Khai mạc kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII
Sáng 21/3, kỳ họp thứ 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII đã chính thức khai mạc. Trước khi diễn ra phiên khai mạc, Quốc hội đã họp phiên trù bị vào đầu giờ sáng.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, kỳ họp thứ 11 này là kỳ họp rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực còn diễn biến phức tạp, khó lường.
Cũng theo ông Hùng, đây kỳ họp có khối lượng công việc khá lớn, với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, xem xét, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2015.
"Ngoài ra, kỳ họp còn xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước; xem xét Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 11.
Báo cáo kết quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 10 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác", ông Hùng nói thêm.
Bội chi ngân sách tăng cao
Thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Báo cáo của Chính phủ cũng nhấn mạnh: Ba đột phá chiến lược được tập trung thực hiện và đạt kết quả tích cực. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ, cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, còn thất thu ngân sách. Tổng thu ngân sách nhà nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi thường xuyên và chi trả nợ; toàn bộ chi đầu tư phải dựa vào nguồn vay nợ của Chính phủ.
Bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP. Tỷ lệ nợ công/GDP vào cuối năm 2015 khoảng 62,2%, nợ Chính phủ/GDP là 50,3% (mục tiêu là 50%). Nợ nước ngoài của quốc gia/GDP 43,1%.
"Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn; nợ Chính phủ đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP so với quy định là không quá 50%); sử dụng vốn vay ở một số dự án kém hiệu quả và còn thất thoát, lãng phí.
Đóng góp của khu vực kinh tế trong nước vào tăng trưởng xuất khẩu thấp...", ông Phúc nói.
Công tác phòng, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi; tham nhũng lãng phí vẫn còn nghiêm trọng. Kê khai tài sản còn hình thức.
Tiềm lực quốc phòng, an ninh chưa đáp ứng được yêu cầu. Bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức.