Họ là những người “chiến đấu” âm thầm với dịch sởi cùng trẻ, người nhà bệnh nhi trong suốt những ngày vừa qua. Lhông ít lần họ bật khóc vì thương xót khi chăm sóc, cứu chữa bệnh nhi.
Đó là những bác sỹ tận tâm, cô điều dưỡng hết lòng thương yêu, túc trực ngày đêm “canh” giấc ngủ cho hàng trăm đứa trẻ mắc sởi. Trò chuyện với chúng tôi, các nữ điều dưỡng ở Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khiếm tốn đùa rằng: “Khó khăn, tủi thân, mệt mỏi không phải không có nhưng chưa bao giờ chúng tôi đầu hàng. Làm nhiều thành quen, hàng ngày chăm sóc các bé, đông bệnh nhi là chuyện bình thường”.
Mặc dù còn khá trẻ, Nguyễn Thị Yến (24 tuổi, Nam Định) là điều dưỡng ở khoa đã gần 3 năm nay, chứng kiến nhiều câu chuyện buồn cũng như đã quá quen với công việc của một điều dưỡng. Nhưng trong thời gian dịch bệnh sởi bùng phát vừa qua, chị Yến cảm thấy xót xa, đau buồn, áp lực, lo lắng hơn rất nhiều không chỉ bởi bệnh nhân quá tải mà chính sự xót xa, thương cảm khi thấy những trẻ nhỏ kém may mắn mắc sởi ở thể nặng.
Y tá Nguyễn Thị Yến
“Mình chưa lập gia đình, chưa có con cái nhưng khi nhìn thấy những người mẹ khóc gục cả đêm nước mắt ròng, có bệnh nhi vài tháng tuổi yếu ớt, thở khó khăn, người gầy tọm đi…mình xót xa lắm!
Trong đó, câu chuyện cháu bé 10 tháng tuổi nằm li bì trên giường cấp cứu trong đêm trong tình trạng sốt cao 40 độ, thể trạng yếu mình không lấy được ven yếu ớt, thâm tím có lẽ là hình ảnh mà cả đời mình không thể quên được. Lúc ấy, mình chết lặng người khi thấy cháu không cử động được, không phản ứng vì sức khỏe cháu quá yếu.
Mẹ cháu khóc ròng miệng nói cầu xin: “Cô ơi, xin cô cứu con tôi với”. Lúc đấy, mình chỉ biết “nuốt nước mắt vào trong” chăm sóc cháu, động viên mẹ vì gần như mình là điểm tựa duy nhất để cứu sống con của họ nên mình cần vững tâm lý để họ tin tưởng. Sau một lúc khi động viên mẹ cháu trấn tĩnh, tôi lấy được máu cho cháu.
Nhưng lúc bước ra ngoài phòng chợt thấy bố cháu bé ngồi ôm gối, gục trên ghế rất mệt mỏi khiến tôi không cầm được nước mắt, òa khóc”, chị Yến rưng rưng khi kể lại.
Mặc dù đối mặt với không khí căng thẳng, lo lắng, gấp gáp…nhưng đối với nữ điều dưỡng trẻ tuổi không cho phép mình tỏ ra mệt mỏi, yếu đuối trước mặt phụ huynh. Hình ảnh các mẹ đứng ngồi không yên, nhiều ông bố tranh thủ chợp mắt ngoài hành lang,… tiếng trẻ con khóc tạo ấn tượng mạnh xúc động trong suy nghĩ của cô Nguyễn Thị Yến.
Nhớ lại thời điểm có ngày nhận 20 ca bệnh vào viện nhất là vào ngày trực đêm, nữ điều dưỡng trẻ tâm sự rằng, mỗi ca trực có 2 điều dưỡng nên hầu như không được chợp mắt, thậm chí không có thời gian để ngồi xuống ghế nghỉ ngơi, gần như phải đứng cả đêm. Nhiều bệnh nhi nhập viện là trong tình trạng yếu phải thở ô xi, điều dưỡng phải túc trực liên tục để theo dõi, hỏi thăm, động viên…
Không ít lần lần đầu gối muốn khuỵu xuống nhưng nhìn thấy các bé, nước mắt và ánh mắt của các bà mẹ giúp Yến luôn có động lực, sức khỏe để tiếp tục “chiến đấu” với dịch bệnh này.
Và câu chuyện của chị Nguyễn Hải Vân – Điều dưỡng Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khiến chúng tôi hiểu hơn về những người thầm lặng hàng ngày bên trẻ. Họ luôn coi đó là công việc chung, xác định vào nghề là sẽ vất vả, có lây nhiễm nhưng không có gì ngần ngại.
Chị Vân - Điều dưỡng trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp người nhà bệnh nhi.
“Mình có hai cháu nhỏ 5 tuổi và 1 tuổi. Hàng ngày đi làm tiếp xúc với bệnh nhi mắc sởi mình đều đeo khẩu trang, đội mũ, sau đó về nhà việc đầu tiên là chạy vào nhà tắm thay đồ, tắm sạch sẽ trước khi bế, ôm con…để tránh lây nhiễm”, chị Vân nói.
Công việc vất vả đặc biệt dưới áp lực của dư luận trong thời gian vừa qua, chị Vân thật thà tâm sự: “Rất ngại, rất sợ chia sẻ với báo chí. Có thể dư luận hiểu chưa đúng vô tình đã tạo cho chúng tôi áp lực. Bên cạnh “con sâu làm rầu nồi canh” thì rất nhiều bác sỹ đang hàng ngày cố gắng hết sức giúp đỡ, chăm sóc, cứu sống bệnh nhân. Với chúng tôi xác định chỉ cần làm tốt công việc của mình, mong muốn gia đình hợp tác cùng chữa trị các cháu khỏe mạnh, ra viện là hạnh phúc lắm rồi”.
Về nhà chạy vào nhà tắm trước khi gần con!
Bác sỹ Nguyễn Thành Lê (29 tuổi) trực hồi sức cấp cứu tại khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TW tâm sự, trong đợt dịch vừa qua nhiều hôm đông bệnh nhân việc sinh hoạt ăn uống, giờ về của y bác sỹ trong khoa thay đổi.
Và để phòng tránh lây nhiễm sởi cho con 6 tháng tuổi, anh Lê đều phải thực hiện đúng nguyên tắc: “Hết ca làm mình tắm ở khoa, sau đó về đến nhà việc đầu tiên làm là chạy vào nhà tắm để thay đồ và tắm lần nữa trước khi gần gũi con. Quần áo đi làm mình cũng để riêng một chỗ để tránh lây sang hai mẹ, con.
Đôi khi chỉ nghe các mẹ tâm sự hôm nay cháu đỡ sốt, đỡ ho hay đêm qua cháu ngủ ngon hơn, không khò khè bác sỹ ạ là mình mừng lắm”, anh Lê tâm sự
Tâm sự của các bác sỹ, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.