Nữ nhân viên y tế nhập viện vì ăn nấm

Thế Long |

(Soha.vn) - Trước tình trạng bệnh nhân bị ngộ độc do ăn nấm ngày càng tăng, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo người dân không ăn nấm hoang dã, nấm mọc tự nhiên.

Chiều ngày 17/3, Trung tâm Chống độc thuộc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, số bệnh nhân bị ngộ độc do ăn nấm mọc hoang dã phải nhập viện tính từ 9/3 đến nay đã lên 14 người lên.

PGS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai.

PGS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai.

Theo PGS.TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, nhóm đầu tiên đến viện hôm 9/3 gồm có 5 người quê ở huyện Võ Nhai ( Thái Nguyên), một người đã tử vong, 3 người vẫn trong tình trạng hôn mê.

Nhóm thứ 2 nhập viện vào ngày 12/3 sau 24 giờ ăn nấm vì có triệu chứng buồn nôn, suy gan cũng ở Thái Nguyên. Trong số này cũng có một bệnh nhân đã tử vong, còn 4 bệnh nhân khác cùng có nguy cơ tử vong cũng rất cao. Và nhóm mới nhất (gồm 4 người) mới nhập viện ngày hôm qua (16/3).

“Đáng tiếc là trong số 14 bệnh nhân, có một người làm ở trạm y tế xã thuộc huyện Võ Nhai, Thái Nguyên. Cô này mặc dù đã được tập huấn về ngộ độc nấm nhưng sau khi nghe già làng tuyên bố “ăn được” thì cũng đã ăn. Giờ đang nguy kịch nên phải nằm điều trị”, BS Duệ nói.

Loại nấm này có hình dáng hoàn toàn giống với các loại nấm do người dân trồng cấy.

Loại nấm này có hình dáng hoàn toàn giống với các loại nấm do người dân trồng.

PGS.TS Phạm Duệ cho biết, người nhà bệnh nhân cũng đã đưa mẫu cây nấm xuống Hà Nội để các bác sỹ “mục sở thị”, cây nấm có màu trắng nhìn rất giống các loại nấm trồng. Theo người nhà bệnh nhân, cây nấm nấu lên ăn rất ngọt. Do tất cả bệnh nhân ăn phải nấm quá độc, ăn nhiều, đến viện muộn và xử lý ban đầu chậm nên khó qua khỏi.

“Đang vào mùa thuận lợi để cây nấm phát triển, cần khuyến cáo người dân tuyệt đối không  hái nấm rừng, nấm hoang dại để ăn. Khi có các triệu chứng ngộ độc (nếu chưa nôn) cần móc họng, hoặc uống nhiều nước rồi móc họng gây nôn. Phương pháp này chỉ áp dụng cho bệnh nhân còn tỉnh. Sau đó, khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Tại tuyến y tế cơ sở, bệnh nhân ngộ độc nấm thường mất nước, trụy mạch nên cần phải bù nước bằng cách uống orezol và than hoạt tính. Liều lượng dùng là 2g/15kg x 2 lần uống/ngày”.

Ông Duệ cho hay, hiện nay thuốc điều trị đặc hiệu ngộ độc nấm vẫn còn khá hiếm ở Việt Nam, vì thế than hoạt được coi là giải pháp hữu hiệu.

“Ngộ độc nấm xảy ra trước 6 giờ nấm lành, xảy ra muộn sau 6 giờ nấm cực độc, tỷ lệ tử vong khoảng 90% hoặc có thể lên đến 100% nếu không được cứu chữa tích cực. Đến nay, Trung tâm chống độc đã huy động mọi nguồn lực, đưa ra những phác đồ điều trị tích cực nhất, tiêu thụ vài trăm lít huyết tương. Chi phí điều trị cho các bệnh nhân trong đợt này đã lên tới 1,6 tỷ đồng, bảo hiểm đã chi trả 90%, ngoài ra Trung tâm chống độc cũng đã phải tạm ứng đến 300 triệu đồng tiền thuốc. Tuy vậy, khả năng tử vong vẫn rất lớn", BS Duệ cho biết thêm. 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại