"Giờ thế này ai còn dám ăn rau nữa"
Sau vụ bê bối tuồn rau không rõ nguồn gốc vào các trường học ở Hà Nội, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Công ty cổ phần rau quả Trung Thành để tìm hiểu, xác minh thêm thông tin.
Về xã Vân Nội, nơi được mệnh danh là vựa cung cấp rau cho thành phố Hà Nội thì việc những công ty hay đầu mối cung cấp rau cho các bếp ăn như Công ty Trung Thành nhiều vô kể.
Trở lại Vân Nội ngay sau khi xảy ra vụ bê bối của Công ty Trung Thành, dân tình ở đây đang khá xôn xao.
"Vậy là thêm một vụ nữa làm mất uy tín của rau Vân Nội. Như thế này thì rau chúng tôi sản xuất ra bán cho ai nữa", bà Hương, trú tại xóm Vân Trì (Vân Nội) thở dài.
Lượng rau không rõ nguồn gốc mà Công ty Trung Thành gắn mác rau sạch để cung cấp cho trường học (ảnh cắt từ clip của VTV)
Điều lo lắng của người dân không phải không có cơ sở, vì năm ngoái một bê bối rau bẩn khác ở HTX Ba Chữ bị cơ quan chức năng phanh phui khi tuồn rau bẩn vào các siêu thị ở Hà Nội, cũng đã ảnh hưởng đến họ.
Sau mỗi lần như vậy, uy tín mất dần và người nông dân lại lãnh đủ.
Ông Trần Văn Thạo, Giám đốc Công ty rau quả Trung Thành cho biết: "Sau khi xảy ra vụ việc đó người ta cắt hợp đồng hết rồi".
Theo tìm hiểu của PV, Công ty Trung Thành đi lên từ việc buôn bán rau ở chợ, thời gian gần đây mới đi vào kinh doanh rau sạch. Năm vừa rồi họ mới chào hàng và ký hợp đồng cung cấp rau với khoảng 7 trường tiểu học, mầm non ở quận Tây Hồ.
"Mỗi ngày, chúng tôi cung cấp cho các trường ở quận Tây Hồ khoảng 2 tạ rau, vị chi mỗi trường khoảng 20 - 30 kg rau, củ các loại, có nhiều nhặn gì đâu", Giám đốc Công ty này tiếp tục than thở.
Theo tài liệu chúng tôi có được, Công ty Trung Thành hoạt động theo mô hình công ty gia đình, nhân viên của ông Thạo đa số là người thân, họ hàng. Họ vừa sản xuất rau vừa kiêm luôn việc sơ chế trước khi xuất sang các bếp ăn trường học.
"Hai hôm nay gần như công ty không hoạt động. Có ai mua nữa đâu, cuối năm rồi...", một nhân viên của công ty này chia sẻ với chúng tôi.
Ông Thạo cho biết, sáng 14/1 ông biết tin xảy ra sự việc nên tức tốc sang làm việc với Thanh tra Sở NN&PTNT và các cơ quan liên quan. Tại cuộc họp này, ông cũng không biết giải thích như thế nào.
Trao đổi với PV, ông Thạo thừa nhận, đã để nhân viên ra “chợ đen” thực chất là chợ đầu mối Vân Trì để mua rau, sau đó về sơ chế lại trước khi cho nhân viên đi cung cấp cho các trường học ở quận Tây Hồ.
Nói về diện tích trồng rau sạch của công ty, ông Thạo cũng thừa nhận là không đủ và đúng như trong hồ sơ năng lực của công ty khi đi chào hàng.
Giải thích về việc trộn rau chợ với rau sạch mình trồng, ông Thạo cho rằng, chả lẽ mình chỉ sản xuất được một loại rau mà mang rau đó đi nhập. Thiếu thì phải bổ sung bằng việc mua thêm từ bên ngoài chứ.
"Rau đó mua từ chợ Vân Nội thì cũng do bà con ở xã sản xuất mà. Nói là rau không rõ nguồn gốc, nhưng thực chất là các xã viên của các HTX ở Vân Nội sản xuất ra", vị này giải thích thêm.
Sau đó, Giám đốc Công ty Trung Thành tiếp tục thở dài: "Giờ thông tin như thế này thì ai dám ăn nữa".
Lãnh đạo xã "than trời" sau bê bối rau
Theo tìm hiểu của PV, sau khi để mất uy tín thương hiệu làng rau Vân Nội bằng vụ bê bối trộn rau chợ vào rau sạch, ông Thạo đã xin lỗi xã viên HTX vì không thể bao tiêu sản phẩm cho họ được nữa.
"Người dân họ nghĩ, anh làm ảnh hưởng đến cả nền nông nghiệp sản xuất rau sạch ở xã Vân Nội.
Tôi cũng thừa nhận có lỗi, vì hàng rau sạch mà vận chuyển lại bằng xe máy thô sơ, lẽ ra phải là xe đông lạnh. Tôi cũng có xe đông lạnh, nhưng hôm đó xe bị hỏng với lại chở vào phố bằng xe tải nó cũng phức tạp nên chở đại bằng xe máy.
Nói thật, nếu nhìn vào chiếc xe chở từng túi rau như thế vào trường học thì cũng thấy không an toàn, nhìn xếp túi, xếp bó, bẩn thỉu…", ông Thạo một lần nữa giải thích.
Liên quan đến vụ bê bối này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Nguyễn Tôn Tính, Phó Chủ tịch xã Vân Nội.
"Rau củ quả làm nhức hết cả óc”, Phó Chủ tịch xã Vân Nội nói.
Ông Nguyễn Tôn Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Nội trao đổi với PV
Theo phân tích của ông Tính, khi người nông dân sản xuất thừa thì không có ai đứng ra bao tiêu hết sản phẩm, buộc lòng họ phải mang ra chợ bán.
Doanh nghiệp cung cấp rau sạch mà ra chợ mua để đưa đi cung cấp là sai, nhưng kỳ thực thì rau bán ở chợ cũng do nông dân sản xuất và nó cũng đảm bảo.
Nhưng vì người dân sản xuất ở đây chưa đủ độ tin cậy chứ không phải là không rõ nguồn gốc, càng không thể nói là rau bẩn.
Ông Tính cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần kiểm tra ngay rau đó có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá ngưỡng không, dư lượng các kim loại nặng quá ngưỡng hay không, chứ không vội đưa ra kết luận là rau bẩn hay rau không an toàn.
Nói về Công ty Trung Thành, ông Tính cho biết đây là bê bối đầu tiên mà công ty này gây ra.
Theo ông Tính, công ty này ký hợp đồng với HTX rồi HTX ký đại diện với nhân dân.
"Lẽ ra công ty phải làm việc với HTX để họ nhập rau về cho, sau đó Trung Thành đưa đi giao cho khách hàng. Thế mới đúng quy trình. Tuy nhiên, nếu làm vậy thì rau không được tươi nữa", ông Tính nói.
Nói về hậu bê bối rau này, vị Phó Chủ tịch UBND xã Vân Nội lo lắng bà con sẽ "chết dần" sau sự việc này. Trước khi xảy ra vụ trộn rau tai tiếng trên, giá rau bán ở Vân Nội chỉ khoảng 1.000 đồng/kg, nhưng từ bây giờ có thể sẽ phải đổ đi.
“Nông dân đang cực khổ, nhưng có ai hiểu đâu”, ông Nguyễn Tôn Tính kết luận.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.