Quốc hội "lệnh" tiếp tục giữ môn Lịch sử

Hoàng Đan |

Đó là nội dung tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 của Quốc hội chiều nay (27-11).

Sau hơn một tháng làm việc, chiều nay (27/11), kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành tốt đẹp chương trình làm với nhiều quyết định quan trọng.

Tiếp tục giữ môn học lịch sử

Tại phiên bế mạc, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết có tên: “tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội Khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn”.

Trong nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu “thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm mục tiêu, yêu cầu và nội dung nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông”.

“Tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới.

Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục gắn với hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh” - nghị quyết viết.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan hữu quan “tiếp tục thực hiện có hiệu quả, tạo chuyển biến rõ hơn về cải cách hành chính nhà nước.

Xây dựng lộ trình và chỉ tiêu thực hiện cho các năm, bảo đảm mục tiêu chung đến năm 2021, tinh giản tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, năm 2015 tình hình kinh tế - xã hội nước ta có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực.

Chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được nâng lên. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

Tiềm lực quốc phòng tiếp tục được tăng cường; độc lập, chủ quyền Quốc gia được giữ vững. Hoạt động đối ngoại song phương, đa phương được mở rộng và đạt được những kết quả nổi bật...

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng phát biểu bế mạc.

Bên cạnh đó, cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn; chất lượng tín dụng chưa cao; tái cơ cấu trong một số ngành, lĩnh vực chậm.

Cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương công vụ chưa nghiêm; tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo đứng trước những thách thức mới.

Năm 2016, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể, tập trung đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược; nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế...

Đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo chuyển biến rõ nét về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường quốc phòng, an ninh.

Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; kiên quyết đấu tranh gìn giữ hòa bình, bảo vệ vững chắc chủ quyền Quốc gia...

Yêu cầu Thủ tướng CP, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục thực hiện có kết quả những cam kết về trách nhiệm đã hứa trước Quốc hội và cử tri cả nước, làm cơ sở để QH khóa XIV tiếp tục giám sát việc thực hiện, đáp ứng yêu cầu của nhân dân.

Thủ tướng đã trả lời rất rõ ràng

Đánh giá về kỳ họp này, ông Nguyễn Sỹ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, đây là một trong những kỳ họp dài nhất và đồ sộ nhất trong khóa này.

Đồng thời, tại kỳ họp này, theo ông Dũng, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia cũng như bầu chức danh mới là Tổng thư ký Quốc hội.

Về vấn đề chất vấn Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, đây là lần đầu tiên Quốc hội tiến hành chất vấn và chất vấn lại các thành viên Chính phủ.

Với 140 câu hỏi đã được các Bộ trưởng trả lời thỏa đáng và cử tri hoan nghênh.

"Có 27 câu chất vấn dành cho Thủ tướng CP nên do nhiều câu hỏi nên Chủ tọa đã dành thời gian thỏa đáng cho Thủ tướng trả lời. Thủ tướng đã có bài phát biểu, chuẩn bị kỹ, bao hàm tất cả nội dung câu hỏi, trả lời. Thủ tướng trình bày bản báo cáo đầy đủ.

Về câu hỏi của 3 đại biểu liên quan đến Biển Đông, Thủ tướng đã trả lời rất rõ ràng và sau đó kết thúc", ông Phúc nêu.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc (giữa) chủ trì buổi họp báo sau kỳ họp.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc (giữa) chủ trì buổi họp báo sau kỳ họp.

Liên quan đến bài phát biểu của Tập Cận Bình tại phòng họp Diên Hồng, nhưng sau đó khi sang Singapore, ông Bình lại có những phát biểu ngược lại, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay:

Trong dịp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam có đề nghị vào thăm, phát biểu tại Quốc hội Việt Nam. Trong bài phát biểu, ông Bình đề cập vấn đề, làm sao giảm bớt bất đồng.

Cố gắng tìm những giải pháp tăng cường gặp gỡ, đối thoại cấp cao để hạn chế bất đồng.

"Tôi nghĩ rằng, người đứng đầu đất nước đã nói như thế còn chuyện sang Singapore phát biểu như thế là góc độ viện nghiên cứu.

Sau 9 năm, người đứng đầu Nhà nước Trung Quốc sang thăm chúng ta, phát biểu trước Quốc hội như thế thì cho thấy dấu hiệu nồng ấm trong quan hệ, cùng nhau trao đổi.

Cũng như các khác biệt sẽ cùng nhau trao đổi theo bình đẳng trên cơ sở luật pháp quốc tế, công ước về Luật Biển năm 1982, tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và kiên trì điều đó.

Chúng ta là láng giềng nên phải chung sống hòa bình, hữu nghị và cùng nhau hợp tác, phát triển kinh tế. Đồng thời, chúng ta cũng phải đảm bảo công tác an ninh, an toàn hàng hải, hàng không, kiên quyết đấu tranh, đảm bảo chủ quyền", ông Phúc nhấn mạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại