Ông Nguyễn Thanh Chấn thoát nạn trong ngày đầu trở lại nghề cũ

Tiêu Tuấn |

(Soha.vn) - Ngoài làm các việc vặt trong gia đình, ông Nguyễn Thanh Chấn đã bắt đầu “khởi động” chiếc máy xát từ lâu vẫn nằm lặng lẽ trong quán.

10 năm trước, kinh tế của gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn (thôn Me, xã Nghĩa Trung, Việt Yên, Bắc Giang) thuộc dạng khá giả nhất nhì làng. Nhưng bản án tù chung thân vì tội giết người đã lấy đi của gia đình ông gần như tất cả: kinh tế, danh dự và những tháng ngày hạnh phúc thậm chí là sức khỏe của từng thành viên.

Trước đây, những người ở xã Nghĩa Trung biết tới ông Chấn là người làm nghề đánh xe ngựa chở đồ thuê, “ông chủ” gắn bó với chiếc máy xát… Nhưng ở thời điểm hiện tại, ông vẫn chưa bắt kịp với những công việc mình đã từng gắn bó. Mặc dù: “Giờ tôi tuổi trẻ đã qua, tuổi già chưa tới, lại mất 10 năm ở trong tù nên giờ việc gì cũng thấy lóng ngóng. Hơn nữa sức khỏe cũng giảm sút nhiều nên việc bắt kịp lại nhịp công việc chắc chắn không thể bằng những người bình thường khác”, ông Chấn tâm sự.

Ông Nguyễn Thanh Chấn trong ngôi nhà cấp 4 của mình
Ông Nguyễn Thanh Chấn trong ngôi nhà cấp 4 của mình

Ông Chấn cũng cho biết, những ngày này, ngoài công việc chăm sóc vợ là bà Nguyễn Thị Chiến, lúc nằm ở bệnh viện Tâm thần Bắc Giang để điều trị, lúc ở nhà, ông còn lo nội trợ và làm những việc từ rửa bát, giặt giũ cho tới cho con giống ăn rồi cả trông cháu… để các con yên tâm đi làm.

Thêm nữa, ông đã bắt đầu “khởi động” chiếc máy xát từ lâu vẫn nằm lặng lẽ trong quán. “Khi lần đầu tiên sau 10 năm xát thóc cho một người hàng xóm nhưng tôi lại đóng đầu nghiền rồi đổ thóc vào. Sau khi xát xong “thóc vẫn hoàn thóc”. Lần thứ hai, xát thóc xong lại quên đóng cầu dao điện. Hậu quả là cầu chì nổ tung. Nhưng cũng may người không sao, coi như thoát nạn”, ông Chấn cười khi kể lại việc mình đang dần bắt nhịp với công việc… của 10 năm trước.

Chiếc máy xát đã từng gắn bó với ông Chấn 10 năm trước
Chiếc máy xát đã từng gắn bó với ông Chấn 10 năm trước

Những gì liên quan tới trại giam Vĩnh Quang hay bản án tù chung thân, ông Chấn chỉ muốn chôn chặt. Bởi, đó là một kí ức buồn trong suốt phần đời còn lại của ông và gia đình.

Khi được hỏi về cái Tết khiến ông nhớ nhất, ông Chấn nói: “Đó là cái Tết đầu tiên ở trại giam Vĩnh Quang (Vĩnh Phúc). Nhớ nhà, nhớ từng thành viên trong gia đình, nhớ không khí giao thừa… Hơn nữa, lúc đó, tôi chưa quen người nào nên cũng chẳng dám xin đồ ăn của ai. Mọi người ở trong trại giam đều có người nhà tiếp tế đồ ăn. Lúc đó vì người nhà chưa biết tôi đã chuyển từ trại giam Kế (Bắc Giang) lên đây nên chỉ biết… ngậm ngùi cho qua Tết”.

Ông Chấn cho biết thêm, để trang trải cho kinh tế gia đình những ngày này, ông đã bán đi những con vật đang nuôi như gà, lợn… Và ông cũng lo, lo những ngày tiếp theo không biết số tiền con trai út của ông kiếm được từ đồng lương ít ỏi có đủ trang trải cho mọi sinh hoạt của gia đình. Với sức khỏe vợ chồng ông như hiện tại chưa thể lao động nặng để kiếm tiền phụ giúp các con và chăm sóc mẹ già.

Bà Chiến vừa trở về từ bệnh viện tâm thần Bắc Giang, những cơn đau đầu vẫn thường xuyên tìm đến bà. Còn bản thân ông Chấn, vẫn là những đêm mất ngủ triền miên và những lần đau đầu rồi tăng huyết áp. “Tôi vừa tới Bệnh viện tâm thần Bắc Giang để kiểm tra sức khỏe. Thấy tôi huyết áp cao, các bác sĩ ở đây giới thiệu sang Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Giang để kiểm tra và điều trị”, ông Chấn chia sẻ thêm về sức khỏe của mình.

Khi tâm sự với chúng tôi về cuộc sống hiện tại của gia đình, bà Nguyễn Thị Chiến cũng nói: “Những năm trước, ngày giỗ bố chồng tôi năm nào cũng bao trùm lên không khí buồn bã, nặng nề. Nhưng năm nay thì khác, chồng tôi đã được giải oan, hung thủ thực sự của vụ án giết chị Nguyễn Thị Hoan là Lý Nguyễn Chung đã ra đầu thú. Tại thời điểm này, không khí ấy đã không còn bao trùm lên gia đình tôi. Chúng tôi mong một năm mới ấm cúng, an toàn đến với gia đình cũng như tất cả mọi người".

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại