Vốn bản tính tinh nghịch có sẵn, lại “cậy chủ nhà”, đàn khỉ lên tới hơn ngàn con trên đảo khiến không ít du khách dở khóc dở mếu khi bị chúng “phá”.
Tỏ tình kiểu... khỉ
Sau khi mua vé tàu khứ hồi giá 50 ngàn đồng ở vịnh Nha Phu, chúng tôi lên chiếc tàu nhỏ để ra đảo.
Anh lái tàu kiêm hướng dẫn viên tên Hùng, 45 tuổi, tỏ ra dễ mến và có vốn kiến thức kha khá về đảo khỉ, giới thiệu: khỉ trên đảo là giống Macaca Rhérus và Fassicularit mặt đỏ.
Loài này nằm trong sách đỏ đấy. Tôi chưa thấy khỉ ở đâu quậy như ở đây.
Mấy con khỉ đực có máu dê khiếp lắm, cứ gặp con gái là nó sáp vô, chọc ghẹo tới bến, đến khi mấy cô sợ bỏ chạy mới thôi. Mọi người chú ý đồ dùng cá nhân như điện thoại, ví tiền, sơ hở là nó giật, chạy biến vào rừng, không đuổi kịp đâu.
Ở đây nhiều người bị nó giật điện thoại, xong trèo tót lên cây, ngồi bấm bấm như thật. Khách chỉ biết ngồi dưới than trời”.
Tôi thắc mắc: “Thế là mất luôn à?”. Anh Hùng cười: “Nhiều người mất đồ rồi đó. Một lần, có người bị nó giật, anh ta mượn điện thoại của bạn, gọi vào số của mình, chuông điện thoại reo, con khỉ giật mình, buông tay làm rơi chiếc điện thoại.
Tuy không mất, nhưng chiếc điện thoại cũng vỡ, không dùng được".
Tàu cập bến, đón chúng tôi là một lũ hơn chục đệ tử hầu vương. Gặp khách viếng thăm, chúng nhô nhào, nhảy nhót, rồi lẽo đẽo theo sau, nhiều con bạo dạn nhảy lên người khách.
“Trong thế giới loài khỉ, cũng có “luật”, có sự phân chia đẳng cấp đấy. Cao nhất là khỉ chúa, hay gọi vui là hầu vương, thấp hơn có khỉ thái giám, rồi khỉ bầy và cả khỉ… bụi đời.
Đàn khỉ ở khu vực vườn dừa chính là khỉ bụi đời. Vì vi phạm luật bầy đàn như dám ve vãn, “tranh” người đẹp của hầu vương, gặp khỉ chúa không chào hỏi, giành ăn… nên bị khỉ đầu đàn đánh, đuổi ra khỏi bầy.
Các anh thấy không, hàng ngàn cây dừa trên đảo chẳng cây nào có trái. Vì hễ dừa vừa ra trái là lũ khỉ bụi đời leo lên vặt sạch”, anh Hùng kể.
Trong đám khỉ bụi đời, không chỉ có khỉ đực, mà còn có cả những “nàng” khỉ xinh xắn. Anh Hùng giải thích, những cô khỉ này cũng vì phạm “luật” ngoại tình, không chịu an phận, có chúa hầu vương rồi còn muốn cặp kè với mấy chàng khỉ trẻ khác.
Vì thế, cũng bị “lưu đày”. Ngoài ra, còn những “bà” khỉ sồn sồn, nhan sắc tàn phai không vừa mắt hầu vương nên cũng bị cho ra rìa”.
Nghe anh Hùng kể, dù không biết đó là chuyện thật hay chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng, nhưng chúng tôi ai cũng cũng “mắt tròn mắt dẹt”, dỏng tai nghe.
“Mấy con khỉ bụi đời nó “liều” lắm, sẵn sàng thò tay vào áo mấy cô gái để tìm mấy hạt đậu phộng vừa lọt vào. Cũng có khi đang đứng bên đường, thấy cô gái trẻ đi ngang, nó nhe răng cười khẹc khẹc, tay gãi khắp người làm duyên.
Đôi khi, đứng trên cành cây, cô gái nào đi ngang, nó tỏ tình bằng cách rất… khỉ là dạng chân tè xuống”, anh Hùng kể tiếp.
Điều thú vị là trong khi đám khỉ bụi đời đực chỉ bám khách nữ, thì những "chị" khỉ lại tập trung vào khách đàn ông!
Khi xin đồ ăn không được, chúng không đủ kiên nhẫn chờ đợi, nhào vào cướp ngay trên tay khách rồi thoăn thoắt trèo lên cây liên tục nhét đầy bầu diều hai bên cổ.
Đàn khỉ này thuộc 2 chủng là Macaca Rhérus và Macaca Fassicularit, là loài khỉ đuôi dài. Khoảng những năm thập niên 60 (thế kỷ XX), khỉ được đưa ra đảo nuôi để xuất khẩu sang Liên Xô cũ, phục vụ cho công tác nghiên cứu và điều chế vắc-xin. Khi Liên Xô tan rã, việc xuất khẩu cũng chấm dứt. Kể từ đó, đàn khỉ sinh sôi ngày một đông đúc hơn, lên đến khoảng 1.200 con. Hiện nay, trên đùi, bụng một số “cụ” khỉ vẫn còn những con số, ghi năm chúng được ra đảo.
“Đó là nơi dự trữ đồ ăn của tụi nó. Khi hết khách, chúng sẽ tìm chỗ kín đáo móc từng miếng ra nhấm nháp”. Giải thích đến đây, anh Hùng cho biết không ít lần anh chứng kiến cảnh đám khỉ choảng nhau loạn xạ, tiếng kêu la inh ỏi. Sau một hồi, con thắng dùng tay móc đồ ăn trong miệng con thua, bỏ vào miệng mình.
Cuộc chiến giành ngôi vương
Qua khỏi rừng dừa, nơi đàn khỉ bụi đời cư ngụ, chúng tôi gặp một số con khỉ khá to, mặt đỏ, đuôi cong lên chứ không cụp xuống như nhiều con khác, dáng vẻ rất oai vệ.
“Hầu vương đấy”, anh Hùng cho biết. “Chiếc đuôi ấy là biểu tượng của quyền lực. Mỗi bầy khỉ có từ 50 đến 100 con do một con khỉ chúa cai quản. Địa bàn của chúng là nơi “bất khả xâm phạm”, được đánh dấu bằng nước tiểu.
Chỉ cần một con khỉ chúa từ địa bàn khác sang, chúng sẽ biết ngay, sẽ lập tức đi tìm và đánh nhau với nó để đuổi kẻ xâm nhập bất hợp pháp đi.
Nếu khỉ chúa bại trận thì cái đuôi của nó sẽ cụp xuống. Và nó sẽ tự động tách đàn, vào rừng sâu sống đơn độc đến lúc chết. Cũng có con gia nhập đám khỉ bụi đời, chấp nhận cảnh chịu ngang hàng với đám khỉ dở hơi. Còn kẻ chiến thắng sẽ cong đuôi lên, thay thế vị trí”.
Trong thế giới loài khỉ, chuyện thắng làm vua, thua làm khỉ bụi đời rất rõ nét. Khi lên ngôi, con khỉ chiến thắng sẽ thừa hưởng giang sơn của kẻ chiến bại, kể cả đàn khỉ cái.
“Thông thường bầy khỉ có trên 40% là con cái. Ở ngôi vua, con khỉ đầu đàn có trách nhiệm bảo vệ, chăm lo cho đám chị em này, kể cả những đứa con của đời “vua” trước.
Chiếc vương miện của nó sẽ không còn nữa khi bị con khỉ nào đó ở bầy khác hoặc trong bầy làm cuộc cách mạng, công khai thách đấu và hạ bệ được lãnh chúa”.
Tôi hỏi: “Còn lý do nào khiến khỉ chúa mất ngôi không?”, anh Hùng đáp: “Có chứ. Ấy là khi khỉ chúa không đủ sức đáp ứng nhu cầu cho đám khỉ cái mấy chục con trong đàn nên bị chúng “đình công”, tẩy chay”, anh Hùng vừa nói vừa cười.
Quả thật, vốn kiến thức làm vui lòng khách của anh Hùng không chê vào đâu được. Anh có thể kể liên tục cả buổi, những câu chuyện rất thú vị về khỉ mà không hết. Nhờ có anh mà tôi biết vì sao có khỉ thái giám.
“Đó là cuộc chiến giành ngôi vương của 2 con khỉ chúa. Một con cắn đứt bộ phận sinh dục của của đối thủ. Vẫn là khi đực, nhưng không còn “làm ăn” gì được nữa, nên gọi là khỉ thái giám”.
Chỉ vào những con khỉ cái đang cõng con trên lưng, anh Hùng hỏi: “Các anh có biết có con khỉ con thì nằm trên lưng mẹ, nhưng có con lại ôm dưới bụng mẹ nó không?”.
Khi thấy mọi người im lặng, anh mới thủng thẳng giải thích: “Khỉ mang thai, sinh con như người, cũng một năm sinh một con và cho con bú bằng sữa mẹ.
Sau khi sinh, khỉ con sẽ bám chặt bụng mẹ. Với những khỉ con được cõng trên lưng, nó không phải con ruột mà là con nuôi.
Mẹ nó trước đó vì một lý do nào đó như hỗn hào, không chấp hành luật, hay “ngoại tình” chẳng hạn, nên bị hầu vương trừng phạt, bị trục xuất khỏi đàn, hoặc có thể chết vì lý do nào đó.
Trước tình cảnh đó, những con khỉ cái trong đàn sẽ thay phiên nhau cõng con khỉ con mồ côi mẹ trên lưng và lo cho khỉ con đến khi nó có thể tự kiếm ăn được”.