"Trung Quốc xả nước là động thái tích cực"
Bên hành lang Quốc hội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh về vấn đề liên quan đến việc Trung Quốc xả nước.
PV: Thưa Phó Thủ tướng, Liên Hợp quốc dự kiến hỗ trợ Việt Nam trong việc chống biến đổi khí hậu, Việt Nam đã tiếp nhận thông tin này như thế nào và đang có động thái gì?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Hiện Bộ Ngoại giao và các cơ quan đang làm. Đây là chương trình của Liên hợp quốc, khi mà trên thế giới nhiều khu vực, nhiều nước xảy ra tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn thì sẽ nhờ đến sự hỗ trợ.
Việt Nam sẽ là một trong những nước được hỗ trợ.
PV: Vậy nếu được Liên Hợp Quốc hỗ trợ thì những chính sách cụ thể mà chúng ta nhận được là gì?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Việc hỗ trợ cụ thể như thế nào còn phụ thuộc vào việc vận động. Sau khi có chương trình thì Liên Hợp Quốc phải đứng ra vận động, từ đó có hỗ trợ cho các nước về hạn hán và xâm nhập mặn.
Như vừa qua chúng ta gặp phải tình hình xâm nhập mặn và hạn hán như thế, chúng ta đã yêu cầu các nước trên dòng sông Mê Kông phải sử dụng bền vững dòng nước trên sông Mê Kông.
Việc Trung Quốc xả nước, cũng là động thái tích cực để làm sao nguồn nước trên sông Mê Kông được sử dụng. Sau khi Trung Quốc xả nước ở các đập thủy điện trên các dòng sông nhánh của sông Mê Kông thì lượng nước cũng tăng lên.
Không phải chỉ là riêng trong năm nay mà rất nhiều năm cần phải sử dụng nguồn nước trên dòng Mê Kông bền vững, hiệu quả.
Hiện, ta đã có cơ chế pháp lý về sông Mê Kông gồm 4 nước Hợp tác sông Mê Kông - Lan Thương trong đó có Trung Quốc và Myanmar và đây sẽ là cơ sở để tăng tính bền vững trong sử dụng.
PV: Thưa Phó Thủ tướng, như vậy, hợp tác Mê Kông - Lan Thương sẽ được thực hiện như thế nào?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Đây là cơ chế mới về sông Mê Kông, sông Lan Thương thực ra cũng là sông Mê Kông. Ủy hội sông Mê Kông quốc tế được thành lập năm 1995 và chỉ có 4 nước hạ lưu gồm Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan.
Trong đó có điều khoản quan trọng là phải sử dụng bền vững nguồn nước dòng sông Mê Kông vì sông Mê Kông có tác động trực tiếp đến tất cả các nước. Myanmar và Trung Quốc thì chưa là thành viên của Ủy hội sông Mê Kông.
Việc thành lập cơ chế mới này, hợp tác sông Mê Kông – Lan Thương, gồm có 6 nước hợp tác thì có 5 lĩnh vực được ưu tiên gồm:
Phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, quản lý bền vững nguồn nước và các nước đưa ra cơ chế hợp tác mới, với dự án cụ thể để hợp tác theo cơ chế này.
Và Việt Nam cũng sẽ là thành viên tích cực trong quản lý và sử dụng bền vững dòng sông Mê Kông.
Ứng xử với Trung Quốc như thế nào?
PV: Vậy Trung Quốc thì đón nhận vấn đề này như thế nào thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Đây cũng là sáng kiến chung của Trung Quốc, đó là cơ chế mới và Trung Quốc bước đầu có cam kết cụ thể như có nguồn tài trợ trong 1 số quỹ.
Tất nhiên không phải là nguồn tài trợ cho không nhưng nguồn tài trợ này sẽ được phục vụ để thực hiện cơ chế hợp tác này.
PV: Nhưng Trung Quốc xây dựng rất nhiều đập thủy điện trên dòng sông này, và còn nhiều đập chưa xây hết. Họ cam kết nhưng họ vẫn cứ xây dựng thì sẽ như thế nào thưa Phó Thủ tướng?
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Cơ chế hợp tác này là mới và trước đây có Ủy hội sông Mê Kông quốc tế chỉ có 4 nước.
Ủy hội sông Mê Kông này có quy định về phát triển các đập thủy điện và nguồn nước sông Mê Kông giữa 4 nước với nhau, khi xây dựng đập thủy điện thì phải có sự thông báo. Hiện các nước đang tuân thủ và tôn trọng.
Nhưng ta không có cơ chế như Ủy hội sông Mê Kông với Myanmar và Trung Quốc, do đó chưa có cơ chế các nước thượng nguồn phát triển thủy điện.
Hiện nay cơ chế hợp tác Lan Thương - Mê Kông có đưa vấn đề phát triển bền vững nguồn nước thì có hàm ý đó.
Trung Quốc phát triển các đập thủy điện trên dòng sông Lan Thương rồi, nên đặt ra vấn đề là xả nước và sử dụng nguồn nước như thế nào?
Tôi nhấn mạnh lại là không có một cơ chế trên thượng nguồn mà chỉ có cơ chế của 4 nước ở hạ nguồn.