Gặp “linh hồn” trong vụ án Nguyễn Thanh Chấn

Nguyễn Huệ |

(Soha.vn) - Ông Thân Ngọc Hoạt là anh em đồng hao với ông Chấn. Khi người em "cọc chèo" mắc án, ông Hoạt đã cùng những người khác đi kêu cứu suốt 10 năm ròng.

  Toàn cảnh vụ ông Nguyễn Thanh Chấn bị xử oan ÁN OAN 10 NĂM

Khi chúng tôi tới gặp, ông Hoạt đang làm ở cửa hàng cơ khí. Ông tâm sự: "Ngoài mẫu ruộng khoán, những chiếc bánh xe bò, lốp xe đạp thủng mà tôi nhận sửa chữa hàng ngày giúp gia đình bớt khó khăn hơn".

Ông Thân Ngọc Hoạt với công việc thường ngày của mình.
Ông Thân Ngọc Hoạt với công việc thường ngày của mình.

Vừa mời khách vào nhà, ông Hoạt lấy ngay một tập giấy dày cộp ra cho chúng tôi xem. "Tôi là người đầu tiên đi kêu oan cho Chấn. Lúc ấy nhiều người sợ vì việc của ông Chấn đã được cơ quan có thẩm quyền xử giấy trắng mực đen thì làm sao có chuyện oan sai để tôi có thể đi kêu oan được. Tôi làm sai, tôi còn bị nguy hiểm hơn ông Chấn nhưng tôi vẫn can đảm làm một mình. Sau khi tòa xử sơ thẩm, tôi đã cầm hồ sơ về nhà và hàng đêm khi xung quanh mình thực sự yên tĩnh tôi mang ra nghiên cứu. Việc của Chấn cũng có thể nói là 50/50. Một nửa là do pháp luật của Nhà nước, nhưng một nửa là thuộc về tâm linh. Chính thế tôi đã đi. Tôi có một linh cảm có thể đánh giá xuyên suốt sự việc và tâm linh mình như có sự xui bảo”, ông Hoạt kể về nguyên nhân đi kêu cứu cho người em đồng hao.

Ông Hoạt cho biết, trước đây nhà ông Chấn nghèo lắm. Cái nghèo, cảnh mẹ góa con côi đã khiến gia đình ông Chấn phải chịu biết bao điều tiếng của xã hội. Lên ba tuổi, ông Chấn mồ côi cha khi chưa một lần nhìn thấy mặt bố đẻ của mình. Cũng theo người anh em đồng hao này thì ông Chấn là người thật thà và nhút nhát, có việc gì cũng sang nhờ ông Hoạt tư vấn và “dẫn đường chỉ lối”.

"Khi sự việc không may xảy ra với Chấn, tôi là người vất vả nhất với gia đình ông ấy”, ông Hoạt thở dài.

Khi vào thăm ông Chấn ở trại giam Kế (Bắc Giang), ông Hoạt đã làm công tác tư tưởng để dò xét thái độ người em đồng hao của mình. “Chấn gần như khụy xuống dưới chân tôi và nói: anh mà cũng nghĩ em làm chuyện đó thì chắc không còn ai tin em nữa. Nên tôi tin tưởng Chấn không làm chuyện động trời đó và tôi bắt đầu giúp bà Chiến đi kêu oan cho chồng”, ông Hoạt nhớ lại.

Ông Hoạt xem lại những tài liệu liên quan tới vụ án oan của ông Chấn

Ông Hoạt xem lại những tài liệu liên quan tới vụ án của ông Chấn

Một trong những công việc đầu tiên ông Hoạt làm là gặp các “nhân chứng sống” mà theo ông, người quan trọng nhất là ông Thực. Thời điểm đó, ông Thực (cùng thôn Me) sang sử dụng dịch vụ gọi điện thoại bàn tại nhà ông Chấn. Ông Thực là thương binh. Lúc đầu ông Thực không nhận cũng không làm chứng là đã có mặt tại nhà ông Chấn thời điểm gây án vì ông nói mình có gọi điện nhưng không thể nhớ chính xác thời gian.

Ông Hoạt đã đích thân đến bưu điện xin bảng kê những cuộc gọi thực hiện trong tháng 8 của gia đình ông Chấn để đối chiếu. Khi ông Hoạt mang được bảng kê về, chứng minh có cuộc gọi đi mà ông Thực đã thực hiện trong khoảng thời gian trên, ông Thực mới kí vào biên bản xác nhận là có mặt tại nhà ông Chấn và chính ông Chấn là người bấm điện thoại cho ông Thực gọi.

Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, ông Hoạt đã làm đơn chống án và kêu oan. Hành trình kêu oan bắt đầu từ đó. Ông Hoạt cùng bà Chiến gửi đơn kêu oan đến Văn phòng Chính phủ, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao, các báo rồi Hội cựu chiến binh, các trung tâm trợ giúp pháp lý… Có nơi ông gửi chuyển phát nhanh tới hơn 10 lần.

“Trong hành trình ấy tôi cũng đã hi sinh và tổn thất rất nhiều. Có lúc xe hỏng rồi bị bắt xe ở cầu Long Biên… nhưng tôi vẫn luôn sẵn sàng giúp đỡ họ bởi tôi làm bằng cái tâm của mình”, ông Hoạt tâm sự.

Rồi ông cho tôi xem từng quyển sổ vay vốn ngân hàng và cả những sổ bìa đỏ ông đã đi cầm cố để lấy tiền trang trải cho cuộc hành trình kêu oan đằng đẵng gần 10 năm ấy.

Những cuốn sổ vay vốn để giúp cho hành trình 10 năm kêu oan của gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn
Những cuốn sổ vay vốn để giúp cho hành trình 10 năm kêu oan của gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn

“Lúc ấy trong nhà còn khoảng 58 - 60 triệu tiền mặt, tôi mang cộng cả vào và được 170 triệu để mang sang đưa cho người đã hứa là giúp đỡ chúng tôi đi kêu oan. Chúng tôi theo ông ấy suốt hai năm nhưng cuối cùng thông tin thu về lại là “hỏng rồi”. Họ cũng trả tiền lại cho mình nhưng gia đình cũng tiêu tốn vào đó rất nhiều. Vay thì một lãi nhưng khi gửi vào ngân hàng lại một lãi khác. Muôn vàn cái khó khăn cứ ập tới trên hành trình kêu oan”, ông Hoạt chia sẻ.

Tiền hết, bà Chiến cũng sinh bệnh rồi cả cháu nội bà Chiến cũng bị tai biến. Ông Hoạt lại đứng ra lo toan đưa họ đi viện.

“Có lúc bà Chiến đi ra đường có người nhổ nước bọt vào mặt. Nhìn cảnh ấy tôi như chết đứng trong lòng. Con cái đi học bị bạn bè trêu chọc, rồi không ai dám lấy vì bố mang tội giết người, đứa con thứ hai cũng trốn mẹ học tiếng để sang Đài Loan xuất khẩu lao động… Những tổn thất ấy có thước nào đo được?”, ông Hoạt đặt câu hỏi mà trong lòng nghẹn ứ.

Bất chấp sự khinh rẻ của xã hội đối với gia đình ông Chấn khi đó, ông Hoạt đã đứng ra mai mối, lo tổ chức đám cưới cho anh Quyết, chị Thu đàng hoàng như bao đám cưới khác trong làng.

Sau này, khi hung thủ thực sự của vụ án là Lý Nguyễn Chung dần được hé lộ từ chính những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, ông Họat đã nghĩ ra cách mua máy ghi âm, ghi lại tỉ mỉ thời gian, địa điểm, lời nói…

Ông Hoạt kể, không chỉ một mình mình tin ông Chấn vô tội. Trong hành trình 10 năm kêu cứu của ông Chấn còn có vợ chồng bà Hải, chị gái của ông Hoạt.

"Hai vợ chồng chị Hải đều là công an. Mỗi năm, nhà tôi có khoảng 9 – 10 cái giỗ, mọi thành viên trong gia đình đều về đông đủ. Vụ án của Chấn đã “chấn động” cả vùng quê này lúc đó, nên đi tới đâu dân làng cũng bàn tán xôn xao. Anh rể tôi cũng nghiên cứu tập hồ sơ liên quan tới vụ án của Chấn mà tôi mang về và bảo “Chấn bị oan”. Sau đó anh ấy thảo ra cái đơn và bảo tôi cùng bà Chiến sang để hướng dẫn viết đơn đi kêu oan.

Nhưng hành trình còn dang dở, anh ấy lại mất do bệnh hiểm nghèo. Chị Hải đã thay chồng đi tiếp cuộc hành trình đầy nước mắt và gian khổ ấy. Nếu anh tôi còn sống chắc vụ án sẽ kết thúc sớm hơn. Có lúc họ đi sát bên bà Chiến nhưng có lúc do tính chất công việc của từng người mà chỉ có thể hỏi thăm tin tức nhưng mọi lộ trình đều phải thông qua nhau để có sự bàn bạc và thống nhất. Đoạn kết chị Hải có công rất lớn”.

Khi ông Nguyễn Thanh Chấn được tự do, ông Hoạt vui như chính mình được thoát án vậy. “Hành trình có nhiều vất vả nhưng thành công như hôm nay là vui rồi", ông Hoạt nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại