

Ông nói: "Việc mang một con vật từ môi trường sinh thái tự nhiên tới một nơi đô thị hóa như vậy sẽ không đem lại lợi ích gì cho tuổi thọ lâu dài của nó.

Chúng ta đã thấy quá nhiều mối nguy hại cho sức khỏe rùa Hồ Gươm như việc xả rác bừa bãi, câu cá của người dân, cũng như môi trường nước ô nhiễm. Báo chí đã đưa tin về các vấn đề này rất nhiều.

Khi rùa Hồ Gươm bị bệnh vào năm 2011, đã có hình ảnh ghi lại dấu vết móc câu hằn trên mai rùa, điều này cộng với tình trạng nước ô nhiễm nhiều khả năng đã gây bệnh cho rùa".

Ông Tim cũng đề nghị, chúng ta cần tạo môi trường tốt để rùa cùng loài với rùa Hồ Gươm (Rafetus Swinhoei) có thể được nuôi và nhân giống.

"Chương trình Rùa Châu Á thuộc Hiệp hội Bảo tồn Indo-Myanmar đã đề xuất một số ý tưởng nhằm đẩy mạnh thảo luận về vấn đề này, cũng như kêu gọi các đối tác trong và ngoài nước góp phần vào chiến dịch nhân giống cho Rafetus Swinhoei.

Trong tương lai, nếu chương trình này thành công, thì một "rùa Hồ Gươm" khác có thể xuất hiện trở lại, nhưng hiện nay thì chưa phải lúc", ông Tim nhấn mạnh.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại