Liên quan đến lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, Bắc Ninh, nhiều ý kiến cho rằng lợn là vật nuôi chứ không phải là động vật hoang dã nên khi chém lợn thì không vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, cũng không ít ý kiến cho rằng Việt Nam cần có luật về bảo vệ động vật nói chung chứ không chỉ bảo vệ động vật hoang dã.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, TS Đinh Xuân Thảo – Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Quốc hội cho hay:
“Đối với bảo vệ động vật đặc biệt là động vật hoang dã, Việt Nam đã có luật. Đó là Luật Hình sự, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Đa dạng sinh học cùng nhiều Nghị định hướng dẫn.
Việt Nam cũng đã tham gia vào Công ước thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) năm 1994.
Tuy nhiên, vấn đề là tự người dân chấp hành".
Khi được hỏi về việc liệu Việt Nam có cần thiết phải có luật bảo vệ động vật nói chung chứ không chỉ là động vật hoang dã, TS Đinh Xuân Thảo cho rằng:
“Việt Nam cần một luật bảo vệ động vật”.
“Ở các nước có quy định rất rõ về bảo vệ động vật. Vừa qua, có vị ĐBQH cũng bàn đến vấn đề này nhưng quy định không chặt chẽ như nước ngoài.
Ví dụ ở nước ngoài, khi giết mổ con gà hay con lợn thì phải không gây ra sự quằn quại, đau đớn trong thời gian dài.
Ngoài ra, ở một số nước trên thế giới cũng có quy định khá rõ ràng về việc săn bắn động vật. Họ có thể săn hươu, nai, lợn rừng… nhưng cấm săn trong thời kỳ mang thai.
Trở lại vấn đề trong lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh, TS Đinh Xuân Thảo kể: “Còn nhớ, trước đây, khi tiếp xúc cử tri ở Kiên Giang, đã có ý kiến chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao & Du lịch và đề nghị nên chấm dứt.
Cuối cùng bên Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch trả lời rằng dân thực hiện như vậy. Con lợn không phải là động vật hoang dã mà là vật nuôi làm thực phẩm nên không cấm”.
TS Thảo nói tiếp: “Tuy nhiên, không phải dưới góc độ đối tượng mà dưới góc độ xử sự với con vật. Rõ ràng đây là phong tục không tốt nên cần phải tuyên truyền để người dân tự giác không làm như vậy nữa”.
Dưới góc độ cá nhân, ông Thảo không ủng hộ tiếp tục lễ chém lợn mà cho rằng có thể có cách xử lý khác để vừa đảm bảo yếu tố tâm linh vừa không bị phản đối.
Theo TS Thảo, thay vì chém con lợn ngay tại sân đình, ban tổ chức lễ hội có thể tế lễ các vị thần ở sân đình rồi thịt để làm cỗ cúng các vị thần ở một nơi khác kín hoặc che vào khi thịt sao cho trẻ em không nhìn thấy.
Trong một cuộc trao đổi khác với chúng tôi, nói về vấn đề ra luật bảo vệ động vật, ông Nguyễn Đình Quyền - Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: "Ở Việt Nam, việc ra luật phải phù hợp với tập tục.
Vả lại nếu ra luật ngay mà không có sự nghiên cứu kỹ càng thì chưa chắc đã khả thi. Tính khả thi của các quy định pháp luật phụ thuộc vào nhiều yếu tố: quản lý Nhà nước, trình độ dân trí...".
"Xung quanh vấn đề chém lợn, có nhiều ý kiến đa chiều. Và trước vấn đề đó, các cơ quan chức năng phải có nghiên cứu tổng thể. Dưới góc độ quản lý nhà nước, khi các hiện tượng xã hội xuất hiện, vấn đề nghiên cứu, tổng hợp phải được đặt ra.
Những tập tục phù hợp với nền văn minh của nhân loại thì phải được duy trì. Còn tập tục lạc hậu thì thông qua giáo dục, tuyên truyền dần nâng cao dân trí rồi mới luật hóa. Đó là một quá trình", ông Quyền chia sẻ.
Ở các nước tiên tiến, ngay cả quy trình giết mổ động vật cũng phải tuân thủ những tiêu chuẩn khắt khe, đảm bảo động vật đó bị giết hại ít nhẫn tâm nhất.
Tại Hoa Kỳ, một đạo luật liên bang được gọi là Đạo luật giết mổ nhân đạo được thiết kế nhằm làm giảm sự đau đớn của độ ng vật trong quá trình giết mổ.
(Nguồn: Wikipedia)