Nhiều tồn tại, yếu kém
Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng nay (2/11), Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng, Bác Hồ dạy cán bộ là cái gốc, chìa khóa của mọi công việc.
"Cán bộ trước hết là cá nhân các đồng chí lãnh đạo cao cấp, đặc biệt là các đồng chí đứng đầu các Bộ, ngành Trung ương.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Quốc hội đã kỳ vọng vào một thế hệ Bộ trưởng mới, cho dù cơ chế của chúng ta hiện nay không còn là cho sự thể hiện cá nhân nhưng có những kết quả thể hiện thành viên chính phủ rất rõ rệt.
Tư duy đổi mới của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, cải cách hành chính của ngành thuế, chèo lái con thuyền ngân sách của ngành Tài chính, chỉ đạo phá các vụ án đặc biệt nghiêm trọng của Bộ Công an hay việc tạo ra các động lực phát triển đô thị, khôi phục bất động sản, nhà xã hội của Bộ Xây dựng.
Có nhiều lĩnh vực tạo ra dấu ấn mạnh, được đông đảo cử tri quan tâm theo dõi như ngoại giao Việt Nam trong bảo vệ tổ quốc, ngành ngân hàng ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tái cơ cấu ngân hàng thương mại.
Ngành giao thông vận tải vừa qua đã tạo lên bước phát triển ngoạn mục của hạ tầng giao thông, có chuyển biến lớn về quản lý ngành, có những đột phá dám chấp nhận thách thức, đó là những kết quả không thể phủ nhận", ông Nam nói.
Tuy nhiên, theo ông Nam, bên cạnh những thành tựu thì xã hội còn quá nhiều bức xúc, quá nhiều yếu kém, có nhận xét không thiện chí rằng, Việt Nam là nước không chịu phát triển. Nếu dám tự chỉ trích thì chúng ta cho rằng nhận xét đó có lý.
Nền kinh tế có gốc là sản xuất tụt hậu, đời sống người nông dân khốn khó, ngư dân mong có tàu lớn ra biển khơi nhưng 1 năm rưỡi rồi chưa xong tàu mẫu, môi trường sống ngày càng tồi tệ.
"Chống tham nhũng cả chục năm rồi vẫn chưa vượt qua thời kỳ cầm cự. Những bức xúc trên có nguyên nhân khách quan nhưng có nguyên nhân rất lớn thuộc về trách nhiệm của các Bộ trưởng, những người đứng đầu các ngành, địa phương.
Thậm chí là trách nhiệm của người đứng đầu Đảng, Nhà nước. Nhiệm kỳ này chúng ta đã chứng kiến, nước mắt của đồng chí Tổng Bí thư rơi vào lịch sử.
Chính phủ tổng kết 5 bài học kinh nghiệm, tôi đề nghị cần bổ sung thêm bài học về trách nhiệm, bản lĩnh của các đồng chí Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ, người đứng đầu các địa phương.
Thứ hai, Bộ máy hệ thống chính trị, người ăn lương nhà nước vượt khả năng chịu đựng của ngân sách nhà nước.
Trung ương, Chính phủ đang chỉ đạo tinh giảm biên chế, đảm bảo đời sống người lao động nhưng với các chủ trương, giải pháp đã làm thì tôi tin là không thể làm được vì không biết gặp ai, thậm chí tạo thêm các bức xúc khác.
Tôi rất hoan nghênh ông Thứ trưởng Bộ Nội vụ đã trực tiếp đến cơ sở, giải quyết các vụ việc bức xúc về biên chế, tiền lương và tổ chức chấm điểm cải cách hành chính ở các Bộ.
Tuy nhiên, cần phải sớm nghiên cứu, tiếp cận những sáng tạo, trăn trở từ các địa phương, các ngành. Ví dụ như việc đề nghị sát nhập các cơ quan Đảng, Nhà nước ở Quảng Ninh, cổ phần bệnh viện GTVT, bệnh viện công tư ở tỉnh Đồng Nai...", ông Nam nêu.
Thủ tục hành chính rườm rà, quan liêu
Đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng, sức nóng TPP đang phả vào gáy, nếu không tận dụng cơ hội thì:
"Kinh tế Việt Nam, vốn yếu nhất trong 12 quốc gia tham gia hiệp định sẽ bị đánh chiếm bởi những tập đoàn viễn chinh nước ngoài hùng mạnh. Chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà”, ông Tâm nói.
Nhớ lại 9 năm trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO), ông Tâm chia sẻ, lúc đó còn là cử tri được nghe rất nhiều phát biểu lạc quan rằng Việt Nam có thể sớm hóa rồng, hóa hổ.
Nhưng thực tế lại phải trải qua những cơn sóng lớn, đến nay vẫn phải nghe hoài điệp khúc được mùa mất giá, cá tra, tôm Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá…
Nguyên nhân chủ yếu vẫn do những yếu kém bên trong. Ngay đến doanh nghiệp, đội quân tiên phong tham gia hội nhập vẫn chưa thể nắm thông tin về những hiệp định thương mại tự do, trình độ ngoại ngữ yếu kém… cũng là mối lo.
Thủ tục hành chính rườm rà, quan liêu cũng gây cản trở.
"Một cái lắc đầu của ông lãnh đạo, một sự chậm trễ của anh công chức bình thường cũng tước đi cơ hội của doanh nghiệp", ông Tâm nêu.
Đồng thời, theo ông Tâm, sự cát cứ của các địa phương vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh, như mới đây một tỉnh đã có văn bản yêu cầu phải dùng bia của một doanh nghiệp.
Ông Tâm cũng bày tỏ xót xa khi các thành viên hăng say đàm phán những doanh nghiệp lại thờ ơ, còn bộ máy công chức thì vô cảm, không thể biến những lợi thế, cơ hội thành đơn hàng, việc làm cho người dân.
Do đó, ông đề xuất phải cải cách mạnh mẽ môi trường kinh doanh, loại bỏ những cán bộ công chức nhũng nhiễu để tạo điều kiện phát triển cho doanh nghiệp.